1. “Cơn bão giá” lợn và cơ hội xốc lại ngành
2017 có thể nói là một năm đáng quên của người chăn nuôi lợn khi mà cuộc khủng hoảng rớt giá đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Thời điểm tháng 3 – 4/2017, khi mà giá lợn đã tụt rất thấp trong một thời gian rất dài trước đó, tuy nhiên đàn lợn vẫn không có dấu hiệu giảm xuống so với thời điểm cuối năm 2016 mà vẫn ở mức khoảng 29 triệu con, gần tương đương với cuối năm 2016. Điều này cho thấy,= ngay cả khi giá lợn giảm sâu, người ta vẫn không tin và hi vọng một điều kỳ diệu nào đó có thể giúp giá thịt lợn tăng trở lại. Đến cuối năm 2017, mặc dù tổng đàn lợn cả nước đã giảm, nhưng vẫn còn hơn 27,1 triệu con.Theo tính toán của Hội Chăn nuôi Việt Nam, ảnh hưởng của giá lợn giảm kéo dài trong suốt hơn 1 năm qua, đã khiến những người chăn nuôi mất 100.000 tỷ đồng.
Cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 cũng là dịp để ngành chăn nuôi nhìn ra những điểm còn hạn chế và những bài học nhằm xốc lại ngành. Đó là cơ cấu thịt lợn trong bữa ăn của người Việt đã có sự thay đổi theo xu hướng giảm dần. Mặt khác, tiêu tốn thức ăn, số lượng con sống/nái, chất lượng thịt lợn gắn với ATTP, công nghệ chăn nuôi vẫn còn nhiều những chỉ số khiếm khuyết, điều này khiến giá thành sản xuất vẫn còn rất cao và kém cạnh tranh so với mặt bằng chung của thế giới. Khâu yếu nữa của chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi lợn hiện nay vẫn là giết mổ, bảo quản sản phẩm…
2. Xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật
Ngày 9/9/2017, tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Bộ NN&PTNT đã công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà (khoảng 300 – 400 tấn) đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Đây được coi là bước đi lịch sử của ngành chăn nuôi bởi thị trường Nhật vốn nổi tiếng rất khó tính.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ý nghĩa của sự kiện không phải ở giá trị một container mà là mở ra một triển vọng. Thị trường khó tính nhất còn vào được thì không sợ thị trường nào không vào được. “Những việc khó như thế này, nếu chúng ta đồng hành, chung tay kiến tạo ở giai đoạn hội nhập thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, Bộ trưởng chia sẻ.
Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam và chuỗi liên kết De Heus, gồm: Bel gà – đơn vị cung cấp giống; tập đoàn De Heus cung cấp thức ăn; Tập đoàn Hùng Nhơn, đại diện các trang trại gà đạt chuẩn; Koyu & Unitek – đơn vị thu mua, giết mổ và xuất khẩu. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường quốc tế.
3. Dự thảo Luật Chăn nuôi
Chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, là ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp; song, cũng phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vì vậy, việc xây dựng vô cùng cấp thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay của ngành chăn nuôi. Dự thảo Luật Chăn nuôi (sửa đổi) gồm 8 chương, 87 điều đang được Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2018, dự thảo Luật Chăn nuôi được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ 6 tháng 11/2018. Luật đi vào thực tế sẽ tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng cho ngành chăn nuôi phát biển bền vững.
4. Chi 5,5 tỷ USD nhập nguyên liệu TĂCN năm 2017
Mặc dù năm 2017, ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi lợn được đánh giá là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nhập khẩu số lượng lớn thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu báo cáo của các đơn vị kiểm tra thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, ước tính năm 2017, tổng khối lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khoảng 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỷ USD giảm 7,7% so với năm 2016 (19,5 triệu tấn, tương đương với 5,8 tỷ USD). Trong đó, thức ăn giàu đạm khoảng 7,2 triệu tấn; thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng khoảng 10, 4 triệu tấn; thức ăn bổ sung khoảng 500.000 tấn.
5. Gần nửa tỷ USD nhập khẩu thịt trâu, bò
Theo Cục Chăn nuôi, trong năm 2017, Việt Nam nhập tới 262.321 con trâu bò sống và gần 42.000 tấn thịt các loại (chủ yếu là thịt trâu bò có xương). Tổng số tiền chi để nhập khẩu thịt trâu bò trên 410 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng). Cũng trong năm 2017, ước tính Việt Nam đã nhập khẩu trên 6.500 tấn thịt lợn, giá trị 11,07 triệu USD. Ngoài ra, hơn 81.000 tấn thịt gia cầm, giá trị trên 75,7 triệu USD cũng được nhập về trong năm. Theo Cục Chăn nuôi ghi nhận trên thị trường, các mặt hàng thịt nhập ngoại được bày bán tràn nhiều với giá khá rẻ. Ví dụ, thịt bò Mỹ, Australia giá bán chỉ dao động từ 100.000-500.000 đồng/kg tùy loại. Thịt trâu Ấn Độ giá từ 90.000-150.000 đồng/kg tùy loại. Thịt gà nhập khẩu giá dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg tùy loại.
6. Gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc tại lò mổ lớn nhất TP. Hồ Chí Minh
Ngày 28/9/2017, lực lượng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống môi trường (C49, Bộ Công an) bắt quả tang vụ tiêm thuốc an thần vào 3.750 con heo trước khi giết mổ ngay trong lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, toàn bộ số heo đã được tiêu hủy. Song, hệ lụy của nó mới là phải bàn. Tâm lý chung của người tiêu dùng là e dè, không dám ăn thịt heo vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau một vụ việc chấn động như thế. Bởi, vì tồn dư của thuốc trong thịt heo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của nhiều thế hệ và thể chất của giống nòi. Người ăn vào sẽ ăn lừ đừ, trầm cảm, tụt huyết áp… và đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh tim, gan. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng những người làm ăn đàng hoàng và những nông dân chăn nuôi heo chân chính. Giá heo rớt giá liên tục khiến cho nhiều người chăn nuôi khóc ròng. Bởi, họ vừa vượt qua đợt bão giá lợn nhất trong 10 năm trở lại đây, thì nay thêm một lần khó khăn nữa. Đã tới lúc, các cơ quan quản lý không chỉ phạt nặng những hành vi như như tại lò mổ Xuyên Á, mà cần có cơ chế giám sát, quản lý đội ngũ thương lái để ngành chăn nuôi bền vững hơn.
KIM THƯ
Nguồn: Nhachannuoi.vn