Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầu

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầu
Ngày đăng bài - 7/9/2018 12:00:00 AM
Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầu

Cuộc chiến thương mại Mỹ đang phát động có thể sắp xếp lại thị trường hóa nông nghiệp toàn cầu trong những năm tới, hay nói cách khác dòng chảy của nhiều mặt hàng nông sản sẽ có sự thay đổi lớn.

 

Mỹ đang gây hấn thương mại với nhiều đối tác quan trọng từ Trung Quốc đến Mexico và cuộc chiến này sẽ tiếp tục leo thang khi Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm bắt đầu từ sau nửa đêm tối 5-7 theo giờ Washinhgton, tức lúc 11 giờ ngày 6-7 theo giờ Hà Nội. Trung Quốc đã đe dọa sẽ đáp trả với mức độ tương đương nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Mỹ như đậu nành, lúa mì, bông vải…

 

Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầuĐậu nành được đưa lên xe tải ở làng Dwight, hạt Livingston, bang Illinois (Mỹ). Ảnh: Getty

 

Mỹ là một mắt xích quan trọng trong hệ thống thương mại nông nghiệp toàn cầu. Khoảng 2/3 nông sản Mỹ được bán sang các nước mà nước này đang tranh chấp hoặc đang đàm phán thương mại, theo ngân hàng CoBank (Mỹ), chuyên cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Mexico và Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế trả đũa với hàng loạt nông sản Mỹ sau khi bị nước này áp thuế thép và thuế nhôm. Trong khi đó, các kế hoạch xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc cũng đã bị gác lại để tránh bị mức thuế 25% mà Trung Quốc sẽ đáp trả ngay sau khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc.

 

Các thị trường nông sản Mỹ đứng trước nguy cơ bị tổn hại nặng nề trong một cuộc chiến thương mại có thể làm thay đổi các dòng chảy hàng hóa nông nghiệp từ thịt heo cho đến cotton, ngũ cốc trên toàn cầu

 

“Chúng ta đã tuyên chiến với các đối tác thương mại khi họ có nhiều phương án khác để thay thế nông sản Mỹ. Đó không phải là điềm báo tốt lành đối với chúng ta”, Tanner Ehmke, nhà kinh tế ngân hàng CoBank, nói.

 

Dòng chảy thương mại của một số mặt hàng nông nghiệp dưới đây có thể bị thay đổi khi cuộc chiến thương mại xảy ra.

 

Đậu nành

 

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu đậu nành từ Mỹ với giá trị lên đến 14 tỉ đô la. Nếu bị Trung Quốc áp thuế trả đũa 25%, giá trị xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm 4,5 tỉ đô la, theo một nghiên cứu của Đại học bang Tennessee (Mỹ).

 

Đậu nành, thường được sử dụng để sản xuất dầu ăn và thức ăn chăn nuôi, là một mặt hàng rất quan trọng tại Trung Quốc. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu đến 95 triệu tấn đậu nành, chủ yếu từ Mỹ và Brazil. Do vậy, Brazil có thể là nước được hưởng lợi lớn nhất nhờ có cơ hội lấp khoảng trống nguồn cung đậu nành Mỹ. Brazil có thể xuất khẩu đậu nành tối đa sang Trung Quốc để gia tăng lợi nhuận, rồi sau đó nhập khẩu các sản phẩm bột đậu nành giá rẻ từ Argentina để đáp ứng nhu cầu trong nước.

 

Giá hợp đồng đậu nành tương lai của Brazil đang cao hơn giá hợp đồng đậu nành tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ). Tuy nhiên, nhu cầu đậu nành hàng năm của Trung Quốc quá lớn và có khả năng Brazil sẽ không kham nổi, vậy nên, các nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn phải mua khoảng 15 triệu tấn đậu nành của Mỹ mỗi năm.

 

Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo Trung Quốc có thể thay thế 4 triệu tấn đậu nành Mỹ bằng nguồn cung từ Brazil trong quý 4 năm nay. Song nguồn cung đậu nành đắt đỏ của Brazil có thể cho phép Mỹ giành thị phần xuất khẩu đậu nành sang châu Âu. Racobank dự báo Mỹ có thể thay thế Brazil để trở thành nhà xuất khẩu đậu nành lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU) trong vụ mùa tới.

 

Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầuHeo tại một trang trại ở ngoại ô TP. Walcott, bang Iowa (Mỹ): Reuters

 

Thịt heo

 

Thịt heo Mỹ đang đối mặt với rủi ro lớn nhất từ các xáo trộn thương mại vì sản lượng thịt heo của Mỹ đang tăng mạnh nhưng Mexico và Trung Quốc đã áp thuế thịt heo Mỹ để trả đũa thuế thép và thuế nhôm của Mỹ nhằm vào hai nước này.

 

Hồi tháng 4, Trung Quốc áp thuế 25% nhằm vào 128 mặt hàng của Mỹ bao gồm thịt heo đông lạnh và một số loại trái cây. Hai tháng sau đó, Mexico cũng áp thuế trả đũa Mỹ nhằm vào nhiều mặt hàng bao gồm thịt heo với mức thuế 20%.

 

Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào bột đậu nành để làm thức ăn chăn nuôi. Giá đậu nành tăng cao có thể gây tốn kém hơn cho ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến giá thịt heo ở Trung Quốc tăng đáng kể và khiến nước này chuyển sang tìm kiếm nguồn cung thịt heo từ EU, Canada và Brazil.

 

Thức ăn chăn nuôi

 

Lúa miến (cao lương) là thành phần chính để chế biến thức ăn gia cầm tại Trung Quốc. Hồi tháng 4, Trung Quốc áp thuế phạt tạm thời lên đến 178% đối với lúa miến Mỹ trong lúc điều tra chống bán phá giá mặt hàng này. Hàng chục chuyến tàu chở lúa miến của công ty này đang trên đường sang Trung Quốc đã phải chuyển hướng và bán rẻ cho các khách hàng khác bao gồm Saudi Arabia, Nhật Bản và Tây Ban Nha sau khi nhận được thông báo này của Trung Quốc. Công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp Archer-Daniels-Midland (Mỹ) ước tính mất 30 triệu đô la Mỹ lợi nhuận trong quý 2 do các tranh chấp thương mại về lúa miến.

 

Một tháng sau đó, Trung Quốc dừng cuộc điều tra, có thể do lo ngại chi phí thức ăn chăn nuôi tăng ở trong nước sẽ tăng và gây thiệt hại cho nông dân.

 

Trung Quốc chiếm 80% giá trị xuất khẩu lúa miến Mỹ vào năm ngoái, tương đương gần một tỉ đô la Mỹ. Chiến tranh thương mại có thể khiến Trung Quốc phải xuất ngô khỏi các kho dự trữ cũng như tăng cường nhập khẩu các ngũ cốc khác để bao gồm lúa mạch để chế biến thức ăn cho heo, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

 

“Chúng ta nên lường trước nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc tăng mạnh không chỉ vì Mỹ giảm xuất khẩu lúa miến sang nước này mà còn do giá bột đậu nành ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ. Năm nay, dòng chảy thương mại ngô từ Ukraine sang Trung Quốc sẽ tăng cao”, nhà kinh tế Allen của ngân hàng JPMorgan nói.

 

Trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn tìm kiếm nguồn cung thay thế các nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi từ Mỹ, hôm 26-6, nước này thông báo sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gồm đậu nành, bột đậu nành, bánh đậu nành, hạt cải dầu, bột cá từ năm nước châu Á gồm Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Hàn Quốc và Sri Lanka kể từ ngày 1-7.

 

Chiến tranh thương mại gây xáo trộn dòng chảy nông sản toàn cầuCotton được chuyển lên xe tải tại một cơ sở chế biến cotton ở thị trấn Kadi, bang Gujarat (Ấn Độ). Trung Quốc có thể tìm kiếm nguồn cung cotton từ Ấn Độ để thay thế cho cotton của Mỹ. Ảnh: Reuters

 

Bông vải

 

Trung Quốc đang đe dọa áp thuế 25% đối với cotton của Mỹ nếu 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế vào hôm nay (6-7).

 

Đánh mất thị trường xuất khẩu Trung Quốc sẽ là một thiệt hại nặng đối với nông dân trồng cotton của Mỹ. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu bông vải của Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 900 triệu đô la Mỹ. Ấn Độ là nước có thể thay thế Mỹ để lấp khoảng trống nguồn cung bông vải cho Trung Quốc, đặc biệt là khi đồng rupee đang yếu, khiến giá bông vải của nước này trở nên rẻ hơn.

 

Úc và Brazil cũng có thể giúp bổ sung nguồn cung bông vải chất lượng cao cho Trung Quốc. Song Trung Quốc không thể từ bỏ hoàn toàn bông vải của Mỹ vì các nguồn cung thay thế trên chỉ có mức sản lượng hạn chế, ngân hàng Rabobank cho biết.

 

Sữa

 

Chiến tranh thương mại cũng có thể giáng một đòn nặng nề cho ngành sữa của Mỹ. Giá hợp đồng sữa tương lai ở Mỹ đã giảm 12% kể từ khi Mexico tuyên bố áp thuế trả đũa nhằm vào các sản phẩm sữa của Mỹ. Hôm 5-7, Mexico tuyên bố nâng thuế nhập khẩu đối với pho mát Mỹ lên mức 25%.

 

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết ngày 6-7, nước này sẽ bắt đầu áp thuế trả đũa 25% lên các sản phẩm pho mát và đạm whey, một phế phẩm của sữa bò thường được làm thức ăn cho gia súc của Mỹ.

 

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sữa của Mỹ sang Mexico đạt 1,3 tỉ đô la và con số này ở thị trường Trung Quốc là 577 triệu đô la.

 

Trung Quốc có thể tìm nguồn cung các sản phẩm sữa từ các nước nước khác để thay thế nguồn cung của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đóng góp 55% tổng sản lượng đạm whey mà Trung Quốc nhập khẩu hàng năm. Do vậy, ngân hàng Rabobank cho biết không một nước nào có đủ nguồn cung đạm whey để thay thế Mỹ ở thị trường Trung Quốc. Đánh thuế 25% lên mặt hàng này sẽ gây gánh nặng tài chính cho các nhà sản xuất sữa của Mỹ cũng như ngành thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc.

 

Chánh Tài (Theo Bloomberg, Reuters)
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập