Sau khi lợn hơi tăng giá, những hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai đang tìm cách tái đàn, song họ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, sau thời gian dài giá lợn hơi duy trì ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, đến nay, đã cạn vốn, cộng với đại lý cám không còn bán chịu như trước nên việc tái đàn của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Gia đình chị Nguyễn Thanh Hiền, ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm nghề nuôi lợn đã hơn 10 năm. Trước đây, trong chuồng nhà chị Hiền luôn có hơn 100 con lợn thịt và 5 con lợn nái.
Gần 2 năm qua, giá lợn liên tục duy trì ở mức thấp, mỗi lứa lợn xuất bán, chị Hiền lỗ hàng chục triệu đồng. Sau khoảng 2 năm lỗ triền miên, đến tháng 2/2018, chị Hiền không còn vốn để tái đàn, đành phải treo chuồng.
Chị Nguyễn Thanh Hiền cho biết, với hi vọng giá lợn sẽ tăng nên gia đình gắng gượng nuôi, nhưng đến đầu năm 2018 thì kiệt vốn. Khoảng 1 tháng qua, giá lợn tăng, nhưng với gia đình điều này không còn ý nghĩa. Nhà chị đang bàn tính cầm sổ đỏ để tiếp tục chăn nuôi, song chị Hiền cũng rất lo, bởi nếu sắp tới giá lại xuống thấp thì gia đình mất hết sản nghiệp.
Giữa tháng 4/2018, gia đình anh Nguyễn Hoàng Hải, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai xuất bán 150 con lợn với giá 39.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên sau gần 2 năm, anh Hải bán được lợn với giá này và thu lời khoảng 70 triệu đồng.
Anh Hải chia sẻ: “Lứa lợn vừa rồi bán có lời nhưng chỉ đủ trả một phần nợ. Giờ gia đình không có nhiều vốn, cũng không biết giá lợn hơi sắp tới có duy trì như thế này không nên chỉ dám tái đàn với số lượng ít. Cái khó của người chăn nuôi bây giờ là đại lý cám không còn bán chịu như trước, để nuôi khoảng 100 con lợn, tôi phải luôn có sẵn tiền mua cám”.
Theo các đại lý cám ở Đồng Nai, trước đây, phần lớn người nuôi lợn đều mua cám nợ từ các đại lý, sau khi xuất bán lợn mới trả tiền. Tuy nhiên, do giá lợn thấp, nhiều người thua lỗ, không có tiền trả cho đại lý cám. Để tránh mất vốn, hiện đa số đại lý cám không còn bán chịu.
Bà Trần Thanh Thúy, chủ đại lý cám Minh Thúy, ấp Tây Kiên, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cho biết, đến nay, người dân đã nợ của bà hơn 15 tỷ đồng tiền cám. Nhiều hộ nợ hơn 1 năm, họ không có tiền trả, bà chưa biết làm cách nào để thu hồi nợ. Từ cuối năm 2017 đến nay, đại lý cám của bà không còn bán chịu như trước nữa.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau khi lợn hơi tăng giá, những hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai đang tìm cách tái đàn, song họ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, mua cám phải trả tiền ngay.
Một số hộ còn tiềm lực nhưng vẫn thận trọng, không tăng đàn do lo ngại giá bấp bênh. Bên cạnh đó, lượng lợn giống trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm, hầu hết các trang trại lớn chỉ đủ lợn giống phục vụ nhu cầu của mình, bán ra thị trường số lượng không nhiều.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trước đây, mỗi khi giá lợn tăng cao là nông dân ồ ạt tăng đàn, điều này làm nguồn cung dư thừa, giá giảm ngay sau đó. Khoảng 1 tháng qua, giá lợn tăng nhưng nguyên nhân tăng không rõ ràng. Thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ lợn lớn nhất của Việt Nam vẫn chưa nhập trở lại. Điều này làm người chăn nuôi phân vân, họ đang theo dõi thị trường.
Theo ông Đoán, tổng đàn lợn tại Đồng Nai hiện chỉ còn khoảng 1,7 triệu con, giảm khoảng 200.000 con so với cuối năm 2017. Việc người chăn nuôi thận trọng chưa tăng đàn là tín hiệu tốt, bởi nhu cầu thịt lợn trong nước vẫn duy trì như trước đây. Nếu người dân ồ ạt tăng đàn thì nguy cơ giá thịt lợn xuống thấp
Công Phong
Nguồn: TTXVN