[Hội Chăn nuôi Việt Nam] – Theo Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thức ăn cho lợn đạt 5,1 triệu tấn, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2020; thức ăn cho gia cầm đạt 4,6 triệu tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ 2020. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Toàn cảnh Hội nghị
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 do Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 05/07/2021.
Theo đó, trong tháng 6/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm so với tháng 5/2021, cụ thể: ngô giảm 5,2%, khô dầu đậu tương giảm 2,5%, cám mì giảm 2,6%, DDGS giảm 1,0%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5/2021. Những ngày đầu tháng 7/2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục giữ xu hướng giảm, cụ thể: ngô giảm 2,0%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, DDGS giảm 1,9%. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6/2021 (mức tăng từ 1,7 đến 2,0%) do hiện tại các doanh nghiệp lấy lý do sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.
Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: ngô hạt 7.616,7 đ/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091,0 đ/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đ/kg (tăng 46,0%), cám mì 6.716,7 đ/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đ/kg (tăng 19,2%), cám gạo chiết ly 4.936,1 đ/kg (tăng 16,1%), Methionine 64.950,6 đ/kg (tăng 19,2%), Lysine 35.053,3 (tăng 16,3%).
Cục Chăn nuôi cũng lí giải một số nguyên nhân dẫn đến tăng giá thức ăn chăn nuôi như: (1) Giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước…; (2) Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường); (3) Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây tại một số tỉnh của Braxin làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này.
6 tháng đầu năm 2021, giá ngô hạt 7.616,7 đ/kg (tăng 35,1%) so với 6 tháng đầu năm 2020.
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ 2020, cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng 10.785,8 đ/kg (tăng 14,6%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 10.885,4 đ/kg (tăng 14,4%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 11.206,9 đ/kg (tăng 12,1%).
Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 10,8 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 3,84 tỷ USD (tăng 32,7% về số lượng và 50,3 % về giá trị so với cùng kỳ 2020). Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 6,8 triệu tấn, tương ứng 1,68 tỷ USD (tăng 75,6% về số lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ 2020); thức ăn giàu đạm đạt 3,73 triệu tấn, tương ứng với 1,65 tỷ USD (giảm 6,3% về số lượng và tăng 23,7% về giá trị); thức ăn bổ sung đạt 0,31 triệu tấn, tương ứng 0,49 tỷ USD (giảm 1,5% về số lượng và tăng 17,8% về giá trị).
HÀ NGÂN