Chỉ có chăn nuôi công nghệ cao mới có thể tham gia chuỗi giá trị thương mại toàn cầu
Chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0 là tất yếu!
Điều này xuất phát từ thực tế nội tại của ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, giá thành để sản xuất 1 kg sản phẩm chăn nuôi của nước ta cao hơn nhiều so với thế giới: chi phí sản xuất 1 kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,10 USD, Malaysia là 1,15 USD, trong khi đó ở ta là 1,60 USD; giá thịt lợn tại Mỹ rẻ hơn ta 40%... là do ta chưa sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Giá thức ăn của ta cũng cao hơn thế giới 15-20%, do phần lớn nguyên liệu thức ăn là nhập khẩu.
Trước tình hình hội nhập khu vực và quốc tế đến rất nhanh, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp những rào cản về thuế suất nhập khẩu, các mặt hàng thịt sẽ giảm từ 5% xuống 0%, nên khoảng cách về giá sản xuất sản phẩm trong nước với nhập khẩu ngày càng lớn. Điều này càng đe dọa tới ngành chăn nuôi đang là sinh kế cho 6 – 7 triệu hộ trong 9,58 triệu hộ nông nghiệp (số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê).
Đây vừa là thách thức và cơ hội khiến ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập và phát triển bền vững. Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đang là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi sẽ góp phần gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất hướng đến phát triến chăn nuôi bền vững. Cụ thể, theo PGS TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học – Công nghệ Hội Chăn nuôi Việt Nam, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được coi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lên 15-20%, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với nhập khẩu.
Làn sóng công nghệ cao…
Tại nước ta, công nghệ cao được áp dụng vào ngành chăn nuôi trong 5 năm trở lại đây, trong lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc xin thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường…
TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia cho rằng Viện đi đầu trong việc nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực chăn nuôi, nhằm góp phần cải tiến, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Có thể nói, Viện Chăn nuôi là một cơ sở chọn tạo giống vật nuôi hàng đầu của nước ta. Cùng với các phương pháp chọn tạo giống truyền thống, Viện đã làm chủ được các công nghệ chọn tạo giống hiện đại. Nhờ đó, Viện đã chọn lọc, lai tạo được hàng chục loại vật nuôi khác nhau với nhiều chủng loại dòng, giống, tổ hợp lai có năng suất và chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất. Cho đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp các giống vật nuôi tốt nhất đối với các doanh nghiệp, chủ trang trại và bà con nông dân trong cả nước.
Cùng với đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn là điểm sáng áp dụng công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, nên đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Đó là: Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hùng Vương, Công ty Cổ phần ĐTK, Công ty Ba Huân, Công ty Thái Dương, Tập đoàn Hùng Nhơn…
Kinh nghiệm của doanh nghiệp đã thành công
Theo các doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì chính sự bùng nổ của công nghệ 4.0 giúp cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam vươn xa.
Bà Thái Hương - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk triển khai dự án bò sữa TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) khẳng định, nhiều người cho rằng vùng đất nổi tiếng với gió Lào nắng nóng như Nghệ An khó có thể nuôi được bò sữa. Tuy nhiên, bà Thái Hương tin tưởng rằng “công nghệ cao chính là chìa khóa vàng cho nông nghiệp” và quyết định áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và nhiều nước tiên tiến khác để triển khai Dự án ở khu vực này. Tới nay, dự án đã đạt được thành công vang dội thì các quan điểm này mới thay đổi.
Từ kinh nghiệm của của tập đoàn TH, bà Thái Hương cho rằng điều căn bản là phải xây dựng và kiểm soát được quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến phân phối thị trường trong đó ứng dụng công nghệ vào các quá trình này là con đường phát triển nông nghiệp bền vững tất yếu.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, có nhiều khó khăn khi thực hiện dự án về chăn nuôi ông nghệ cao. Thứ nhất, đó là về quy trình kỹ thuật: để có thể áp dụng thành công công nghệ 4.0 chúng ta cần có quy trình kỹ thuật bài bản và phải đúng quy trình, phải dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ cao.
Thứ hai là về vốn, do nguồn vốn huy động lớn, do đó Tập đoàn Hùng Nhơn phải chia thành từng giai đoạn để thực hiện, ví dụ đầu tháng 3/2008, tập đoàn khánh thành đưa vào sử dụng 6 trang trại gà thịt, đến tháng 12/2009 khánh thành giai đoạn hai, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên gấp 3 lần, nâng tổng số trang trại lên con số 18, đến tháng 7/2017 chúng tôi đưa vào khai thác thêm 2 trang trại, tính đến thời điểm này Hùng Nhơn đang khai thác tổng cộng 20 trang trại gà thịt, 8 trang trại gà đẻ trứng, 8 trang trại heo sạch, quy mô gần 40 trang trại các loại.
Thứ 3 là về trình độ lao động, Hùng Nhơn kết hợp cùng các chuyên gia nước ngoài về công nghệ cao của tập đoàn Big Dutchman thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bộ phận quản lý vận hành. Và cái khó lớn nhất là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
“Chúng ta không thể đơn phương tự đi tìm giống đầu vào, tự tìm thức ăn chăn nuôi cho phù hợp, nuôi lớn rồi tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Cách đây hơn 10 năm tôi cũng nuôi mộng sản xuất thịt gà với số lượng lớn, thế là tôi tự tìm tòi, tự nghiên cứu con giống, tự đi mua thức ăn, có lúc đàn gà số lượng lên đến hơn ngàn con, tôi lại tự đi tìm đầu ra cho các lứa gà của mình. Đi tìm đầu ra đã khó, những lúc trái gió trở trời, gà bị dịch bệnh chết hàng loạt lại càng khiến tôi điêu đứng”, ông Hùng trăn trở.
Lúc này, câu hỏi lớn nhất trong đầu ông Hùng là làm thế nào để tìm được giống tốt để chống chọi với dịch bệnh, tìm được nguồn thức ăn đủ tiêu chuẩn, và tìm đầu ra ổn định.
Và rồi những câu hỏi tưởng chừng như không lời giải đáp, giờ đã có câu trả lời. Tôi quyết định tham gia vào mô hình liên kết xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao, bao gồm: Công ty Bel Gà (cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty San Hà và Công ty Koyu & Unitek (chế biến và giết mổ) cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thành công quan trọng bước đầu đó là việc xuất khẩu lô thịt gà thương phẩm đầu tiên sang thị trường khó tính như Nhật Bản vào ngày 9/9/2017 vừa qua. Sắp tới chắc chắn sẽ xuất khẩu tiếp thịt heo, trứng gà, và các loại gia cầm khác.
Công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị
Cũng theo PGS TS Nguyễn Văn Đức, việc tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng, thông qua liên kết từ hộ sản xuất con giống tới hộ chăn nuôi đàn thương phẩm, sẽ giúp chủ động về số lượng cũng như chất lượng con giống; từ hộ chăn nuôi với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi 7-9%, do không phải thông qua đại lý các cấp; từ hộ chăn nuôi đàn thương phẩm đến người tiêu dùng mà không phải qua khâu thương lái luôn ép giá sẽ giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi 8-15%. Khi các chuỗi liên kết được hình thành thì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá thông tin tuyên truyền về sản phẩm, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và làm tăng sức cạnh tranh.
ĐỨC PHÚC
Nguồn: Nhachannuoi.vn