Hà Nội: Phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Hà Nội: Phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững
Ngày đăng bài - 9/22/2017 12:00:00 AM
Hà Nội: Phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững

Ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo ATTP.

 

Đó là một trong những nội dung được đề cập trong hội thảo “Giải pháp để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, hiệu quả” do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 21/09/2017.

 

Nhiều kết quả nhưng cũng lắm thách thức và rủi ro

 

Ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội cho biết, tính đến đầu năm 2017, thủ đô có 1,8 triệu con lợn, tăng 16,9%; đàn bò có 135 nghìn con; đàn gia cầm có 28,8 vạn con… thuộc top đầu cả nước. Do chăn nuôi phát triển đã nâng tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi lên 45,7% trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết việc làm cho nông dân.

 

Bên cạnh đó đã hình thành khu vực chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư với 13 xã chăn nuôi lợn, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 19 xã chăn nuôi bò sữa, 29 xã chăn nuôi gia cầm… Chăn nuôi quy mô trang trại cũng ngày càng phát triển với 3,8 nghìn trang trại.

 


Ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội

 

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng từ đầu năm đến nay, chăn nuôi đứng trước những thách thức và rủi ro lớn. Sản phẩm sữa tươi rớt giá từ 14.000 đồng/lít xuống còn 7-8.000 đồng/lít, nhiều lúc sữa không bán được phải cho lợn ăn. Giá thịt lợn hơi từ mức 45.000-50.000 đồng/kg thịt lợn hơi, giảm xuống còn 18-20.000 đồng/kg mà vãn không tiêu thụ được, nhiều nông hộ phải giết lợn nái, bán đổ bán tháo lợn thịt, ngừng chăn nuôi, dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Thảm cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” diễn ra với sản xuất lúa, dưa hấu… nay lại diễn ra với chăn nuôi.

 

Để phát triển bền vững: Cần ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi

 

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Cần tập trung tuyên truyền định hướng phát triển chăn nuôi của Hà Nội đó là tập trung phát triển sản xuất giống vật nuôi năng suất chất lượng cao. Chăn nuôi lợn với 25 con/nái/năm trở lên. Lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ với hộ chăn nuôi, HTX.

 

Cần thiết phải xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi: Doanh nghiệp chăn nuôi lợn nên theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến và lưu thông sản phẩm. Các trang trại và hộ chăn nuôi nên liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến tiêu thụ để giảm giá thành sản phẩm. Chăn nuôi theo quy hoạch, xã trọng điểm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Phải nâng cao chất lượng giống vật nuôi. Nhập giống ngoại chất lượng cao và phát triển giống bản địa. Đa dạng các hình thức chăn nuôi: Chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi sinh học, hữu cơ. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chăn nuôi. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Thực hiện tái cơ cấu trong chăn nuôi, chăn nuôi lợn giảm, phát triển chăn nuôi thỏ, chăn nuôi thông hợp, nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây ăn quả. Đảm bảo an toàn dịch bệnh…

 


Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

 

Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều người tiêu dùng đã có thói quen mua thịt mát, thịt cấp đông về ăn dần nhưng chỉ thiếu DN đầu mối. Toàn TP đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm và 5 chuỗi được cấp nhãn hiệu tập thể. Trong đó có những chuỗi đã được thử thách qua nhiều lần thị trường bấp bênh, sản phẩm vẫn giữ được giá bán ổn định. Theo ông Tường, hiện nay phương thức tổ chức sản xuất truyền thống cần phải thay đổi theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao.

 


Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội

 

Về định hướng thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch, đi sâu vào chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và liên kết chuỗi. Trong đó tập trung phát triển chăn nuôi con giống chất lượng cao, lai tạo giống bản địa, ứng dụng công nghệ cao kể cả quy mô vừa và nhỏ.

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận định: Đối với Hà Nội, ngành chăn nuôi cần hướng tới hiệu quả, phát triển theo công nghệ cao gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, bởi không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo ATTP. Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi trên cơ sở bám sát quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường. Đồng thời có chính sách thu hút DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết, nhất là chính sách ưu đãi về vốn, đất đai. Cùng với đó, tăng cường liên kết với các tỉnh, TP và các tổ chức quốc tế để trao đổi, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.

 


Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi

 

PGS TS Nguyễn Văn Đức, trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lên 15-20%, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với các sản phẩm nhập khẩu. Việc tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng, thông qua liên kết từ hộ sản xuất con giống tới họ nuôi đàn thương phẩm, sẽ giúp chủ động về số lượng cũng như chất lượng con giống; từ hộ chăn nuôi với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi 7-9%, do không phải thông qua đại lý mà các cấp; từ hộ chăn nuôi thương phẩm tới người tiêu dùng mà không phải qua khâu thương lái ép giá sẽ giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi 8-15%. Thực tế hiện nay, giá thành sản xuất 1kg chăn nuôi của nước ta cao hơn nhiều so với một số nước trên thế giới là do ta chưa sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và giá thức ăn cũng cao hơn so với thế giới từ 15-20%.

 

Trần Ngân

Nguồn: nhachannuoi.vn

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập