Năm qua, mặc dù nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết thất thường nhưng ngành chăn nuôi của thành phố vẫn tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội luôn đứng top đầu cả nước cả về số lượng và chất lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 55% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố hiện có đàn trâu bò 164.200 con; lợn trên 1,6 triệu con; gia cầm 29 triệu con (trong đó gà 19,5 triệu con); đàn chó mèo 412.751 con.
Trên địa bàn thành phố hiện nay có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (1.048 thủ công, nhỏ lẻ; 15 bán công nghiệp; 07 cơ sở giết mổ công nghiêp) trong đó có 168 cơ sở có giấy phép kinh doanh.
Hiện tại TP Hà Nội hiện có 10 triệu dân học tập, sinh sống và làm việc, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc động vật. Trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội tiêu thụ được khoảng 800-900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại trong đó Thành phố Hà Nội đáp ứng được 60%, số còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và có nhập khẩu từ nước ngoài.
Năm vừa qua, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, năm vừa qua, ngành có 9 điểm nhấn lớn đó là: Ngăn chặn được dịch cúm H7N9; Đảm bảo an toàn dịch bệnh khi giá lợn xuống thấp; Khống chế dịch bệnh khi nắng nóng kỷ lục; Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; Công tác thanh tra, kiểm tra vận chuyển động vật được đẩy mạnh; Chi cục Thú y Hà Nội và các tỉnh lân cận có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có những chuyển biến; Chất lượng hoạt động của cho thú y cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Song, ông Sơn cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát Thành phố cũng có nhiều khó khăn. Đó là, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên chăn nuôi trong khu dân cư chiếm cao, khoảng 60%.
Trong năm 2017 giá lợn liên tục giảm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế, ý thức trách nhiệm tiêm phòng dịch bệnh của người dân giảm rõ rệt. Thời tiết diễn biến phực tạp, môi trường ô nhiễm tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh.
Từ ngày 1/7/2016, Luật Thú y được áp dụng đã dừng kiểm dịch nội tỉnh gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật.
Thời gian tới, dự báo, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp và bất lợi tới tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
Số lượng đàn bò tăng nhẹ do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng cao, do nguồn bò nhập về (chủ yếu là bò Úc) làm thực phẩm tăng nhất là dịp gần Tết, mùa lễ hội. Đàn lợn và gia cầm giảm do ảnh hưởng xuống giá quá thấp trong thời gian dài giúp người chăn nuôi có thêm kinh nghiệm tái đàn, không nhập ồ ạt tăng như trước đây. Nhu cầu tiêu thụ động vật có xuất xứ của người dân dần tăng lên do vậy yêu cầu đối với công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ ngày càng tăng. Việc phát triển chuỗi liên kết từ trang trại tới người tiêu dùng là nhu cầu tất yếu; Nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm rất cao, nhất là trên đàn lợn và đàn gia cầm do tình tình chăn nuôi chưa phát triển ổn định.
Do đó, phương hướng thời gian tới của ngành Thú y Hà Nội đó là: Tiếp tục tham mưu giúp sở NNN&PTNT Hà Nội, UBND thành phố các văn bản chỉ đạo, kịp thời; Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, lĩnh vực ATTP..; Tăng cường thanh tra kiểm tra và xử lí nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Pháp luật trong công tác chuyên môn; công tác phòng chống dịch bệnh...; Tăng cường truyền thông các gương, điển hình tốt cũng như chưa tốt trong thú y, an toàn thực phẩm góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hướng đến lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi
Tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng cục chăn nuôi cho rằng, ngành thú y năm 2018 cần có 3 nội dung lớn cần lưu ý đó là: 1, Chi cục nên tham mưu cho thành phố xây dựng hàng rào kỹ thuật nhập khẩu nội địa. Các loại thực phẩm vào thành phố đảm bảo an toàn cho người dân và chi cục có nguồn thu thêm. Đây cũng là tiền đề chuẩn bị cho xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. 2, Yếu nhất trong chuỗi chăn nuôi chính là khâu giết mổ và chế biến. Chúng ta nên chấm dứt chuyện vận chuyển thịt lợn trên đường mà không được che đậy. Cái đó rất phản cảm, mất vệ sinh và ảnh hưởng không tốt đối với hình ảnh của Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế; 3, Công tác an toàn thực phẩm hiện nay đang ở trạng thái nửa vời. Vì thế, người tiêu dùng đang còn nghi ngờ và sản phẩm chăn nuôi của chúng ta cũng chưa xuất khẩu được. Vì thế, việc xây dựng an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cũng như gắn với an toàn dịch bệnh là trọng tâm của ngành chăn nuôi...
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng Chi cục Thú y trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống. Đồng thời làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm. Kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng con giống để hạn chế dịch bệnh. Song song phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra để làm tốt công tác thú y tại các quận, huyện và nâng cao vai trò của các cấp quản lý, chính quyền. Liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để kiểm soát nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố để bảo đảm tốt công tác kiểm dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm.
TÂM AN
Nguồn: Nhachannuoi.vn