Điều quan trọng là tất cả các dự án nông nghiệp CNC của TH đều thành công, trở thành điểm sáng giúp miền Tây xứ Nghệ bứt phá.
Bò sữa chăn thả trong trại hữu cơ
Còn nhớ, khi TH bắt tay vào chăn nuôi bò sữa công nghiệp tập trung tại Nghĩa Đàn, hầu hết mọi người không ai tin dự án sẽ thành công. Nhất là sau cú sốc do hàng loạt dự án bò sữa tại Nghệ An và nhiều tỉnh khác rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”, nếu không muốn nói là thất bại hoàn toàn.
Lúc đó, người dân Nghệ An cho rằng TH là một nhà đầu tư quá “liều” khi thu hồi hàng nghìn ha đất tại Cty Cây ăn quả 19/5 để xây dựng hệ thống trang trại, rồi nhập hàng chục nghìn con bò sữa chăn nuôi lấy sữa chế biến. Dù không ai nói ra nhưng cũng ngờ rang, không chóng thì chầy nhà đầu tư sẽ “lấm lưng, trắng bụng”, thậm chí phá sản.
Tại Nghệ An, ngay lãnh đạo tỉnh, sau khi đi tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung tại châu Âu, châu Mỹ về cũng không ít người bày tỏ sự lo ngại trước một dự án chăn nuôi bò sữa lên tới 1,2 tỷ USD với hàng chục nghìn con bò HF được nuôi ngay trên vùng khí hậu gió Lào nắng gió thì sẽ khó thành công.
Thời kỳ đó, con bò sữa HF nhập về vốn xa lạ với người dân xứ Nghệ, nhất là khi hàng trăm người dân Nghĩa Đàn đã nếm trải “quả đắng” từ đàn bò sữa HF được Công ty Nobico nhập về cho họ chăn nuôi lấy sữa. Để giúp dân vươn lên thoát nghèo, ngoài việc triển khai dự án sind hóa đàn bò, tỉnh còn mạnh dạn thành lập BQL dự án chăn nuôi bò sữa, cho vay vốn không lãi suất, trợ giá khi thu mua sữa, bù lỗ tiền vận chuyển sữa... để hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô nuôi bò sữa.
Đoàn xe đón bò sữa HF của New Zealand về cập cảng Cửa Lò
Một dự án khá hoành tráng đã được ngành NN-PTNT Nghệ An thực hiện kéo dài 6 năm (2001 đến 2006), kết cục đàn bò sữa trong dân chỉ còn lại 1.341 con, sau đó tỉnh Nghệ An phải nhờ Công ty CP Sữa Vinamilk mua giúp để vớt vát một phần cho dân.
Thế nhưng, bằng niềm tin vững vàng cùng với việc chủ động thuê hàng trăm chuyên gia, mua công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, Tập đoàn TH đã lần lượt nhập về hàng chục nghìn con bò sữa HF chất lượng cao từ New Zealand. Mỗi chuyến, hàng nghìn con bò sữa HF vượt biển Thái Bình Dương cập cảng Cửa Lò trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cho đến nay, Tập đoàn TH đã có trong tay trên 45.000 con, trong đó có trên 23.000 con đang cho sữa/ngày. Đó thực sự là con số rất ấn tượng trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tập trung. Và trang trại bò sữa của TH trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền Nghệ An, là điểm đến tham quan học hỏi của các nhà đầu tư và các địa phương khác.
Lượng sữa tươi từ 6 trại bò của TH tại Nghĩa Đàn hiện đang cung cấp cho nhà máy chế biến sữa tại Nghĩa Đàn trên 500 tấn sữa/ngày. Bởi thế, Tập đoàn TH rất tự hào về chất lượng các sản phẩm được chế biến từ sữa tươi mang thương hiệu “TH true Milk” là sữa tươi sạch, vì luôn được tuân thủ đúng quy trình theo chuỗi SX khép kín, từ trang trại tới nhà máy, đến tận khâu phân phối.
Đàn bò sữa trong trang trại của TH
Điều đáng tự hào nữa là trong phân khúc sữa tươi trên thị trường cả nước, thương hiệu sữa tươi TH true Milk đã vươn lên vị trí đứng đầu, chiếm trên 50% thị phần. Và không dừng lại ở đó, bên cạnh việc Tập đoàn TH nỗ lực phát triển đàn bò sữa ra Thanh Hóa, Lâm Đồng... để đáp ứng công suất chế biến tại nhà máy chế biến sữa của mình, 3 năm qua TH đã và đang tiến sang một lĩnh vực mới là chuyển 400ha đất và gần 1.000 con bò sữa HF để SX sữa hữu cơ (Organic) cung cấp cho người tiêu dùng.
Sao Mai
Nguồn: nongnghiep.vn
Khi nói về dự án này, ông Phan Đình Trạc, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Nội chính TƯ đã từng phát biểu: "Tôi xin nói, ở đây vai trò chính quyền rất quan trọng. Không chỉ dừng lại ở chỗ hỗ trợ mà phải lôi kéo DN vào cuộc. Chúng tôi đã chủ động mời TH về Nghệ An đầu tư. Khi họ về rồi, chúng tôi tuyên bố: DN chỉ lo xây trang trại, việc giải phóng đất đai là của chính quyền.
Khi dự án đi vào vận hành, chỉ cần nghe tin tại huyện Nghĩa Đàn có dịch LMLM, dù nửa đêm chúng tôi cũng báo cho DN và cùng họ phong tỏa, chống dịch bất kể ngày đêm. Khi có các đoàn khách từ mọi miền đến thăm, tôi cũng không ngại xuất hiện để giới thiệu, thuyết minh cho dự án.
Đến nay, dự án bò sữa TH đã thành công, thương hiệu sữa TH True MILK được người tiêu dùng tin tưởng, yêu quý. Hơn 1.000 con em địa phương có việc làm tại trang trại; sinh viên là con em các gia đình trong vùng dự án học khá tại các trường ĐH, CĐ, THCN được hỗ trợ 6 triệu đồng/năm.
Tập đoàn TH còn tặng bê cho người nghèo trong vùng dự án. Đến nay, TH tang 1.500 bê, bê lớn có thể bán được 30 triệu đồng/con. Địa phương thu được ngân sách để phát triển KT- XH; vùng đất Phủ Quỳ đứng trước cơ hội trở thành vùng nông thôn kiểu mẫu. Vì thế, thành công của TH cũng là thành công của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An, trong đó có một phần của cá nhân tôi".