Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững thì công tác phòng chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Luật Thú y cũng đã quy định rất rõ việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm (chi tiết tại Thông tư 14 ngày 2/6/2016 của Bộ NN&PTNT).
Trang trại Chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh
Vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn là huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp quận huyện); tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.
Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn là cơ sở chăn nuôi hoặc một xã, một phường, thị trấn được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.
Thời gian qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, sự cố gắng nỗ lực của ngành chuyên môn và đồng thuận của người chăn nuôi công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn cả nước đã có những chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập Thế giới, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Kết quả từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh), bao gồm 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Một số tỉnh, thành có kết quả cao có số lượng cơ sở an toàn dịch bệnh lớn góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu (như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai …. ).
Riêng với thành phố Hà Nội, có đàn gia súc gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước, đến nay đã triển khai xây dựng được Vùng an toàn bệnh Dại tại 04 quận nội thành (Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình); duy trì 38 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn (04 cơ sở chăn nuôi bò, 20 cơ sở chăn nuôi lợn, 11 cơ sở nuôi gà và 02 cơ sở nuôi vịt).
Lợi ích của việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Khi xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh sẽ tạo thuận lợi trong công tác kiểm dịch vận chuyển khi xuất bán, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch, đây là lợi thế rất lớn khi mà diễn biến dịch bệnh động vật hiên nay đang phức tạp. Được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGahp), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh của trại (với tất cả các bệnh), cải tiến và nâng cao việc quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết tử chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phâm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệụ.
Những khó khăn tồn tại, bất cập…
Khi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc gia cầm, thì trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, nhất là các vùng sâu vùng xa việc theo dõi giám sát lưu hành vi khuẩn vi rút gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát. Công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc gia cầm trong chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, không có chuồng nhốt.
Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở mỏng, nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trại chăn nuôi còn nằm ngoài vùng quy hoạch, gần khu dân cư. Các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường trong chăn nuôi, nhiều vùng, khu chăn nuôi còn bị ô nhiễm rất khó khăn trong quản lý dịch bệnh.
Hiện nay chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh, thành đã nhiều chuyển biến nhưng thị trường tiêu thụ chỉ phục vụ trong nước là chủ yếu, thị trường xuất khẩu chưa được nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về giao thông, địa lý trong xu thế hội nhập. Đến nay phần lớn chỉ có các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch, các trại tư nhân chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở an toàn dịch, sản phẩm tham gia vào chuỗi chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường.
Về kinh phí, do phải bố trí kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm đối với các loại bệnh khi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch nên các tỉnh, thành phố chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Mặt khác việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh không thuộc tiêu chí bắt buộc đối với cơ sở nên chưa khuyến khích được tổ chức, cá nhân thực hiện. Do kinh phí xét nghiệm hàng năm đối với cơ sở an toàn dịch (nhất là các trang trại lớn) còn cao để duy trì hoạt động nên nhiều cơ sở, trang trại đã không duy trì khi không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các cơ sở còn phải thực hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận điều kiện chăn nuôi, đồng nghĩa với việc thực hiện cả hai loại thủ tục hành chính về điều kiện chăn nuôi và an toàn dịch bệnh.
Về định hướng thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh (giai đoạn 2022 – 2030). Tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE (tổ chức Thú y Thế giới) tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.
Về giải pháp
Xác định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch, xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 14/2016/TT- BNNPTNT (ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch, bảo đảm phù hợp, sát thực tế để hướng đến xuất khẩu, đặc biệt về các cơ chế chính sách để đảm bảo kinh phí hoạt động hiệu quả. Tập huấn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thông tin truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn dịch bệnh tạo nhận thức chung của cộng đồng.
Tăng cường quản lý chăn nuôi trong vùng bảo đảm an toàn dịch bệnh và giai đoạn đầu chủ động phòng bệnh bằng vắc xin. Tổ chức chủ động giám sát chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại các vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát vận động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng an toàn dịch bệnh; đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt các trường hợp vận chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; kịp thời phát hiện động vật được vận chuyển từ bên ngoài vào vùng an toàn dịch bệnh để giết mổ, tiêu thụ. Tổ chức thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; có kế hoạch dự phòng để ứng phó trong trường hợp phát hiện mầm bệnh, động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Tiêm phòng cho gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Duy trì hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực thú y các cấp để bảo đảm tổ chức xây dựng thành công, quản lý và duy trì có hiệu quả vùng an toàn dịch bệnh. Thực hiện tốt việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đàm phán, thống nhất thỏa thuận thú y với các nước để thúc đẩy xuất khẩu động vât, sản phẩm động vật. Nâng cao quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa người và động vật đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo để tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình điển hình.
Chắc chắn với những giải pháp trên được các cấp các ngành quan tâm, các tổ chức, cá nhân tham gia chăn nuôi đồng thuận, việc xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc gia cầm tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới./.
Nguyễn Ngọc Sơn
Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội