Theo trang tin Zmescience của Rumani, các nhà khoa học Trung Quốc ở Viện Gen Bắc Kinh (BGI) vừa tiết lộ họ đã lai tạo thành công giống lợn chuyển gen hay lợn chỉnh sửa gen, có kích thước chỉ bằng hoặc lớn hơn con chó cỡ trung bình, và sẽ được đưa ra thương phẩm cho mục đích làm cảnh.
Trước nghiên cứu này, BGI chi nhánh Thâm Quyến là nơi nổi tiếng với hàng loạt nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực giải mã gen, cũng đã tạo được giống lợn mini để làm mô hình chữa bệnh cho con người. Và không giống chuột, lợn có nhiều điểm chung với sinh lý con người, nên được dùng làm mô hình.
Trong thực tế, giống lợn ỉ hay lợn Bama, thường được dùng trong nghiên cứu khoa học cũng nặng từ 35-50 kg, và nay đã được thu nhỏ kích thước. Nhưng nếu chỉ để làm mô hình, hoặc thu gom nội tạng chữa bệnh sẽ không mang lại nhiều lợi ích nên BGI đã tìm cách để tạo ra sản phẩm “lợn cảnh” sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Lợn chuyển gen của BGI vừa được đưa ra giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ sinh học Quốc tế Thâm Quyến hôm 23/9.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ sinh học quốc tế Thâm Quyến tổ chức hôm 23/9, BGI đã đưa ra giới thiệu giống lợn chuyển gen này, nếu đủ tuổi có thể nặng đến 15 kg, điều này thực sự hấp dẫn đối với những người hiếu kỳ Trung Quốc, nhất là những ai muốn nuôi làm cảnh thay cho chó.
BGI còn tiết lộ sẽ bán những con lợn này với giá 1.600 USD (khoảng trên 33 triệu VNĐ). Chưa hết, trong tương lai, nếu khách hàng muốn sẽ được cung cấp các bản thể với các dạng kích thước, màu lông khác nhau.
Ngay sau khi thông tin trên được tiết lộ, giới khoa học đã bày tỏ mối lo ngại về việc sử dụng các kỹ thuật chuyển gen cho mục đích phù phiếm, đặc biệt là hậu quả đối sức khỏe con người và môi trường.
Theo Jens Boch, chuyên gia di truyền tại Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, Đức: “Đây là vấn đề nghiêm trọng tác động đến đời sống, sức khỏe và hạnh phúc của các loài động vật khác trên hành tinh”.
Chính Jens Boch là người đã từng có nhiều năm phát triển các kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra lợn, trong đó có việc sử dụng các enzym được gọi là Talens (nuclease giống nhân tố kích hoạt phiên mã ) để vô hiệu hóa gen nhất định.
Việc tạo giống lợn chuyển gen của BGI cho mục đích làm vật nuôi và thương mại đã làm cho cộng đồng khoa học thực sự ngạc nhiên. Lars Bolund, chuyên gia di truyền học y khoa ở Đại học Aarhus, Đan Mạch, người đã giúp BGI phát triển các chương trình chỉnh sửa gen lợn, cho rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Theo Lars Bolund , trước tiên, về mặt y học lẫn cho chăn nuôi, những con lợn chuyển gen không hoàn hảo cần được bổ sung, chọn lọc và phải có thời gian nhất định.
Nhiều loại chó mèo thuần chủng vẫn còn mắc phải những căn bệnh cố hữu, ảnh hưởng cả đến con người huống hồ một giống lợn chuyển gen chưa qua kiểm chứng.
Jeantine Lunshof, chuyên gia lĩnh vực đạo đức sinh học ở ĐH y khoa Harvard Mỹ thì cho rằng nếu chỉ dùng cho mục đích phù phiếm, lợi nhuận trước mắt thì trước sau con người sẽ phải trả giá.
Còn theo Dana Carroll, người tiên phong trong lĩnh vực chỉnh sửa gen ở Đại học Utah, Mỹ lại nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn việc nhân bản chó còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù tất cả giống chó hiện có đều là kết quả của chọn lọc của con người, tương tự, giống lợn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ”.
Khắc Nam
Nguồn: Báo Đất Việt