Tóm tắt
Gà Kiến hạt nhân thế hệ chọn lọc thứ 3 tại Bình Định có màu lông đa dạng; có tỷ lệ nuôi sống ở giai đoạn 0-6 tuần tuổi là 95,00% và giai đoạn 7-20 tuần tuổi là 96,67% (trống) và 97,25% (mái). Khối lượng lúc 1 ngày tuổi đạt 29,80g; 20 tuần tuổi, con trống đạt 1.602,99 g/con, con mái đạt 1.363,96 g/ con. Gà Kiến đẻ quả trứng đầu tiên ở 140 ngày tuổi. Tuổi đẻ 5% ở 144 ngày tuổi với khối lượng cơ thể đạt 1.364,83 g/con. Tính đến 38 tuần tuổi, năng suất trứng/mái đạt 31,94 quả với TTTA/10 trứng là 4,02kg. Khối lượng trứng lúc 38 tuần tuổi đạt 44,01g. Tỷ lệ trứng có phôi trung bình đạt 86,47% và tỷ lệ gà con nở/trứng có phôi 83,95%.
Ảnh minh họa
Đặt vấn đề
Việt Nam là một nước đa dạng phong phú về nguồn gen vật nuôi. Đặc biệt, Việt Nam là cái nôi của nhiều giống gà bản địa mang nguồn gen quí hiếm. Các giống gà bản địa thường có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên; chống chịu bệnh tật tốt; phẩm chất thịt trứng thơm ngon. Tuy nhiên, hiện nay các giống gà này đang bị giảm dần về số lượng do khả năng sản xuất không cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Gà Kiến là giống bản địa có từ lâu đời, nuôi phổ biến tại các nông hộ ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Gà Kiến có tầm vóc nhỏ, khả năng thích nghi cao với thời tiết khí hậu Miền Trung, phẩm chất thịt, trứng thơm ngon. Song, gà Kiến sinh trưởng chậm, năng suất thấp nên thời gian gần đây không được quan tâm nhiều. Mặt khác, một số giống gà lông màu chăn thả như Kabir, Lương Phượng, Sasso,… du nhập vào làm cho gà Kiến có nguy cơ bị lai tạp và giảm cơ cấu.
Khảo sát nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gà Kiến, trong cùng một thời điểm thì giá gà Kiến vẫn cao hơn giá gà lai nhưng do khả năng sinh trưởng chậm, đẻ kém nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Năm 2013 -2015, gà Kiến được đưa vào nuôi bảo tồn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền Trung với số lượng 300 con 01 ngày tuổi. Kết quả nuôi bảo tồn năm 2014 cho thấy gà phát triển tốt, đa dạng về màu lông, chân vàng, da vàng, phẩm chất thịt thơm ngon. Trong điều kiện nuôi bảo tồn đến 22 tuần tuổi, gà mái đạt 1.350-1.400 g/con; gà trống đạt 1.550-1.600 g/con; gà bắt đầu vào đẻ 148 ngày tuổi, năng suất 13 quả/lứa, tỷ lệ nở /trứng ấp (ấp bằng máy) là 68%.
Nhờ có chương trình Bảo tồn nguồn gen, gà Kiến được phục tráng. Qua đánh giá sơ bộ nguồn gen này cho thấy chúng có tiềm năng chuyển sang khai thác và phát triển để cung cấp con giống cho nhu cầu phát triển chăn nuôi. Mặt khác, hiện nay đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng. Vì vậy, cần phải gắn công tác bảo tồn với việc khai thác và phát triển nguồn gen gà Kiến một cách hiệu quả để khai thác và lai tạo ra các giống thương phẩm trong tương lai nhằm tạo thêm sản phẩm cho tiêu dùng của xã hội và giữ được sự đa dạng nguồn gen vật nuôi Việt Nam nói riêng và sự đa dạng sinh học cũng như phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững nói chung ở nước ta.
Thí nghiệm sử dụng ở đàn hạt nhân gà Kiến TH3 với số lượng 1.500 con 01 ngày tuổi/ TH (tỷ lệ ~ 50% trống, ~ 50% mái), sang giai đoạn 6 tuần tuổi chọn 150 gà trống và 400 gà mái lên hậu bị với tỷ lệ chọn lọc 20% trống và 53,33% mái; đến giai đoạn 20 tuần tuổi chọn 30 con trống và 200 con mái lên sinh sản với tỷ lệ chọn lọc 20% trống và 50% mái, tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm Chăn nuôi An Nhơn, từ năm 2019 đến năm 2020.
Kết luận
Gà Kiến con trống có màu lông cơ bản là màu tía đỏ và đặc biệt lông cườm quanh cổ có màu đỏ ánh tía, ở con mái có 2 màu lông cơ bản là màu vàng và vàng nâu đốm đen. Chân vàng, da vàng, mào đơn răng cưa, tích tai đỏ. Tỷ lệ nuôi sống đàn hạt nhân gà Kiến TH3 giai đoạn 0-6 tuần tuổi là 95,00%; 7-20 tuần tuổi là 96,67% (trống) và 96,75% (mái). Khối lượng đàn hạt nhân gà Kiến lúc 1 ngày tuổi là 29,80g; tại thời điểm 20 tuần tuổi, gà Kiến trống đạt 1.602,99 g/con, gà Kiến mái đạt 1.363,96 g/con. Tuổi đẻ 5% ở 144 ngày tuổi. Đến 38 tuần tuổi, năng suất trứng/mái là 31,94 quả với TTTA/10 trứng là 4,02kg. Tỷ lệ trứng có phôi là 86,47% và tỷ lệ gà con nở/trứng có phôi là 83,95%.
Trần Thúy An1, Dương Trí Tuấn1* và Nguyễn Thị Mười2
1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Trung
2 Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn Vật nuôi
* Tác giả liên hệ: ThS. Dương Trí Tuấn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Trung – Viện Chăn nuôi; Điện thoại: (056)3821044; Fax: (056)3818522; Email: livcenter@gmail.com
Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 9.2020 (Hội Chăn nuôi Việt Nam)