Ứng dụng công nghệ vi sinh trong tăng gia sản xuất

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Ứng dụng công nghệ vi sinh trong tăng gia sản xuất
Ngày đăng bài - 1/8/2018 12:00:00 AM
Ứng dụng công nghệ vi sinh trong tăng gia sản xuất

Tăng gia sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho các đơn vị trong toàn quân. Để nâng cao chất lượng công tác tăng gia sản xuất nói chung và chăn nuôi lợn thịt nói riêng, vừa qua Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần) đã đưa vào ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt, bước đầu cho kết quả rất khả quan.

 

Ứng dụng công nghệ vi sinh trong tăng gia sản xuấtQuy trình ủ men thức ăn dư thừa tại Viện nghiên cứu, Học viện Hâu cần.

 

Giải quyết bài toán thức ăn dư thừa

 

Chúng tôi ghé thăm phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học của Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự đúng vào thời điểm các anh đang gấp rút công tác chuẩn bị xây dựng hầm ủ thức ăn dư thừa để chăn nuôi gia súc. Đây là đề tài cấp Tổng cục Hậu cần đã thực nghiệm thành công trong chăn nuôi lợn thịt ở sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) vào tháng 12-2016, hiện nay đang được triển khai ứng dụng tại Học viện Hậu cần.

 

Trung tá Hoàng Thế Hưng, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật hậu cần, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chăn nuôi lợn có vai trò rất quan trọng trong công tác tăng gia sản xuất ở các đơn vị quân đội. Để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài công tác chọn giống thì nguồn thức ăn cũng chiếm một vị trí quan trọng”. Đại úy Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng Ban Kế hoạch tổng hợp, Viện nghiên cứu, cho biết thêm: “Thực tế từ trước tới nay chúng ta vẫn chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, đó là sử dụng cơm gạo, cặn bã dưa thừa nhưng hiệu quả không cao; hai là sử dụng cám công nghiệp ở bên ngoài, nhiều khi không kiểm soát được chất lượng; thứ ba là gộp cả hai phương pháp nói trên. Chính vì vậy năng suất chăn nuôi nhiều khi không tương xứng với tiềm năng của các đơn vị”.

 

Sau thời gian thực nghiệm đề tài tại trại chăn nuôi tập trung của Sư đoàn 312, đồng chí Hưng cho biết: “Hầu hết nhà ăn ở các đơn vị đều có thức ăn dư thừa và sử dụng để chăn nuôi. Tuy nhiên các đơn vị đều sử dụng ngược quy trình chăn nuôi, đó là trộn thức ăn dư thừa, cho thêm nước nấu lại, để nguội và cho lợn ăn. Với cách đó cần thời gian và tiêu tốn một lượng chất đốt để tạo nhiệt đun sôi, thức ăn nấu lại chất lượng sẽ giảm, chăn nuôi lợn hiệu quả thấp. Bài toán đặt ra là  cần phải có một loại men cho vào thức ăn dư thừa đó, chỉ cần ủ trong vòng 2-3 ngày là cho lợn ăn được luôn”. Đó là vấn đề cấp thiết mà các tác giả đưa ra nghiên cứu ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt.

 

Những kết quả khả quan

 

Theo Trung tá Hoàng Thế Hưng, ứng dụng vi sinh vật trong lên men thức ăn thừa sẽ làm tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn, nâng cao khả năng tiêu hóa, từ đó đẩy mạnh quá trình sinh trưởng và phát triển của lợn, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Mặt khác quá trình thực hiện đơn giản và thuận tiện hơn so với phương pháp nấu, thức ăn bảo đảm chất lượng, kiểm soát được vệ sinh, đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi hiện nay.

 

Trong quá  trình tiến hành thực nghiệm đề tài, toàn bộ men ủ thức ăn thừa được sản xuất tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học của Viện Nghiên cứu, lợn nuôi thí nghiệm của sư đoàn 312, trọng lượng trung bình 13÷15 kg/con, chia làm 2 lô, mỗi lô 12 lợn thịt. Đồng chí Hưng cho biết thêm: “Chúng tôi đã thí nghiệm bằng phương pháp đối chứng, một bên là lên men thức ăn thừa trộn đều các loại thức ăn thừa của bộ đội, còn một bên là theo phương pháp nuôi lợn truyền thống nấu thức ăn thừa”.

 

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng men ủ thức ăn thừa để lên men sẽ làm tăng lượng protein và đạm foocmol. Men ủ thức ăn thừa không gây độc hại đến vật nuôi, lợn ăn thức ăn thừa đã lên men khỏe mạnh bình thường, không có hiện tượng tiêu chảy. Thức ăn thừa sau khi lên men đã có tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu tốt hơn do đó tăng sinh trưởng của lợn. Khối lượng lợn thịt sau khi ăn thức ăn thừa lên men so với ăn thức ăn thừa không lên men ở 30 ngày tăng 4,37kg và ở 60 ngày tăng 7,17kg. Với kết quả trên, việc ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất. Mặt khác, quy trình thực hiện khá đơn giản, có thể vận dụng rộng rãi ở các sư đoàn bộ binh và tương đương.

 

Đại tá Nguyễn Trần Đình Tá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hậu cần quân sự cho biết: “Sau khi thực nghiệm ứng dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt ở Sư đoàn 312 với kết quả khả quan, chúng tôi đã triển khai ở hai tiểu đoàn của học viện và hiện tại đang gấp rút xây dựng kế hoạch để triển khai xây dựng hầm ủ men thức ăn dư thừa để phục vụ chăn nuôi trong toàn học viện. Đây là bước tiến trong công tác ứng dụng công nghệ vào tăng gia sản xuất của đơn vị”.

 

Phạm Kiên
Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập