[Hội Việt Nam] - Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rất cần Hội Chăn nuôi Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa tiếng nói để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chăn nuôi và cộng đồng doanh nghiệp.
Hội Chăn nuôi Việt Nam họp ban Thường vụ ngày 25/3/2023
Đó là thông tin được đề cập tại cuộc họp Ban Thường vụ lần thứ nhất nhiệm kỳ VII (2022-2027) do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 25/3/2023, tại Hà Nội. TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chủ trì hội nghị.
Hội nghị Ban Thường vụ có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch danh dự Hội Chăn nuôi Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội; TS. Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực miền Nam; TS. Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm phụ trách khu vực miền Trung… và gần 20 ủy viên Ban Thường vụ tham dự hội nghị.
Tại cuộc họp, 100% các ủy viên Ban Thường vụ đều nhất trí thông qua các nội dung trong Quy chế hoạt động của: Ban Chấp hành, Văn phòng Hội; Tổ chức, hoạt động các ban; Quy chế sử dụng con dấu; Quy chế thi đua khen thưởng; Quy chế Quản lý tài sản, tài chính; Quy chế chi tiêu nội bộ; Danh sách nhân sự các ban chuyên môn và Danh sách đề nghị xem xét kết nạp hội viên Hội Chăn nuôi Việt Nam năm 2023.
Ban Thường vụ đã thông qua việc kết nạp 8 hội viên mới trong đó có 4 công ty và 4 cá nhân. Cụ thể: Công ty Thuốc Thú y Á Châu; Công ty CP Đầu tư Liên doanh Việt Anh; Công ty TNHH Cargill Việt Nam; Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam; TS. Ninh Thị Len, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi; TS. Hoàng Hương Giang, Phó phòng Môi trường và Công nghệ Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi; TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Phó phòng Khuyến nông Chăn nuôi Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Ông Nguyễn Phúc Tâm, Nhân viên kinh doanh thuốc thú y độc lập.
Nâng cao tiếng nói của Hội
Trong bối cảnh ngành Chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó thị trường tiêu thụ chậm và kéo dài, khiến nhiều thời điểm giá chăn nuôi bán ra tại các trại thấp hơn giá thành sản xuất. Tiếp đó, không gian chăn nuôi ngày càng thu hẹp và điểm nóng của ngành Chăn nuôi hiện nay là cuộc đại di dời ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Chăn nuôi nói riêng. Đặc biệt là Đồng Nai, tỉnh đi đầu trong ngành Chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn và tổn thương vô cùng lớn, khi hiện nay khoảng trên 3.000 cơ sở phải di dời.
Trên tinh thần đó, các ủy viên Ban Thường vụ đã có rất nhiều ý kiến mong muốn Hội Chăn nuôi Việt Nam nâng cao tiếng nói của Hội góp phần bảo vệ người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thời kỳ ngành Chăn nuôi vô vùng khó khăn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, rất cần sự lên tiếng của Hội Chăn nuôi Việt Nam đối với tình hình chăn nuôi khó khăn hiện nay và đặc biệt có 3 việc cần ưu tiên.
Thứ nhất, Hội cần có tiếng nói chính thức gửi đến Chính phủ về giảm thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương 2% xuống còn 0%.
Thứ hai, theo quy định Luật đến hết năm 2025 tất cả các cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi đều phải di dời. Nhưng xét về điều kiện thực tế của Việt Nam, hiện tại đặc biệt đối với ngành Chăn nuôi cần xem xét triển khai thêm 2-3 năm nữa. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai rất cần có tiếng nói của Hội liên quan đến vấn đề này.
Thứ 3, liên quan đến vấn đề rất quan trọng của ngành Chăn nuôi đó là quỹ đất cho chăn nuôi. Luật Đất đai sẽ sửa đổi, bổ sung trong đó lần đầu tiên đề xuất có mục đất cho chăn nuôi. Mặc dù hiện nay đa phần đều tự chủ về đất, hầu như không còn chia từ đất công sang chăn nuôi. Tuy nhiên, ít nhất đất chăn nuôi được khẳng định về mặt pháp luật.
“Chính vì vậy mong muốn Hội, các chi hội có tiếng nói để Bộ Tài nguyên môi trường cũng như Chính phủ đồng thuận trong thời gian tới chúng ta chính thức có Luật Đất đai trong chăn nuôi, để làm cơ sở đại diện cho Doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận đất đai phục vụ trong hệ thống chăn nuôi”. Ông Chinh, đề nghị.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: “Hiện nay, Đồng Nai của chúng tôi đang chịu sự tổn thương lớn nhất, là tỉnh đi đầu với khoảng trên 3.000 cơ sở di dời. Hiện tại Đồng Nai đã có kiến nghị buộc phải rà soát lại, bởi vì chính sách hỗ trợ chỉ có 01 tỷ cho 01 cơ sở sản xuất, trong khi đó phải cần ít nhất 10 tỷ cho 01 cơ sở. Đó là một sự thiệt hại rất lớn cho các cơ sở, cho người chăn nuôi. Đây cũng là tiếng nói của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Hội phải có ý kiến để rà soát việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất chăn nuôi”.
Ngoài ra, trong mỗi cuộc họp của Ban Thường vụ, Hội cần mở ra các cuộc hội nghị chuyên đề bàn bạc, thảo luận các vấn đề nóng trong ngành Chăn nuôi. Để từ đó, nâng cao tiếng nói, vai trò của Hội phát triển hơn nữa.
Còn ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vinh Anh cho biết, khó khăn không chỉ việc di dời các cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai mà còn là vấn đề của cả nước. Ngoài ra, các cơ sở và người chăn nuôi cũng đang gặp phải khó khăn về hệ thống kho, hệ thống giết mổ, và nguồn vốn.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Dương cũng đề nghị cần có chính sách phát triển giết mổ tập trung công nghiệp và giải quyết ngay vấn đề bỏ thuế 5% thịt mát đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp.
Đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, hợp tác quốc tế
Mục tiêu của Hội là lấy doanh nghiệp làm trung tâm, vì vậy một phần không thể thiếu là quảng bá thương hiệu cũng như đóng góp vào sự giới thiệu thương hiệu của các đơn vị chăn nuôi.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Đặc san Chăn nuôi Việt Nam đã đề nghị với Ban Thường vụ tổ chức một giải thưởng của Hội Chăn nuôi để tôn vinh cá nhân, doanh nghiệp chăn nuôi đã đóng góp lớn trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Đây được xem là một ý kiến vô cùng thiết thực và được hầu hết các ủy viên có mặt tại hội nghị Ban Thường vụ đánh giá cao.
Ngoài ra, cần tổ chức các cuộc hội thảo, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế bằng việc kết nối các Hiệp hội nước ngoài để trao đổi thông tin khoa học. Nhờ đó tạo cơ hội các doang nghiệp, hội viên gặp gỡ giao lưu với các Hiệp hội nước ngoài. Kết thúc cuộc họp, hội nghị đã thống nhất cần đánh giá một số vấn đề đang nóng của ngành chăn nuôi để có văn bản đề xuất lên các cấp có thẩm quyền.
Thứ nhất, cuộc đại di dời các cơ sở chăn nuôi; thứ hai, kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi; thứ ba, giảm thuế các sản phẩm khô dầu đậu tương; thứ tư, có những chính sách phát triển giết mổ tập trung công nghiệp và chế biến thực phẩm, đặc biệt là thịt mát.
Ngọc Anh