Chăn nuôi Đồng Nai năm 2018: Còn nhiều khó khăn

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Chăn nuôi Đồng Nai năm 2018: Còn nhiều khó khăn
Ngày đăng bài - 3/26/2018 12:00:00 AM
Chăn nuôi Đồng Nai năm 2018: Còn nhiều khó khăn

Đó là nhận định của ông Nguyễn Kim Đoán (ảnh) – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về tình hình chăn nuôi của tỉnh năm 2017 và những dự đoán năm 2018.

 

Ông có thể đưa ra nhận xét tổng quan đối với ngành chăn nuôi của Đồng Nai trong năm vừa qua, đặc biệt là chăn nuôi heo?

 

Ngành chăn nuôi Đồng Nai, đặc biệt là heo trong 3 năm về trước phát triển rất tốt, đem lại lợi nhuận, nhưng từ tháng 11/2016 tới tháng 1/2018, tức là trên 1 năm giá bán xuống rất thấp so với giá thành sản xuất. Thậm chí, có lúc giá heo xuống chỉ còn ½ giá thành sản xuất. Điều này, khiến ngành chăn nuôi heo lao đao và có nhiều hộ nông dân phá sản, vì hy vọng vào giá heo lên, nhưng lại không lên được. Các hộ cạn kiệt vốn và phải chịu bỏ nghề, tìm việc khác để làm.

 

Theo ông, năm 2018 ngành chăn nuôi heo của Đồng Nai sẽ diễn biến như thế nào về số lượng và giá cả thế nào?

 

Trong năm 2018, doanh nghiệp FDI  tham gia vào chăn nuôi rất mạnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt và có lẽ bị thua ngay trên sân nhà. Năm 2016, Đồng Nai có khoảng 1,7 triệu con heo, đến tháng 10/2017, tổng đàn tăng lên khoảng gần 2 triệu con. Mọi người đều cho rằng tổng đàn cả nước sẽ xuống nhưng với Đồng Nai, tổng đàn lại tăng lên khoảng hơn 200.000 con.

 

Năm 2018, giá heo sẽ nhích lên một chút so với hiện nay, nhưng người chăn nuôi heo cũng không có lời lắm. Lí do, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như như bắp, đậu nành, cám gạo đều đã tăng giá, một số loại vitamin thậm chí còn tăng từ 2 đến 10 lần. Nếu với giá heo như thế này, năm 2018 chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

 

Để không lặp lại kịch bản xấu cho ngành heo trong năm vừa qua, theo ông, người chăn nuôi, nhà khoa học, nhà quản lý, hiệp hội cần làm gì?

 

Hiện nay, các cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi đi theo chuỗi. Các doanh nghiệp xây chuỗi rất tốt, nhưng nông dân vẫn đang ì ạch, chưa được thành công lắm, nên tất cả đều thông qua thương lái. Thương lái ép mua heo của nông dân giá thấp và bán cho người tiêu dùng giá cao. Chỉ tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối, mới có thể hài hòa được lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Điểm bán thịt heo sạch của Hiệp Hội Chăn nuôi Đồng Nai

 

Trong các hội viên của Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai là một trong những tỉnh có tiếng nói mạnh mẽ nhất, đấu tranh cho quyền lợi của người chăn nuôi heo. Ông có thể đưa ra một số việc làm cụ thể không của Hiệp hội trong năm vừa qua? 

 

Năm 2017, Hiệp hội là đơn vị đầu tiên khởi xướng chương trình giải cứu đàn heo của địa phương, bằng cách thu mua heo của những trang trại heo Vietgaph giá cao và bán với giá tương đối thấp cho người tiêu dùng so với thị trường. Cao điểm, Hiệp hội có 12 cửa hàng bình ổn giá. Từ đó, đem lại hai lợi ích. Thứ nhất, giải phóng bớt nguồn heo đang thặng dư tại các trang trại. Thứ hai, kéo giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng giảm xuống. Ví dụ, thị trường heo đang thu mua cho nông dân là dưới 30.000 đồng/kg trong khi đó người tiêu dùng phải mua giá trên 100.000 đồng/kg. Chương trình giải cứu thịt heo của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai ra đời, đã làm cho giá thịt bán trên thị trường còn 65.000-70.000 đồng/kg thịt. Giá thịt lợn ở siêu thị cũng giảm xuống.

 

Đó là hoạt động nổi bật nhất của hiệp hội trong năm 2017, có tiếng nói đối với toàn xã hội, giúp bình ổn giá và chứng minh cho xã hội rằng với mức giá bán heo rẻ như vậy, thì giá thịt lợn cũng chỉ dừng ở mức độ đó. Những cửa hàng bình ổn giá của Hiệp hội đương nhiên có phần lợi nhuận, bù đắp cho giết mổ, công bán cho những người tham gia. 

 

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có cửa hàng bình ổn giá nông sản sạch đầu tiên trên địa bàn tỉnh này. Để bảo đảm yêu cầu an toàn, các mặt hàng nông sản được bày bán tại đây phải đạt tiêu chuẩn VietGAP và đáp ứng các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiệp hội kỳ vọng, đây là sẽ đầu mối giúp người sản xuất và tiêu dùng gặp nhau ở một điểm, cùng có lợi về giá cả, chất lượng.

 

Phương hướng hoạt động của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai trong năm 2018 là gì?

 

Năm 2018, với khoảng 500 thành viên là các nhà chăn nuôi, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai sẽ xây dựng từ 50-80 trang VietGAP và đề nghị những cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp hỗ trợ. Việc xây dựng trang trại heo VietGAP giúp truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm thịt lợn, đáp ứng yêu cầu thị trường TP Hồ Chí Minh (yêu cầu truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng). Ngoài ra, từ những trang trại VietGAP, Hiệp hội sẽ thành lập thêm những cửa hàng bình ổn giá, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. 

 

Xin trân trọng cám ơn ông!

 

PHƯƠNG HÀ (Thực hiện) - Nguồn: Nhachannuoi.vn

 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • Huali
Video
Thống kê truy cập