Thứ trưởng Nam cũng khẳng định, Bộ đã thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (PTTTNS), cơ quan quản lý chuyên biệt điều phối SX và tiêu thụ nông sản.
XK nông sản sẽ đạt kế hoạch
Thưa Thứ trưởng, ngay từ đầu năm, XK nông sản đã gặp nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại thì thị trường lại có tín hiệu tốt. Thứ trưởng đánh giá thế nào về XK nông sản thời gian qua?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Đúng là ngay trong tháng 1/2017, thị trường XK nông sản của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo thì tình hình lại chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tổng giá trị XK nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị XK thuỷ sản ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị XK hàng rau quả ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016; cà phê ước đạt 693 nghìn tấn và 1,57 tỷ USD, giảm 15,9% về khối lượng nhưng tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, gạo và một số mặt hàng khác cũng đang tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng.
Năm nay, XK nông sản được kỳ vọng rất nhiều, đồng thời Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành là 3,05%. Qua 5 tháng đầu năm, XK cũng tương đối thuận lợi. Thứ trưởng có thể dự báo tình hình từ nay đến cuối năm?
Với khả năng SX trong nước, các mặt hàng chủ lực cũng như các tín hiệu thuận lợi về XK, tôi cho rằng sẽ không khó để đạt chỉ tiêu đề ra. Hiện rau quả XK rất tốt. Bộ cũng đang chuẩn bị có một diễn đàn kết nối DN SX và tiêu thụ trái cây tổ chức tại Lạng Sơn.
Về gạo, có nhiều thị trường đang có nhu cầu. Mới đây Bangladesh và một số nước khác đã đặt vấn đề ký kết lại một số hợp đồng NK gạo lớn. Hiện Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nắm chắc SX lúa hè thu để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo vụ lúa hè thu thắng lợi, từ đó đảm bảo nguồn cung cho XK gạo.
Ngoài ra, Bộ cũng đang tích cực triển khai kế hoạch xúc tiến mở rộng thị trường nông sản để không lệ thuộc vào 1 thị trường cụ thể, tránh tình trạng “để tất cả trứng trong một giỏ”.
Với tiềm năng của các sản phẩm chủ lực, với chỉ đạo chặt chẽ của Bộ, năm nay việc XK có thể đạt và vượt kế hoạch.
Cục Chế biến và PTTTNS sẽ là cơ quan điều phối SX và tiêu thụ
Từ trước đến nay ngành đã làm rất tốt khâu SX, nhưng còn khâu tiêu thụ nông sản thì chưa có đơn vị được đặt đúng tầm quan trọng. Như vậy, việc thành lập Cục Chế biến và PTTTNS có phải được kỳ vọng điều phối SX và tiêu thụ?
Quyết định thành lập Cục Chế biến và PTTTNS có 3 chức năng chính, một là tăng cường quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật về chính sách phát triển thị trường nông, lâm sản gắn với SX. Đặc biệt nhấn mạnh là quản lý từ gốc, tức là từ SX, chế biến đến tiêu thụ nông sản.
Hai là tham mưu cho Bộ trưởng để điều phối các hoạt động về phát triển thị trường, tức là điều phối các hoạt động kỹ thuật gắn với phát triển thị trường nông sản, thực hiện chức năng phòng vệ thương mại và đàm phán mở rộng thị trường nông sản. Cập nhật, cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất thực hiện các chính sách thị trường nông sản, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật thương mại về XNK nông sản.
Thứ ba, là đầu mối tham mưu quản lý Nhà nước về chế biến và bảo quản nông sản, gia tăng giá trị cho khâu bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Trước xu hướng nhiều nước NK nông sản đang tăng cường bảo hộ bằng cách xây dựng hàng rào kỹ thuật thì Bộ cùng các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ thị trường nào, thích ứng bằng cách nào, tháo gỡ rào cản thế nào. Tóm lại là chủ yếu góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bình đẳng, cùng có lợi giữa các nước XNK nông sản.
Tóm lại, việc thành lập Cục Chế biến và PTTTNS với mong muốn của Bộ là tăng cường chức năng phát triển thị trường đối với ngành hàng nông sản và là đầu mối để phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng của Bộ với các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương trong hoạt động XNK nông sản.
Đối với SX trong nước, Cục này tham mưu cho Bộ trưởng về cơ chế, chính sách phát triển thị trường nông sản trong nước, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình sản xuất và cung cầu hàng nông sản. Phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu về nông sản, về cơ chế, chính sách thương mại nông sản biên giới.
Tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng chương trình phát triển thương hiệu nông sản thuộc nhiệm vụ quản lý của Bộ và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.
Thưa Thứ trưởng, trước yêu cầu nhiệm vụ mới nặng nề, Bộ sẽ có những giải pháp gì về nhân sự, cơ chế chính sách để đáp ứng yêu cầu đặt ra?
Với nhiệm vụ mới này, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy của Cục, trước hết là hoàn thiện các quy chế, các chức năng nhiệm vụ, bổ sung cán bộ chuyên môn để tăng cường tham mưu cơ chế phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ cũng như ngoài Bộ và các địa phương để làm sao vận hành một cách đồng bộ.
Về bộ máy, trước mắt sẽ thành lập mới Chi cục Chế biến và PTTTNS phía Nam, sau đó từng bước theo yêu cầu, nhiệm vụ, sẽ thành lập chi cục ở 5 vùng trên cả nước. Ngay sau khi công bố thành lập, Bộ sẽ gửi văn bản đến các địa phương đề nghị phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin để dự báo thị trường một cách chính xác.
Tôi cho rằng, việc dự báo cung cầu là nhiệm vụ khó và quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản hiện nay. Bộ NN-PTNT không thể bao quát hết toàn bộ những vấn đề cụ thể về SX ở các địa phương, cho nên Bộ rất cần sự hỗ trợ hợp tác của các Bộ, ngành và các địa phương nhằm tăng cường phối hợp cung cấp, xử lý thông tin và điều hành một cách đồng bộ vì thiết nghĩ chúng ta đang tập trung phát triển thị trường nông sản xuất khẩu nhưng không được quên thị trường trong nước đang rất tiềm năng và triển vọng để góp phần nâng tầm vị thế của chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tác giả: Văn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam