Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ nhiệm dự án cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt thí điểm đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY và Quyết định số 441/QĐ-BNN-TY ngày 03/2/2015.
Ban Chủ tọa tại hội nghị
Trong 2 năm dự án đã xây dựng được 14 điểm trình diễn tại 7 tỉnh trong đó có 4 điểm trình diễn chăn nuôi lợn và 10 điểm trình diễn chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh. Bước đầu, dự án đã đạt được kết quả đáng mừng như kiện toàn, thành lập mới 14 tổ hợp tác chăn nuôi.
Công nhận 94 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận, trong đó 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 74 cơ sở chăn nuôi gà. Các cơ sở này trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn về kỹ thuật chăn nuôi cũng như vệ sinh thú y.
“Để triển khai mô hình đảm bảo các yêu cầu đề ra và phù hợp với thực tiễn, đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét chỉ tiêu về tỷ lệ bảo hộ đối với từng bệnh, đối với từng loại vật nuôi vì thực tế triển khai cho thấy nhiều bệnh mặc dù tiêm phòng 100% nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ bảo hộ ≥ 70, tuy nhiên khi thực hiện xác định kháng thể tự nhiên thì mẫu kiểm tra âm tính…”, ông Hưởng đề nghị.
Ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình hiện có 764 trang trại chăn nuôi, trong đó có 79 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (20 trang trại là doanh nghiệp), trên 9.200 gia trại và gần 80.000 nông hộ chăn nuôi, phân bố khắp các xã trong tỉnh. Tính riêng cho chăn nuôi lợn, có 568 trang trại chăn nuôi, trong đó có 33 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Theo ông Nhương, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, so với ở ngoài mô hình ở cùng quy mô tăng 15% từ việc tăng tỷ lệ số con nuôi sống, tăng tỷ lệ số con xuất chuồng và tăng trọng lượng khi xuất chuồng do làm tốt công tác phòng bệnh, thể hiện là việc tăng chi phí vắc xin tiêm phòng nhưng giá trị kinh tế của các hộ trong mô hình vẫn cao hơn từ 15,6 - 15,82% so với hộ cùng quy mô ngoài mô hình.
“Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt là hỗ trợ đối với cơ sở là cấp xã để có nhiều hơn cơ hội tham gia xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của địa phương nói riêng và cả nước nói chung”, ông Nhương kiến nghị.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị
Tại Nam Định, năm 2017, tổng đàn lợn của tỉnh là 756.436 con; đàn trâu, bò là 38.509 con; gia cầm là 7,6 triệu con. Số trang trại chăn nuôi là 332, trong đó 9 trang trại đã được chứng nhận VietGAHP, 15 trang trại nuôi lợn đã được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, dự án đã hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, giúp tăng hiệu quả đầu tư trong chăn nuôi, là xu hướng chăn nuôi lợn bền vững. Quá trình triển khai dự án đã có hàng chục lượt hộ chăn nuôi ngoài mô hình đến tham quan mô hình dự án để học hỏi, áp dụng vào thực tế sản xuất. Đây là cơ sở dự án tiếp tục được nhân rộng…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Quốc Văn, đại diện cho các hộ chăn nuôi ở xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: “Tham gia dự án, chúng tôi đã đã học hỏi được nhiều quy trình chăn nuôi an toàn và quy trình phòng chống dịch bệnh để áp dụng vào trang trại của mình để tăng hiệu quả chăn nuôi”.
Tại hội nghị, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, dự án được triển khai tại 7 tỉnh, trong đó tập trung vào 2 đối tượng chăn nuôi chính là gà và lợn. Đối với con gà, được triển khai tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ, còn con lợn triển khai tại tỉnh Thái Bình và Nam Định.
Dự án hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi về vắc xin, thuốc sát trùng và một số vật tư khác trong chăn nuôi, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, hỗ trợ bà con nông dân về mặt kỹ thuật, lấy mẫu…hướng tới xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh.
Một trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu tại xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình
Trong thời gian vừa qua, các hộ tham gia mô hình hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Bà con nông dân áp dụng tốt các biện pháp sinh học, thực hiện đầy đủ việc ghi chép chăn nuôi, truy suất nguồn gốc vì thế việc liên kết HTX trong chăn nuôi rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Mai Chiến
Nguồn: nongnghiep.vn