Theo bản báo cáo của BMI Reasearch cho hay thị trường sữa của Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ xét về cả mặt sản xuất, chế biến.
Xét về mặt sản xuất sữa, nhiều công ty sữa lớn tại Việt Nam trong đó có Vinamilk, TH true Milk và Hanoi Milk đã và đang tăng cường đầu tư xây dựng các trang trại nuôi bò sữa mới để tăng sản lượng. Như vậy, sản lượng sữa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2017 và 2018.
Ngành công nghiệp chế biến sữa cũng phát triển do các công ty đang thúc đẩy xúc tiến thương hiệu và sản phẩm. Điển hình hồi quý 4 năm 2016 công ty Vinamilk đã bắt tay hợp tác với hãng bán lẻ điện thoại FPT Shop để mở rộng chuỗi cửa hàng giới thiệu và chuyên doanh sản phẩm sữa Vinamilk.
Tuy nhiên, triển vọng đầy hứa hẹn của ngành sữa đã hấp dẫn nhiều đối thủ mới cả trong và ngoài nước, khiến cạnh tranh ở thị trường này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, chính phủ đang từng bước kiểm soát giá bán lẻ sữa dành cho trẻ sơ sinh trong vài năm tới.
Triển vọng sản xuất sữa đến năm 2021
BMI Research dự báo sản lượng sữa tại Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong vòng vài năm tới do nguồn vốn đầu tư đổ vào các nông trại sản xuất sữa ngày càng nhiều nhằm giảm sự lệ thuộc vào sữa nhập khẩu. Trong vài năm tới số lượng cá thể bò sữa sẽ tăng. Các nông trại nuôi bò hoạt động hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong ngành sản xuất sữa. Kết quả là, ngành sữa sẽ được hưởng lợi từ sản lượng sữa tăng 130% trong vòng 1 thập kỷ và các khoản đầu tư mới vào ngành sữa được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Việc các công ty sữa cạnh tranh khốc liệt cùng với các chính sách của chính phủ sẽ giúp giá sữa được kiểm soát chặt chẽ.
Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới. Nhu cầu tiêu thụ bơ và phô mai sẽ tăng với tốc độ nhanh chóng.
Những biện pháp kiểm soát giá sữa bột nguyên kem sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu đối với sản phẩm này. Sữa đặc và sữa chua cũng là những mặt hàng sữa được cho là sẽ có lượng tiêu thụ cao.
Việt Nam là quốc gia nhập siêu các sản phẩm sữa chủ yếu từ New Zealand do nguồn cung trong nước vẫn còn thiếu hụt. Theo thống kê từ Tổng Cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 507,5 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sữa từ New Zealand dẫn đầu với 129,46 triệu USD. Xếp thứ 2 là Singapore với 75,83 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu sữa từ Đan Mạch thấp nhất với chỉ khoảng 1,6 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, xuất khẩu sữa của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phát triển. Điển hình như Vinamilk với chiến lược chinh phục thị trường quốc tế, công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Đông Nam Á. Hồi tháng 5, công ty trở thành doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam ký bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm cho thị trường Trung Quốc.
Rủi ro
Về ngắn hạn, việc kiểm soát giá và điều kiện thời tiết bất lợi được coi là những rủi ro có thể xảy đến với hoạt động sản xuất sữa. Về dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tạo áp lực lên triển vọng tiêu thụ sữa vì những yếu tố này sẽ buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu. Đồng thời, hiện tại vẫn còn thiếu một số cơ quan quản lý, kiểm soát chất lượng các sản phẩm sữa. Thiếu sót này sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu thụ và sản xuất sữa vì nếu có bất cứ sự cố nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra, hình ảnh của các sản phẩm sữa Việt Nam sẽ bị “bôi nhọ”.
Nguồn: Đức Quỳnh/ndh.vn