Vừa qua, ngày 21/2/2022, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ nhiệm kỳ IV (giai đoạn 2022 – 2025). Đại hội đã bầu ông Nguyễn Trí Công là Chủ tịch; các ông: Nguyễn Kim Đoán, Lê Văn Quyết và Nguyễn Văn Ngọc là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Cùng với đó là 07 Ủy viên và 01 Thư ký nhiệm kỳ IV (giai đoạn 2022 – 2025).
Ban chấp hành Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tại Đại hội. (Ảnh: Lê Tân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai)
Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Hiệp hội đẩy mạnh vai trò của mình trong việc làm cầu nối giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ gồm siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể; chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc; hoặc hình thức liên kết chăn nuôi 4 nhà gồm: Cơ quan quản lý nhà nước – ngân hàng – doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi – giết mổ – buôn bán…
Nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo và thể hiện vai trò của mình trong việc giúp hội viên tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Cụ thể như sau:
Trong năm 2018
Trong năm 2018, Hiệp hội đã phối hợp Phòng Thương mại lãnh sự quán Pháp, tập đoàn COOPERL của Pháp đi khảo sát các trại giống ông bà trên địa bàn tỉnh, trao đổi học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng con giống, cải tạo đàn, nâng cao năng suất.
- Hiệp hội phối hợp cơ quan hợp tác quốc tế Nhận Bản tham dự hội thảo nông nghiệp với chủ đề “Hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm”
- Hiệp hội –HTX tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong việc giúp hội viên tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và con giống đạt năng suất vượt trội của nước ngoài, vào ngày 11, 12/6/2018, Hiệp hội – HTX phối hợp với Hiệp hội ngũ cốc Hoa Kỳ tổ chức tập huấn thiết lập công thức thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí chăn nuôi; phối hợp Hội doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh thăm và có buổi làm việc trực tiếp với các trại giống heo, gà áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Tiếp đoàn Hàn quốc vào ngày 10/8/2018 về tìm hiểu thị trường, sức tiêu thụ các sản phẩm Hàn Quốc tại Đồng Nai.
- Tiếp đoàn Nông nghiệp Cộng hòa Pháp vào ngày 10/8/2018 về tìm hiểu thị trường thức ăn gia súc.
- Tiếp Hợp tác xã Nông nghiệp Pháp vào ngày 27/8/2018, tham khảo mô hình hợp tác xã tại Pháp để từng bước áp dụng cho Hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Vào ngày 15/10/2018, tham gia hội thảo cùng Công ty giống Axion (Pháp) nhằm tham khảo các giống lợn đạt năng suất tối ưu phục vụ cho các trang trại là hội viên, thành viên Hiệp hội.
- Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả heo Châu Phi vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm của heo, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi; Hiệp hội chăn nuôi đã phối hợp các Cơ quan liên quan tổ chức hội thảo chuyên đề “thông tin về bệnh Dịch tả heo Châu Phi” vào ngày 07/9/2018 và ngày 14/9/2018 với khoảng 700 người tham dự.
Qua buổi Hội thảo, thông qua các ý kiến đóng góp, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có ý kiến đề xuất với Cơ quan chức năng như sau:
+ Hạn chế nhập khẩu thịt heo nhằm gỉam thiểu tồn dư mầm bệnh trong thịt; Kiểm nghiệm chặt chẽ các lô thịt nhập (nếu có);
+ Có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra;
+ Lập đội phản ứng nhanh tại địa phương, chủ động áp dụng các biện pháp phòng và chống dịch bệnh;
+ Tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch; Nâng cao nhận thức về việc áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; Thông tin đầy đủ kịp thời về tình hình dịch bệnh, các chủ trương chính sách trong chăn nuôi, hỗ trợ phòng chống dịch và các chính sách khác của Nhà nước có liên quan đến công tác phòng chống dịch để người chăn nuôi, người dân được biết và chủ động trong công tác phòng chống dịch;
Tổ chức tuyên truyền sâu, trọng điểm về công tác khử trùng tiêu độc, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Duy trì tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra;
+ Cơ quan thú y quản lý việc phòng chống dịch bệnh, cập nhật thông tin từ địa phương, đưa ra cảnh báo, giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện xử lý nhanh gọn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh tại cấp xã để người dân biết chủ động thông tin khai báo kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xãy ra.
+ Hỗ trợ kinh phí vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa phương có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
+ Tăng cường công tác kiểm dịch đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào biên giới.
+ Kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, sử dụng chất thải từ các trại chăn nuôi.
- Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chăn nuôi, ngày 08/11/2018, Hiệp hội chăn nuôi – Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất và chế biến Đồng Hiệp tham gia Hội thảo Vietstock 2018 với Báo cáo “Mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thịt heo dạng mát và truy xuất nguồn gốc”.
- Phối hợp Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức Hội thảo “Các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi thú y”, tổ chức tại Đồng Nai với khoảng 250 người tham gia, bao gồm các cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, các trang trại tại Đồng Nai, hội thảo diễn ra trong hai ngày 11, 12/12/2018.
Năm 2019
- Trong tháng 2/2019, trước diễn biến dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi ngày càng phức tạp, nguy cơ xảy ra tại Đồng Nai là rất cao, để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, ngày 21 tháng 2 năm 2019, Ban chấp hành Hiệp hội đã tổ chức họp Ban chấp hành bao gồm các thành viên Hiệp hội và một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Qua cuộc họp, sau khi các thành viên thảo luận, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện tại.
- Trong tháng 3/2019, Để có cơ sở đề xuất ý kiến trình Bộ NN và PTNT, Cục chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp gồm Các Công ty, doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi, sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp, Hiệp hội chăn nuôi đã có các đề xuất hiệu quả trong tình hình hiện tại, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra.
- Ngày 22-23/8/2019, phối hợp Hạt cốc Hoa kỳ tổ chức lớp “Tập huấn sản xuất thức ăn cho gà thịt và gà đẻ trên phần mềm máy tính”. Qua lớp tập huấn, hỗ trợ người chăn nuôi tính tổ hợp khẩu phần trên gà với chi phí thấp nhất.
- Nhằm mục đích đồng hành cùng người chăn nuôi tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhất trong việc tái đàn, hướng sản xuất trong lúc chưa có Vaccin và hy vọng trong tương lai gần sẽ có Vaccin.
Tọa đàm với chủ đề “tìm các giải pháp tái đàn hiệu quả” diễn ra vào ngày 19 tháng 12 năm 2019 tại Khách sạn Đồng Nai đã thành công tốt đẹp, thu hút gần 160 khách tham dự bao gồm đại diện các Cơ quan chức năng, Doanh nghiệp, Công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
- Tiếp và làm việc với các Công ty thiết bị, con giống,… nhằm tìm kiếm các đối tác phục vụ cho bà con chăn nuôi, giảm thiểu chi phí chăn nuôi.
Năm 2020
- Phối hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “tìm các giải pháp tái đàn hiệu quả” diễn ra vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn Đồng Nai đã thành công tốt đẹp, thu hút gần 290 khách tham dự bao gồm đại diện các Cơ quan chức năng, Doanh nghiệp, Công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
- Tiếp và làm việc với các Công ty thiết bị, con giống,… nhằm tìm kiếm các đối tác phục vụ cho bà con chăn nuôi, giảm thiểu chi phí chăn nuôi.
Năm 2021:
Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 này đã ảnh hưởng đến lao động của mọi ngành nghề, mỗi ngày số ca mắc mới liên tục tăng, nhiều địa phương bị phong tỏa.
Vực dậy sau các đợt càn quét của dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi đã thiệt hại vô cùng to lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại, chi phí sản xuất tăng cao.
Tại thời điểm này, các trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức, địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 khiến giá sản phẩm chăn nuôi như heo, gia cầm bán tại trại đồng loạt giảm, đặc biệt heo hơi hiện đang có giá thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây.
Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo.
Hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được.
Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng lại đang tăng do các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch khiến giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng theo. Đời sống người lao động đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng cao.
Góp phần cùng cả nước chung tay vượt qua đại dịch, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã phối hợp Phòng Kinh tế TP Biên Hòa kịp thời khai trương cửa hàng chuyên cung cấp thịt heo tại Nhà văn hóa phường Trung Dũng, TP Biên Hòa. Điểm bán trên góp một phần trong việc giảm thiểu sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng cao.
Đánh giá chung
Trong nhiệm kỳ III, Hiệp hội chăn nuôi đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp một phần không nhỏ cho ngành chăn nuôi của tỉnh, tăng nguồn thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hiệp hội vẫn còn tồn tại những thuận lợi và khó khăn như sau:
Thuận lợi
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ và phối hợp của các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Kế hoạch – Đầu tư. Trong thời gian qua, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh đã từng bước khắc phục các khó khăn, vướng mắc để từng bước phát huy hết vai trò trách nhiệm của Hiệp hội, từ đó khẳng định mình trong việc phát triển ngành chăn nuôi an toàn của tỉnh.
Được sự phối hợp chặt chẽ của địa phương trong việc thống kê đàn, tình hình chăn nuôi, kịp thời thông tin để Hiệp Hội kịp thời có ý kiến với các các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh đàn heo trong tỉnh.
Khó khăn
Tuy nhận được rất nhiều quan tâm, hỗ trợ của các Cơ quan liên quan trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn sau:
- Việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) chưa được một số người chăn nuôi chú trọng, quan tâm và tự nguyện tham gia thực hiện.
- Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, là đối tượng hộ gia đình, đối tượng bếp ăn tập thể còn hạn chế nên sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa cao.
- Dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc gia cầm đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và kinh tế trong nước, trong đó ngành chăn nuôi nước ta thiệt hại nghiêm trọng, các hoạt động của Hội hầu như bị trì trệ, các dự án không thể triển khai theo kế hoạch.
Phương hướng
Tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Hiệp hội đẩy mạnh vai trò của mình trong việc làm cầu nối giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ gồm siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể; Chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc; hoặc hình thức liên kết chăn nuôi 4 nhà gồm: Cơ quan quản lý nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi - giết mổ - buôn bán…
Tập trung nâng cấp chuỗi liên kết giữa nông dân - nông dân; doanh nghiệp - doanh nghiệp và nông dân - doanh nghiệp; phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hạn chế manh mún nhỏ lẻ nhằm giảm chi phí trong nuôi, tăng khả năng cạnh tranh (cùng nhau nhập, hợp đồng con giống, thức ăn thuốc, vật tư…hạ giá thành, số lượng xuất bán lớn, hạn chế thương lái ép giá…), kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tìm đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi bằng nhiều cách:
+ Hợp tác, liên kết các nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi; bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên đại bàn; các công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp;
+ Từng bước xây dựng, quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi sạch, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu.
- Xây dựng quy trình giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh giết mổ, vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
- Kiểm soát, quản lý đàn nái, tăng đàn phù hợp nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng tăng cung vượt cầu, gây mất kiểm soát.
- Liên kết các ngân hàng, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người chăn nuôi.
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất TACN trong nước sử dụng nguyên liệu, thức ăn bổ sung là các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp.
- Tuyên truyền các trang trại chăn nuôi tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh.
P.V