Ngày 28/12/2021, Bộ NN&PTNT có công văn số 8961 về việc khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Công văn nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 10/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương chủ động triển khai các biện pháp nhằm ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ như sau:
1. Các biện pháp khôi phục đàn vật nuôi
a) Tái đàn:
Chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
b) Quản lý vật nuôi:
- Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, …;
- Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý khi vật nuôi bị bệnh bị ốm theo đúng quy định, không giết mổ, mua bán vật nuôi ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường;
- Tăng cường cán bộ cùng với lực lượng cán bộ địa phương kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao…; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các hộ chăn nuôi.
- Thức ăn, nước uống:
+ Khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có nhằm cung cấp đầy đủ cho vật nuôi sau mưa lũ. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục;
+ Nước uống phải sạch và đầy đủ.
c) Vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh:
- Khi nước rút, thực hiện thu gom rác thải, xác vật nuôi chết để xử lý theo quy định, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; kiểm tra nguồn nước cho đàn vật nuôi;
- Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng trâu, bò,…;
- Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện động vật mắc, nghi mắc bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh; tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y;
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tai xanh,...; nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
2. Các biện pháp khôi phục nuôi trồng thủy sản
- Tổ chức xử lý môi trường (rác thải, xác động vật chết) theo quy định. Tuyệt đối không vứt động vật chết, rác thải ra môi trường gây ô nhiễm, làm phát sinh dịch bệnh, nhất là tại vùng sản xuất giống, vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập, úng. Tổng hợp nhu cầu và đề xuất cơ quan chức năng cấp phát hóa chất để khử trùng, tiêu độc các vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
- Đánh giá, tổng hợp nhu cầu giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để có kế hoạch đáp ứng kịp thời và đảm bảo chất lượng.
- Hướng dẫn các cơ sở nuôi tu sửa, khôi phục hệ thống lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.
- Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản và kịp thời chuyển tải thông tin, khuyến cáo tới các cơ sở nuôi.
- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, trị bệnh trên động vật thủy sản theo quy định của pháp luật về thú y.
3. Xây dựng kế hoạch khôi phục chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
- Chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau những ngày ngập lụt và mưa lũ; có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại, ao đầm, lồng bè để phục hồi và phát triển sản xuất sau thiên tai, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.
- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
- Chỉ đạo chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm, thuỷ sản bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đề nghị các địa phương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả công tác phòng chống mưa lũ và các khó khăn, vướng mắc, đề xuất trong quá trình triển khai gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo Chính phủ./.
Hà Ngân