Toàn cảnh hội nghị
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, mưa nhiều, có những điểm gấp đôi năm ngoái. Vì vậy, xác suất bệnh tật xảy ra trên đàn vật nuôi cũng lớn. Mùa cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm cho dịp Lễ, Tết cũng lớn. Mặt khác, Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh tả lợn Châu Phi làm tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Tại Trung Quốc, 14 ổ dịch đã xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang). Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy; bệnh có chiều hướng lây lan dần về phía Nam, tiến gần đến các tỉnh biên giới với Việt Nam.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT nhận định, nguy cơ bệnh dịch từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nếu chúng ta chủ quan, lơ là thì hậu quả khi dịch bệnh xảy ra sẽ rất nặng nề, đe dọa ngành chăn nuôi, tăng trưởng của ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân.
Theo Phó Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình từ 5-6%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng vị trí số 1 trong các nước ASEAN về công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn lợn của Việt Nam đạt 27 triệu con (đứng thứ 7 trên thế giới), tổng đàn gia cầm khoảng 385 triệu con, bò là 5,6 triệu con, trâu là 2,5 triệu con, dê đạt 2,6 triệu con.
Do đó, Phó thủ tướng cho rằng “khi quy mô chăn nuôi ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng phải đặt ra ở mức cao hơn rất nhiều so với trước đây”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung toàn lực chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, theo các nội dung của Công điện số 1194 của Thủ tướng Chính phủ.
“Trước hết phải có thông tin chi tiết, chính xác về diễn biến dịch bệnh. Bộ NN-PTNT chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn để kịp thời nắm bắt, phản ảnh đầy đủ thông tin về dịch bệnh đến cơ quan chức năng và người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó là nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
“Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, phải triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; nhanh chóng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng.
“Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra ổ dịch lớn, không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, để bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, như đối với Tây Ban Nha tới 35 năm mới thanh toán được bệnh này và biện pháp quan trọng và hiệu quả nếu lợn mắc bệnh thì sẽ phải tiêu hủy toàn bộ lợn bị bệnh.
Bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn Châu Phi cao hơn nhiều so với virus gây cúm hoặc lợn tai xanh. Cụ thể, loại virus này có khả năng tồn tại trong thịt đông lạnh vô thời hạn; trong sản phẩm mỡ khô 1 năm; trong máu, thịt muối, xúc xích, nội tạng 3 tháng; trong phân, đất hơn 1 tuần.
“Bản thân virus dịch tả lợn châu Phi lây lan rất chậm trong cùng trại chăn nuôi, tuy nhiên nếu đã mắc bệnh, lợn sẽ chết gần như 100%. Điều này cũng có nghĩa ngay cả khi có virus bệnh xâm nhập, lợn cũng chỉ chết rải rác chứ không phải đồng loạt như những dịch bệnh khác”, vị đại diện cho hay.
Thực tế các nước đã từng có dịch cho thấy, bệnh dịch tả châu Phi lây lan chủ yếu do yếu tố con người tác động như: vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh hoặc nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác… Hơn nữa, hiện chưa có vắc – xin, thuốc điều trị dịch bệnh này. Vì vậy, phòng bệnh và thực hiện an toàn sinh học là biện pháp chính. Trong trường hợp xét nghiệm mẫu, nếu phát hiện lợn mắc bệnh, hoặc nghi mắc bệnh cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan, không điều trị bệnh lợn nhiễm bệnh.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam
Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam cho rằng, ngay từ ngày 3/8/2018, ngay sau khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát đầu ở Trung Quốc, nhận thức được mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch này; ban lãnh đạo công ty và tòan thể cán bộ cũng rất lo lắng và cùng nhau đưa ra nhiều biện pháp cho hệ thống trang trại lợn của công ty. Theo đó, C.P đã mời những chuyên gia có hiểu biết sâu về bệnh dịch tả lợn châu Phi về phổ biến cho mọi cán bộ công nhân viên trong công ty hiểu về căn bệnh này; tăng cường sát trùng chuồng trại; in các poster phát cho cho các trang trại và hướng dẫn cho người nông dân cách phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi . Suốt ngày qua, công ty cũng cập nhật thường xuyên cảnh báo của các cơ quan trong và ngoài nước về căn bệnh này. “Cùng với đó, chúng tôi đã chứng kiến Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, các địa phương ban hành nhiều công văn chỉ đạo phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, vì vậy, người chăn nuôi và doanh nghiệp yên tâm hơn về sự quyết liệt trong phòng dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam”, ông Tuấn nói thêm./.
TÂM AN
Nguồn: Nhachannuoi.vn