[Hội Chăn nuôi Việt Nam] - Dịch tiêu chảy cấp ở (PED) là bệnh truyền nhiễm, do virus thuộc nhóm Coronavirus gây ra, đây là virus có cấu trúc phức tạp, đa dạng về chủng và mối quan hệ giữa các dạng đột biến với chức năng của virus (Puranaveja & cs., 2009).
Đặt vấn đề
Bệnh được phát hiện lần đầu ở Anh vào năm 1971 với đặc điểm lây lan rất nhanh, gây ói mửa, tiêu chảy nặng trên lợn ở mọi lứa tuổi và những năm sau đó bệnh xuất hiện ở Nhật, Trung Quốc và nhiều nước Châu Âu, hiện nay bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới (Pospischil & cs., 2002; Song & Park, 2012).
Năm 2013, dịch bệnh đã lây lan trên 200 trại nuôi lợn ở khắp nước Mỹ, hơn 17 bang có dịch bệnh trong vòng 3 tháng, với tỷ lệ chết trên lợn con từ 50-100% (Huang & cs., 2013; Stevenson & cs., 2013). Ở Việt Nam, theo Do Tien Duy & cs. (2011) và Nguyễn Tất Toàn (2012), bệnh được phát hiện từ năm 2008 ở một số tỉnh phía Nam với tỷ lệ bệnh ở các độ tuổi có thể đến 100%, tỷ lệ chết khác nhau giữa các độ tuổi, đặc biệt cao nhất ở lợn con theo mẹ (50-100%).
Ở khu vực phía Bắc, khi nghiên cứu tình hình dịch tiêu chảy cấp (PED) xảy ra tại 26 trại ở một số tỉnh cho thấy, bệnh thường bùng phát vào mùa lạnh (từ tháng 11 đến tháng 4), lây lan nhanh, tỷ lệ lợn biểu hiện tiêu chảy cao (trung bình 76,8%). Lợn ở tất cả các lứa tuổi đều bị tiêu chảy (có thể lên tới 100%), tỷ lệ chết cao ở lợn con theo mẹ (68,6%- 100%).
Có sự khác biệt lớn về mức độ cảm nhiễm, tỷ lệ biểu hiện tiêu chảy, tỷ lệ chết, thời gian tiêu chảy giữa các trại và giữa các nhóm tuổi, giới tính (Nguyễn Trung Tiến & cs., 2013; Nguyễn Văn Điệp & cs., 2014; Huỳnh Minh Trí & cs., 2017).
Thanh Hoá là tỉnh có số lượng đàn lợn lớn.Theo Cục Thống kê Thanh Hoá tại thời điểm 01/4/2018, toàn tỉnh có 717.358 con lợn, trong đó có 258.767 con được nuôi tại các trại.
Tình hình bệnh PED đang xảy ra trên đàn lợn tại các trại trong tỉnh, người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát bệnh. Để kiểm soát dịch bệnh thì phương pháp “gut feedback” đã và đang được áp dụng (Thai Swine Veternary Association, 2015).
Đây là phương pháp dùng chất chứa mầm bệnh của lợn mắc bệnh để gây nhiễm cho các lợn khoẻ khác nhằm tạo ra kháng thể chủ động. Nghiên cứu này mục đích là cung cấp số liệu về tình hình bệnh PED và xác định khả năng tạo kháng thể sau khi sử dụng phương pháp “gut feedback” ở đàn lợn để các nhà Thú y phân tích và dự báo quá trình tiến triển của bệnh nhằm xây dựng các biện pháp xử lý, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Kết luận
Lợn nuôi tại Thanh Hoá có tỷ lệ mắc bệnh, chết và tử vong do PED là 14,56%, 7,77% và 53,38%. Các huyện vùng ven biển và vùng núi có tỷ lệ lợn mắc bệnh và tử vong do PED cao nhất (Tĩnh Gia 16,12% và 56,57%; Thạch Thành 15,06% và 56,43%).
Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao nhất ở nhóm lợn con theo mẹ (22,01% và 72,63%) và thấp nhất ở nhóm lợn đực giống (5,81% và 0%). Lợn mắc bệnh và tử vong nhiều nhất ở mùa đông (21,70% và 58,93%), thấp nhất ở mùa hè (7,43% và 40,28%). Các trại lớn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (15,79%) nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp nhất (50,75%).
Hoàng Văn Sơn1,2* , Phạm Ngọc Thạch3 , Nguyễn Thị Lan3
1 NCS Học viện Nông nghiệp Việt Nam,
2 Trường Đại học Hồng Đức
3 Học viện Nông nghiệp Việt Nam
* Tác giả liên hệ: hoangsonhdu@gmail.com
Nguồn: Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam