Nhiệm kỳ VII (2022-2027) Hội Chăn nuôi Việt Nam: Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo phát triển

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    11356
Nhiệm kỳ VII (2022-2027) Hội Chăn nuôi Việt Nam: Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo phát triển
Ngày đăng bài - 12/20/2022 12:00:00 AM
Nhiệm kỳ VII (2022-2027) Hội Chăn nuôi Việt Nam: Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo phát triển

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] - Trước những thay đổi nhanh chóng của ngành chăn nuôi Việt Nam, trong nhiệm kỳ VII (2022-2027) các hội viên của Hội Chăn nuôi Việt Nam cần kề vai sát cánh, đoàn kết với nhau hơn nữa. Cùng với đó, tổ chức của Hội Chăn nuôi Việt Nam cần có những thay đổi, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Tất cả nhằm hướng đến xây dựng ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển và Hội Chăn nuôi Việt Nam, với nòng cốt là các doanh nghiệp và người chăn nuôi, thật vững mạnh!

Tác giả: TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

Sản xuất chăn nuôi thay đổi, tư duy cũng cần đổi mới…

 

Cụ thể, dịch bệnh, thị trường tiếp tục là những bất cập, trở ngại lớn; cạnh tranh giữa các loại hình kinh tế trong chăn nuôi và giữa sản phẩm chăn nuôi trong nước với sản phẩm nhập khẩu ngày càng quyết liệt hơn, mà lợi thế sẽ nghiêng nhiều về các doanh nghiệp lớn và sản phẩm nhập khẩu. Nếu như chúng ta không có các giải pháp điều tiết kịp thời và hiệu quả, thì mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững khó trở thành hiện thực và lợi thế, đặc thù của chăn nuôi nông hộ ở Việt Nam sẽ không còn!

Không gian chăn nuôi trong nước vốn không rộng, nay đang ngày càng bị thu hẹp, nếu xét về mật độ dân số và mật độ vật nuôi (hay đơn vị vật nuôi/diện tích đất nông nghiệp) thì Việt Nam hiện nay đang thuộc tốp cao nhất của thế giới (với dân số trên 290 người/km2 và 1,2 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp). Là một nước nhỏ mà Việt Nam có số đầu lợn đứng hàng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 trên thế giới.

 

Trong bối cảnh đó, nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN), vốn đã khan hiếm, ngày càng khan hiếm hơn do áp lực cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế khác, như nguyên liệu cho công nghiệp, đất trồng cây ăn trái, cây dược liệu...Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khẩu trên 70% nguồn nguyên liệu TACN cho nhu cầu tổng thể của vật nuôi và thủy sản; trong đó, chiếm tới 90% nguồn nguyên liệu cho nhu cầu chế biến TACN công nghiệp và con số này chưa có dấu hiệu sụt giảm.

 

Không gian chăn nuôi của Việt Nam đang được thu hẹp ngày càng nhanh bởi áp lực cạnh tranh của các d.ng sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt. Với lợi thế giá thành rẻ và sự quản lý nhập khẩu lỏng lẻo, nhất là trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 đã làm cho khối lượng nhập khẩu vật nuôi sống và thịt đông lạnh, đặc biệt là thịt lợn nhập khẩu tăng lên phi mã, chóng mặt, tới 1600% (16 lần) chỉ trong vòng 2 năm (từ 2019-2020) và ngày càng gia tăng.

 

 

Ngoài giá rẻ và người tiêu dùng trong nước quen dần với thịt đông lạnh, nhất là ở khu vực các bếp ăn tập thể, các cơ sở chế biến thực phẩm đang sử dụng rất nhiều thịt đông lạnh nhập khẩu, thì việc cắt giảm các dòng thuế quan đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam kí kết hoặc thừa nhận cũng là những nguyên nhân làm gia tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

 

Kiểm soát dịch bệnh vẫn là những vấn đề bất cập, gây phát sinh nhiều chi phí sản xuất và các rủi ro đến an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Đây là vấn đề khó và rất nan giải, cần phải thay đổi căn bản từ vấn đề tổ chức hệ thống quản lý ngành đến cách thức tiếp cận trong kiểm soát và thanh toán dịch bệnh. Nếu vẫn duy trì như cách làm hiện nay, thì Việt Nam rất khó có thể thanh toán được các bệnh truyền nhiễm. Do vậy việc  các biện pháp để xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ là những giải pháp khả thi và hiện thực hơn cả đối với công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi của Việt Nam những năm tới đây.

 

Kiểm soát môi trường, an toàn thực phẩm và đối xử nhân đạo với vật nuôi cũng là những vấn đề sẽ được quan tâm nhiều hơn trong chăn nuôi thời gian tới. Những vấn đề này, không chỉ còn là quan điểm mà nó đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong các cam kết quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia trong tiến trình hội nhập.

 

Cùng với nhiều nước, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, đưa khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050, thì chăn nuôi gia súc là lĩnh vực đang góp tới 1/5 tác nhân gây hiệu ứng nhà kính phải có những biện pháp kịp thời và hiệu quả hơn. Phúc lợi động vật (Animal welfare) hay đối xử nhân đạo với vật nuôi cũng đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong chăn nuôi của nhiều quốc gia và là một trong những tiêu chí quan trọng của sản phẩm chăn nuôi, mà không lâu nữa nó sẽ được ghi phổ biến trên nhãn mác các sản phẩm chăn nuôi và rồi sẽ trở thành hàng rào kỹ thuật trong trao đổi thương mại của các sản phẩm chăn nuôi ở các quốc gia.

Trại lợn nhìn từ trên cao của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF

 

Chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ phát triển mạnh và trở thành xu thế chủ đạo trong chăn nuôi hàng hóa những năm tới. Chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, HTX, gắn kết người chăn nuôi trong các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm là phương thức sản xuất không chỉ giúp cho việc kiểm soát chất lượng, ATTP, giá cả hàng hóa, phân chia lợi nhuận của người sản xuất, kinh doanh mà còn giúp nhà nước trong việc điều tiết cung cầu thực phẩm ở tầm vĩ mô.

 

Các doanh nghiệp lớn đầu tư nhiều vào chăn nuôi và tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết cũng đồng thời sẽ tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

 

Yêu cầu của người tiêu dùng đặt ra ngày càng cao đối với nông sản, thực phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nông sản nói chung và các sản phẩm chăn nuôi, muốn tham gia và khẳng định vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là vào các phân khúc thị trường cao cấp, cần phải tích hợp được nhiều tiêu chí, như: chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, chia sẻ giữa người sản xuất với người tiêu dùng và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Sản phẩm có càng nhiều tiêu chí, thì càng có giá trị thương mại cao.

 

Thích ứng để phát triển!

Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2017-2022)

 

Để thích ứng với những thay đổi của ngành chăn nuôi trong thời gian tới, hoạt động của Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội) trong nhiệm kỳ mới cần phải có những thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, cụ thể:

 

Hội sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nhân sự phù hợp với chức năng của Hội theo hướng trẻ hóa, đa dạng và chuyên nghiệp hơn; tăng dần trong thành phần của các tổ chức Hội như BCH, Ban Thường vụ, các ban chuyên môn là những thành viên có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành hàng mà Hội làm đại diện

 

Nội dung hoạt động của Hội sẽ bám sát hơn vào việc hỗ trợ và bảo trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế mà Việt Nam ký cam kết, thừa nhận.

 

Thông qua các hoạt động phản biện xã hội,Hội sẽ góp phần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách phát triển của nhà nước đến ngành, đến người dân, doanh nghiệp; kịp thời tập hợp những khó khăn, bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là của các hội viên để phản ánh, đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ.

 

Đặc biệt, Hội cần chú trọng tăng cường, nâng cao hơn hiệu quả của hoạt động thông tin, truyền thông, đảm bảo yêu cầu: kịp thời, chính xác, đầy đủ về thị trường, thể chế pháp luật, chính sách phát triển, khoa học công nghệ... của lĩnh vực ngành hàng đến các hội viên thông qua các kênh thông tin, như: Tạp chí, Đặc san, website và các hội thảo chuyên đề. Phải thực sự xem hoạt động thông tin, truyền thông là động lực và sức mạnh của công tác Hội.

 

Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa các hội, hiệp hội ngành hàng liên quan ở trong nước và quốc tế. Đây là việc vô cùng quan trọng giúp cho việc cập nhật, cung cấp các thông tin mới, thông tin tích cực, kinh nghiệm phát triển cho các hoạt động chuyên môn và dễ tạo đồng thuận, gây hiệu ứng x. hội nhanh nhất cho những vấn đề tham vấn, phản biện mà Hội đề cập.

 

Hy vọng, trong nhiệm kỳ mới, với những thay đổi về tư duy và hành động, Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ đồng hành cùng sự lớn mạnh và phát triển bền vững của ngành Chăn nuôi Việt Nam.

 

TS Nguyễn Xuân Dương

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • ildex quang cao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập