Nhân bản thành công lợn Ỉ từ tế bào Soma tai

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Nhân bản thành công lợn Ỉ từ tế bào Soma tai
Ngày đăng bài - 7/29/2021 12:00:00 AM
Nhân bản thành công lợn Ỉ từ tế bào Soma tai

[Hội Chăn nuôi Việt Nam] - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật Viện Chăn nuôi Việc tạo thành công các động vật nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma (SCNT) mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong nghiên cứu cơ bản, y học và nông nghiệp.

 

 

Nhân bản động vật có vú bằng SCNT có nhiều thuận lợi hơn so với nhân bản sử dụng phôi có nguồn gốc từ tế bào phôi vì SCNT có thể ứng dụng cho các động vật đã biết kiểu hình; nguồn tế bào cho dồi dào dễ sử dụng qua đó làm tăng số lượng phôi và động vật nhân bản được tạo ra. Công nghệ SCNT đã tạo ra hướng đi mới cho cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng như: tạo động vật biến đổi gen, bảo tồn và duy trì những loài động vật quý hiếm; tạo động vật có các cơ quan nội tạng tương thích để cấy ghép cho người….

Hình 1

 

Cấy chuyển nhân tế bào soma hiện nay là một phương pháp đang được nghiên cứu, ứng dụng trong việc lai tạo các động vật có chất lượng tốt và bảo tồn các loài động vật có nguy cơ biến mất. Tại Việt Nam, lợn Ỉ có nguồn gốc từ giống lợn Ỉ mỡ ở Nam Định. Qua một thời gian dài sinh trưởng và phát triển, hiện nay có hai giống lợn Ỉ chính là lợn Ỉ mỡ (còn gọi là mặt nhăn, lợn bọ hung) và lợn Ỉ gộc (còn gọi là Ỉ pha, lợn Ỉ sống bương). Trước những năm 1970, lợn Ỉ được nuôi ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng...

 

Theo thống kê, năm 1969 cả hai giống lợn Ỉ này vẫn còn 2 triệu con. Tuy nhiên số lượng lợn Ỉ đang ngày càng thu hẹp dần gần đến mức tuyệt chủng, hiện nay chỉ còn lợn Ỉ gộc và nuôi tại Thanh Hóa. Nếu từ các năm 2001 đến 2003 có 50 lợn Ỉ cái và 4 lợn đực giống bảo tồn ở khu vực này thì đến nay chỉ còn 30 lợn cái và 4 lợn đực. Mặc dù lợn Ỉ có thịt thơm ngon, dễ nuôi nhưng thịt ít, mỡ nhiều (tỷ lệ nạc chỉ đạt 36%); nuôi lợn Ỉ cả năm chỉ đạt 40-50kg; do đó lợn Ỉ không cạnh tranh được vị thế với các giống lợn nuôi khác và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy việc tạo lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen lợn Ỉ; mà còn mở ra hướng bảo tồn và phát triển các động vật nuôi có giá trị khác tại Việt Nam.

 

Từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 12 năm 2020, các cán bộ tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật và Trung tâm nghiên cứu lợn Thuỵ Phương đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu: nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ tạo động vật nhân bản bằng cấy chuyển nhân tế bào soma tại Việt Nam, tiến tới phục vụ công tác bảo tồn và phát triển các loài vật nuôi quý hiếm.

 

Phòng Thí nghiệm trọng điểm đã xây dựng các quy trình trong công nghệ nhân bản lợn Ỉ như:

- Quy trình tạo dòng tế bào cho từ mô tai lợn Ỉ thuần sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản;

 - Quy trình tạo dòng tế bào nhận có màng sáng hoặc không có màng sáng sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản;

- Quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn Ỉ nhân bản; quy trình cấy chuyển phôi lợn nhân bản.

 

 Trong quá trình nghiên cứu các cán bộ đã tìm hiểu, chuẩn hoá, ứng dụng các phương pháp mới như tạo tế bào trứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) thay vì có màng sáng như hầu hết các công bố trước đây trên thế giới. Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân tế bào cho, vì vậy tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn vì ở lợn mỗi lần cấy phôi phải cần 80-100 phôi. Mặt khác cấy chuyển phôi lợn 5-6 ngày tuổi thay vì cấy phôi 1-2 tế bào đã nâng cao tỷ lệ thụ thai.

 

 

Ngày 10/3/2021 có 01 lợn nhận mang thai an toàn và đẻ 05 lợn con trong đó 1 con chết khi sinh. Lần đầu tiên tại Việt Nam đã nhân bản thành công trên động vật có vú nói chung và trên lợn nói riêng từ tế bào soma (trưởng thành). Bên cạnh đó, các kết quả đạt được của đề tài cũng đã được công bố trên các tạp chí trong nước (Tạp chí công nghệ sinh học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và quốc tế (tạp chí Theriogenology). Sự thành công của việc tạo lợn Ỉ nhân bản đã khẳng định sự làm chủ công nghệ nhân bản động vật, đồng thời nâng cao vị trí về trình độ khoa học so với quốc tế của các cán bộ nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào, Viện Chăn nuôi.

 

 

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật

Viện Chăn nuôi

Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 4.2021

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập