TIỀM NĂNG CÁC SẢN PHẨM TỪ PHỤ PHẨM TÔM
Phụ phẩm tôm (đầu, vỏ tôm) được khoa học chứng minh có chứa rất nhiều dưỡng chất, có thể tạo sản phẩm giá trị gia tăng ứng dụng nhiều ngành khác nhau (Hình 1). Tuy nhiên, phụ phẩm tôm hiện là gánh nặng môi trường vì phần xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng về mùi, nguồn nước và cảnh quan.
Hình 1: Dinh dưỡng và ngành ứng dụng của sản phẩm từ phụ phẩm tôm
Nhận ra cơ hội phát triển, Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) tiên phong mở ra một hướng đi mới, xử lý cả phần vỏ và phần protein trong phụ phẩm tôm.
Chất dẫn dụ dùng trong thức ăn chăn nuôi
Đầu tiên, phần protein sẽ được xử lý thành các sản phẩm thủy phân, trong đó đáng chú ý là sản phẩm Dịch tôm thủy phân (Shrimp Soluble Extract – SSE) (Hình 2) với đặc tính dẫn dụ bằng mùi thông qua các phân tử khối lượng nhỏ phân tán nhanh (nhất là trong môi trường nước) từ đó thu hút và kích thích vật nuôi ăn nhiều hơn. Ngoài ra dòng sản phẩm cao cấp còn có khả năng cung cấp dinh dưỡng đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của vật nuôi, giúp lớn nhanh và ít bị bệnh.
Hình 2. Sản phẩm SSE của VNF
SSE có thể áp dụng trên nhiều loài vật nuôi, hiện chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản (cá rô phi, cá diêu hồng, cá lóc…) và đã được trường, viện, doanh nghiệp thử nghiệm trên các loài thủy sản khác (tôm, cá ba sa, cá hồi…) cũng như gia súc gia cầm (lợn, vịt xiêm…). Tất cả đều cho hiệu quả cao, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (Feed Conversion Ratio – FCR) giảm đáng kể dẫn đến tiết kiệm chi phí thức ăn, vật nuôi ít bệnh, lớn nhanh, từ đó tăng lợi nhuận cho người nuôi (Hình 3).
Hình 3. Tổng hợp kết quả thử nghiệm SSE trên nhiều loài vật nuôi
Dòng sản phẩm chất dẫn dụ là một bước đột phá, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới cho ngành phụ gia thức ăn chăn nuôi với giá thành cạnh tranh và nguồn cung bền vững. SSE đảm bảo tính hấp dẫn và ngon miệng, là nguyên liệu không thể thiếu của thức ăn tổng hợp thay thế bột cá (fish meal analogue – FMA), vốn càng có vị trí quan trọng khi nguồn bột cá không ổn định và dần khan hiếm.
Thực phẩm tiêu dùng
Tiếp theo xu hướng gia tăng giá trị, VNF phát triển thêm dòng sản phẩm thực phẩm tiêu dùng. Hiện VNF cung cấp danh mục các sản phẩm đặc trưng hương vị tôm, tiêu biểu là gia vị, bột nêm, sốt, nước chấm… với ứng dụng đa dạng (Hình 4). Đây là bước ngoặt trong ngành phụ gia thực phẩm khi dịch protein của VNF có thể dùng để thay thế cho các hóa chất hương liệu, phụ gia tổng hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe ở mức giá cạnh tranh.
Hình 4. Sản phẩm thực phẩm của VNF với ứng dụng đa dạng
Nguyên liệu trong dược phẩm và công nghiệp
Ngoài ra, từ vỏ tôm có thể chiết xuất ra Chitin và Chitosan – đây là một loại polymer tự nhiên có nhiều đặc tính sinh học hữu ích và ứng dụng rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xử lý nước thải, nông nghiệp, công nghiệp cho đến mỹ phẩm, y dược. Đặc biệt trong ngành chăn nuôi, Chitosan có thể được ứng dụng trong việc làm sạch và giảm ô nhiễm môi trường nuôi, đồng thời kích thích sự phát triển của vật nuôi và tăng độ miễn dịch, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí (Hình 5).
Hình 5. Sản phẩm chitosan của VNF và ứng dụng trong chăn nuôi
Theo ước tính của Grandview Research, thị trường Chitosan và dẫn xuất Chitosan toàn cầu sẽ đạt 17.84 tỷ USD vào 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân cao đạt 16.4%/năm. Với sản lượng tôm dồi dào, chiếm thị phần nguyên liệu lớn trên thế giới, Việt Nam hoàn toàn có triển vọng đưa Chitosan thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Hiện VNF là một trong những đơn vị tiên phong đang rất tích cực phát triển và khai thác giá trị dòng sản phẩm này. Tuy nhiên cần một sự đầu tư rất nghiêm túc vào nghiên cứu phát triển (R&D) và cơ sở hạ tầng thì mới có thể nâng cao giá trị Chitosan.
Phân bón hữu cơ
Cuối cùng, vận dụng mô hình “không chất thải” (zero-waste), VNF sử dụng bùn thải thu được sau quá trình sản xuất, kết hợp với một số vi sinh vật có lợi tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh. Sản phẩm đáp ứng xu hướng “sạch và thân thiện môi trường“, còn được phát triển cao hơn bằng cách kết hợp với Chitosan để sản xuất phân bón nhả chậm có kiểm soát (Controlled-release fertiliser), là bước tiến mới hướng đến nền nông nghiệp thông minh.
Hình 6. Sản phẩm phân bón của VNF
VNF VÀ TẦM NHÌN NGÀNH PHỤ PHẨM TÔM VIỆT NAM
Chỉ trong vòng 5 năm, với sự đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và hoạt động nghiên cứu và phát triển, VNF được đánh giá đang dẫn đầu trong ngành phụ phẩm tôm. Sở hữu hai nhà máy có quy mô xử lý phụ phẩm tôm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, VNF đảm bảo một nguồn cung ổn định và lâu dài cho thị trường. Ngoài ra, quy trình sản xuất áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, phối hợp sản xuất liên tục cũng như tự động hóa giúp ngày càng gia tăng giá trị và tiết kiệm chi phí cho sản phẩm. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất và sản phẩm (EU, ISO, GMP, HACCP, Halal) cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho vật nuôi và cho người tiêu dùng. Tất cả đã tạo nên thành công bước đầu đáng khích lệ cho VNF. Dựa trên nền tảng đã tạo lập, VNF vạch ra kế hoạch chuẩn bị cho bước phát triển nhảy vọt tiếp theo của công ty, bao quát chuỗi giá trị từ đầu vào, sản xuất, phát triển sản phẩm cho đến thương mại hóa, đáp ứng nhiều nhu cầu của thị trường hơn và mở rộng độ phủ sóng cả trong và ngoài nước.
Với mục tiêu của Chính phủ đưa tôm trở thành sản phẩm quốc gia và sản lượng ước tính tăng gấp 3 lần so với hiện thời, phụ phẩm tôm nếu không có một giải pháp xử lý phù hợp và triệt để thì sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội. Nhận thức được vấn đề, Chính phủ ngày càng quan tâm và hỗ trợ phát triển ngành phụ phẩm tôm thông qua các chính sách và chương trình cụ thể. Đặc biệt, tại “Hội thảo quốc tế, công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam” do VNF đồng tổ chức cùng với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ và Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ vào ngày 03/10/2018, đã truyền tải thành công thông điệp về tiềm năng giá trị ngành phụ phẩm tôm. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một hội thảo quốc tế chuyên về phụ phẩm tôm, và cũng đánh dấu mốc lịch sử trong chặng đường phát triển của VNF nói riêng và ngành phụ phẩm tôm nói chung (Hình 7 và 8). Với sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ và xã hội, cùng với tâm huyết và tiềm lực phát triển của công ty, VNF tin tưởng vào sự thành công của một ngành công nghiệp mới trong thời gian không xa, từ đó thực sự biến phụ phẩm thành “mỏ vàng” cho nước nhà.
Hình 7. Thứ trưởng Bộ KH&CN – ông Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc “Hội thảo quốc tế, công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam” lần thứ 1 năm 2018 thuộc Techdemo 2018
Hình 8. VNF và trường Đại học Nha Trang ký kết hợp tác chiến lược về phát triển giá trị các sản phẩm từ phụ phẩm tôm trong khuôn khổ Techdemo 2018
Phan Thanh Ngọc
Nguồn: Nhachannuoi.vn