Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi với 93,61% đại biểu tán thành
Theo đó, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, một số ĐBQH cho rằng các quy định về chính sách còn nặng về định tính nên khó áp dụng trong thực tiễn; đề nghị bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà một cách linh hoạt nhằm ổn định thị trường sản phẩm chăn nuôi; ý kiến khác cho rằng cần cân nhắc quy định các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước phải dựa trên cân đối nguồn lực để có tính khả thi.
UBTVQH khẳng định, Quy định về chính sách là quy định có tính nguyên tắc, căn cứ vào yêu cầu và khả năng của NSNN từng thời kỳ mà Chính phủ và các địa phương ban hành các biện pháp cụ thể để thực hiện. UBTVQH tiếp thu ý kiến về dự trữ sản phẩm chăn nuôi đã bổ sung tại điểm a, khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật, đồng thời, để chính sách này có hiệu lực, giao Chính phủ căn cứ vào yêu cầu và khả năng thực tế trình UBTVQH xem xét, bổ sung vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Liên quan đến quy định về thức ăn chăn nuôi (Chương III), có ĐBQH đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi để khắc phục tình trạng phân bố không đồng đều, thiếu tính định hướng.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tự do SXKD những ngành nghề mà pháp luật không cấm trong đó có thức ăn chăn nuôi.
Mặt khác, việc đầu tư, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào chiến lược phát triển chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, Dự thảo Luật đã quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi tại Điều 11, chiến lược phát triển chăn nuôi (Điều 5). Do đó, không bổ sung quy định về quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Giải trình về đề nghị bỏ quy định “cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại phải định kỳ báo cáo vào ngày 25 hằng tháng” vì cho rằng gây phiền hà cho doanh nghiệp, UBTVQH đồng ý quy định định kỳ hoặc đột xuất báo cáo thay cho quy định “cứng” là vào ngày 25 hằng tháng.
Đối với quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi (Mục 1, Chương IV), có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định điều kiện chăn nuôi nông hộ cho chặt chẽ hơn. UBTVQH nhận thấy, để bảo đảm sinh kế của người dân, Dự thảo Luật quy định chăn nuôi nông hộ tại Điều 56 và yêu cầu về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ tại Điều 60 là phù hợp.
Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi thuộc về tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi hay tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi, Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm trong việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi (Điều 59 và Điều 61).
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật chăn nuôi, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật chăn nuôi, với 93,61% đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, gồm 8 chương, 83 điều.
THIỆN NHÂN
Nguồn: NNVN