Đó là phát biểu của TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi heo Việt Nam - một số giải pháp phát triển trong thời gian tới" vừa diễn ra tại TP.HCM sáng 13/10.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tổng đàn lớn nhưng năng suất thấp
Việt Nam thuộc Top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi heo với tổng đàn heo trên 23,3 triệu con, chiếm 70% sản lượng thịt của cả nước. Heo được nuôi phân bố đồng đều ở các vùng miền.
Tuy nhiên, thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 4 năm vừa qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Chủ yếu là mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, không gian chuồng trại đa phần nhỏ hẹp, mật độ nuôi cao, năng suất thấp, khó kiểm soát được chất lượng.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh… thường xuyên gây thiệt hại lớn cho đàn heo. Dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa các thành phố lớn kéo dài gây hạn chế về logistics đã khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm từ heo gặp nhiều biến động. Giá bán heo thịt có lúc xuống thấp dưới giá thành sản xuất, lúc lại tăng vọt lên cao bất bình thường cũng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Theo TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi heo đang được các doanh nghiệp tổ chức lại theo chuỗi liên kết trong vòng 7 - 8 năm nay với quy mô liên kết chiếm 1/3 tổng đàn heo trên cả nước. Tuy nhiên, mức độ liên kết vẫn còn lỏng lẻo trong các khâu chăn nuôi, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Điều này ảnh hưởng đến tính ổn định của ngành chăn nuôi.
Đồng quan điểm, GS.TS Lã Văn Kính - Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nhận định số lượng đàn heo của chúng ta nhiều, nhưng hầu hết năng suất thấp. Ngoài vấn đề về con giống, kiến thức về dinh dưỡng cho heo của người nuôi còn nhiều hạn chế. Mặt khác, 95% thịt heo tiêu thụ trên thị trường là thịt ấm, có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm và được giết mổ không an toàn.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng vọt
Nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng ít nhất 30%, đặc biệt như ngũ cốc tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm cũng là nguyên nhân tác động đến giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của thịt heo trên thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội trang trại Việt Nam cho rằng người dân nuôi quy mô nhỏ, vừa “càng nuôi thì càng lỗ”.
Ông băn khoăn tại sao tại sao doanh nghiệp Việt biết tỉ suất lợi nhuận từ cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhưng không đầu tư sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước? Tại sao chúng ta không quy hoạch tăng diện tích trồng bắp lớn để đáp ứng cho nhu cầu này, khi bắp là nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi (nhập khẩu trên 5 triệu tấn/năm)?
Theo GS.TS Lã Văn Kính, Việt Nam đang nhập 70% nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi.
Về vấn đề này, GS.TS Lã Văn Kính cho biết: “Mỗi năm chúng ta nhập khẩu từ 10 - 12 triệu tấn nguyên liệu thức ăn cho lợn bao gồm bắp, lúa mì, lúa mạch, cám gạo, cám mì, khô nành... Ngoài ra còn nhập nhiều loại sản phẩm phụ trợ khác cho ngành thức ăn chăn nuôi. Ước khoảng 70% lượng thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu từ nước ngoài”.
Nguyên nhân là do công nghiệp hóa chất nước ta chậm phát triển nên những hóa chất đơn giản như DCP, MCP, axit hữu cơ, chất tạo màu, tạo mùi, kết dính… cũng phải nhập khẩu. Công nghiệp công nghệ sinh học cũng vậy, hầu hết thức ăn bổ sung phải nhập khẩu như Lysine, Methionine, Threonine, Tryptophan, Valine, Arginine, tất cả vitamin, hầu hết các enzyme, probiotic…
Theo ông Lã Văn Kính, thức ăn và dinh dưỡng luôn chiếm phần lớn giá thành trong chăn nuôi, điều này đẩy giá heo thịt tăng lên, khó cạnh tranh khi chế biến, xuất khẩu. Ngoại trừ những doanh nghiệp lớn, kiến thức dinh dưỡng của các nông hộ chưa cao cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe, sản lượng, chất lượng của vật nuôi. Mặc dù đã cải thiện rất nhiều về năng suất sinh sản, tăng 33% (từ 17 con lợn con sơ sinh/nái lên 20 con lợn con sơ sinh/nái) nhưng so với bình quân thế giới vẫn rất thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp lớn buộc phải nhập khẩu lợn giống năng suất cao từ nước ngoài.
Vaccine chống dịch tả lợn châu Phi luôn nóng
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết hiện trên thị trường có rất nhiều loại vaccine được ngươi nông dân tự ý sử dụng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thực tế đã xảy ra tình trạng tiêm phải vaccine giả khiến công tác phòng ngừa dịch bệnh cho heo không hiệu quả. Ông Công cho rằng việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành chăn nuôi heo. Dẫn ví dụ dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2019, kéo dài sang các năm sau đã gây thiệt hại lớn, đặc biệt là với các trang trại vừa, nhỏ, chăn nuôi nông hộ mà chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Theo Cục Thú y, hiện nay có 3 công ty đang nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi là Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco), Công ty TNHH một thành viên AVAC và Tập đoàn Dabaco. Vaccine đang trong quá trình thử nghiệm và kiểm nghiệm.
TS Trần Xuân Hạnh - Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) cho biết việc triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng vaccine trong nước gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế.
TS Trần Xuân Hạnh - Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) chia sẻ, thực tế hiện nay, việc triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng vaccine trong nước gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế. Công nghệ nền của chúng ta thấp. Nhiều quy trình công nghệ chưa thực hiện được, ví dụ như với quy trình nuôi cấy vi rút nhược độc, sản xuất vaccine cúm gia cầm bằng công nghệ di truyền ngược chúng ta phải nhập sản phẩm từ Hoa Kỳ.
Từ thực trạng này, TS Trần Trung Hạnh đề xuất các Viện, trường, cơ sở nghiên cứu trong cả nước phải có sự phối hợp và tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Điều này giúp chúng ta rút ngắn được thời gian xử lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp cận được công nghệ hiện đại để tiến tới tự chủ công nghệ sản xuất vaccine ở trong nước.
TUẤN ANH
Nguồn: Tạp chí Nông thôn Việt