Vai trò của giống trong sự phát triển bền vững (P1)

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Vai trò của giống trong sự phát triển bền vững (P1)
Ngày đăng bài - 8/25/2020 12:00:00 AM
Vai trò của giống trong sự phát triển bền vững (P1)

Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi ở nước ta cũng tăng khá nhanh. Các giống bản địa được đầu tư và khai thác tốt hơn, các giống ngoại cũng được du nhập nhiều hơn, đồng thời các giống lai cũng phát triển nhanh hơn, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, có giá trị cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc tăng dần qui mô chăn nuôi ở các nông hộ và việc mở rộng các mô hình chăn nuôi qui mô lớn-tập trung-hiện đại đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách về công tác giống, quản lý giống, khai thác và phát triển nguồn giống vật nuôi ở nước ta.  

 

Công tác giống vật nuôi

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng cao về nguồn giống vật nuôi bản địa, nguồn giống vật nuôi ngoại nhập và các giống lai.

 

Đối với giống vật nuôi bản địa

 

Mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen nhưng hầu hết không đạt hiệu quả cao, không duy trì được lâu và khó triển khai thực tế trên diện rộng sau khi kết thúc, ngoại trừ chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia.

 

Gần đây, nhiều đề tài/dự án nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa như bò H’Mông, bò U Đầu rìu, trâu Bảo Yên, trâu Lang Biang, cừu Phan Rang, ngựa Bạch, hươu Sao, gà Mía, gà Móng, gà Kiến, gà Lạc Thủy, gà Hắc Phong, gà Tò, gà Đông Tảo, gà Liên Minh, gà Tàu Vàng, vịt Sín Chéng, vịt Cổ Lũng, vịt Kỳ Lừa, vịt Bầu Bến, vịt Đốm, vịt Mốc, lợn Móng Cái, lợn Mán, lợn Ỉ, lợn Mường Khương, lợn Sóc, lợn Hung, lợn Hương,… thuộc chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia đã được phê duyệt và thực hiện ở nhiều cấp khác nhau và bước đầu đã thu được những thành công nhất định. Một số giống đã được đưa vào giống gốc để khai thác, phát triển trong sản xuất.

 

Có thể thấy hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung xoay quanh các vấn đề cơ bản như điều tra, ghi nhận năng suất, đa dạng di truyền, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, xây dựng mô hình,… và gần đây có thêm một số giải pháp về quảng bá sản phẩm.

 

Heo giống tại Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam

 

Song, trong chương trình nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển vật nuôi vẫn còn bộc lộ những điểm cần được xem xét: (i) Việc xác định đối tượng bảo tồn còn dàn trải và lan man, và (i) Việc đầu tư và thực hiện nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn (có thể do giới hạn về tầm nhìn, chuyên môn và kinh phí nên dường như các công trình nghiên cứu có sự tương đồng về nội dung, hạn hẹp về chiều sâu, chưa cao về hàn lâm, chưa làm nổi bật được giá trị thương mại hóa sản phẩm), theo thời gian chìm dần vào quên lãng, gây lãng phí thời gian và ngân sách, thậm chí có những đối tượng bảo tồn cũng dần mất đi về số lượng và giảm về chất lượng.

 

Thực tế, trong nghiên cứu về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi, có nhiều công trình được cấp kinh phí khá lớn nhưng kết quả thu được còn nghèo nàn và sơ sài. Điều này có thể là do hai nguyên nhân cơ bản: (i) Kinh phí nghiên cứu được cấp tuy tăng đáng kể trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn hạn hẹp so với các nước phát triển (một nghiên cứu vài tỷ đồng thì chỉ đủ chi trả lương cho giáo sư và đội ngũ nghiên cứu ở các Viện/Trường nước ngoài), và (ii) Chi phí chi ngoài khoa học nhiều hơn chi phí chi cho khoa học. Vì vậy, khoa học có lúc dường như manh mún, nhỏ lẻ. Nếu thế thì sản xuất cũng khó đạt đến mức độ qui mô và chuyên nghiệp hơn.

 

Thực vậy, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi, những mâu thuẫn, trở ngại cũng đã bộc lộ dần… Để công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, cần xem xét lại nội dung, phương thức tiến hành,… (Lê Viết Ly, 2015). Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển giống vật nuôi bản địa trong thời gian tới cần phải được tổ chức bài bản hơn, khoa học hơn, có chiều sâu và qui mô hơn để khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm vật nuôi Việt Nam so với các giống vật nuôi và lai ngoại nhập.

 

Đối với các giống vật nuôi ngoại nhập

 

Trong những thập kỷ qua, điểm lại Việt Nam đã nhập khẩu khá nhiều giống/dòng vật nuôi (giống cao sản để phục vụ sản xuất thực phẩm hàng hóa, nhiều giống dùng làm thú tiêu khiển…). Việc nhập khẩu có thể được kiểm soát (đường chính ngạch) hoặc không được kiểm soát (đường không chính ngạch).

Song, sau khi nhập về, nguồn gen quý đó chưa được quản lý, khai thác và sử dụng đúng khoa học: có nơi chỉ biết nhân giống mà không đánh giá/chọn lọc những tổ hợp gen thích hợp với điều kiện chăn nuôi Việt Nam, thậm chí cả những cá thể không thích ứng được với môi trường nhưng vẫn không được nhận diện và loại thải khỏi đàn giống.

 

 Thậm chí có những cơ sở chăn nuôi vì mục đích thương mại đã cho lai với các giống vật nuôi bản địa hoặc giống ngoại nhập khác,… sau đó tự công bố chất lượng, tự quảng bá và tự kinh doanh theo phương thức truyền thống/web/mạng xã hội,… Từ những việc làm thiếu khoa học đó đã gây nên những xáo trộn và thiệt hại to lớn cho ngành chăn nuôi nước ta. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thấu đáo.

 

Có thể thấy rõ, công tác quản lý cơ sở sản xuất con giống chưa được chặt chẽ ở cấp độ quốc gia/vùng. Cơ quan chức năng dường như không nắm được thực lực/năng lực/sức chiến đấu của hệ thống giống (kể cả nguồn giống chính ngạch) ở từng giai đoạn/thời điểm cụ thể và rồi có khuynh hướng phỏng đoán hay ước lượng/ước tính mỗi khi chăn nuôi vỡ trận. Việc nhập giống có nguồn gốc khác nhau đã làm tăng nhanh tốc độ cải tiến di truyền, nâng cao năng suất và làm đa dạng hơn nguồn gen vật nuôi ở nước ta, tuy nhiên điều này có thể sinh ra nhiều bệnh mới và có nguy cơ mất dần nguồn gen vật nuôi bản địa do việc lai tạo không được kiểm soát tốt.

 

Đối với các giống vật nuôi ngoại nhập lai

 

Việc lai tạo để tạo ra các giống/dòng mới nhằm khai thác tối đa ưu thế lai đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng giá trị thương mại có thể dẫn đến mất đi nguồn gen quý và mất đi một số giống gốc trong tương lai, trong khi công tác nghiên cứu bảo tồn nguồn gen vừa được triển khai trong thời gian qua thật sự chưa có chiều sâu và chưa đảm bảo tính bền vững của giống bản địa thuần chủng.

 

Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu của các nhà khoa học trong thời gian tới bởi nguồn gốc xuất xứ của vật nuôi thí nghiệm là không rõ ràng, sai số đầu tiên trong thí nghiệm là do giống không chuẩn chứ không phải là do tác động của các yếu tố chính trong bố trí thí nghiệm, đặc biệt là yếu tố dinh dưỡng, một mãng lớn không thể thiếu trong nghiên cứu và sản xuất chăn nuôi. Điều đó dễ dẫn đến sai lệch kết quả thí nghiệm mà bản thân nhà khoa học không thể điều chỉnh/tiên đoán/kết luận chính xác kết quả nghiên cứu của chính mình. Hệ lụy là kết quả nghiên cứu khó có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Ví dụ: bò lai Sind, bao nhiêu % máu Sind? Nên giữ bao nhiêu % bò Sind? Nên sử dụng dòng nào?.

 

Quản lý giống vật nuôi

 

Mặc dù trong thời gian qua (i) các công ty chăn nuôi lớn đã bắt đầu chú trọng đến công tác quản lý giống (tự trang bị hệ thống phần mềm, kết nối với cơ sở cung cấp giống gốc ngoài nước,…), (ii) Nghị định về quản lý giống đã được ban hành và cơ sở sản xuất giống phải đăng ký đã có hiệu lực, (iii) Cục Chăn nuôi cũng đã triển khai phần mềm quản lý giống (VD: VietPig) ở cấp độ quốc gia…, nhưng công tác quản lý giống vẫn chưa đi vào nề nếp.

 

Việc khai thác nguồn gen giống vật nuôi bản địa (thường được nuôi ở qui mô vừa và nhỏ nên khó quản lý), nguồn gen giống vật nuôi ngoại nhập (do các công ty kiểm soát) và nguồn gen giống vật nuôi lai (nội và ngoại lai) một cách tùy tiện, làm cho công tác quản lý giống ở cấp độ vĩ mô ngày càng đặt ra nhiều thách thức hơn. Thực tế trong nhiều năm qua, công tác quản lý giống còn nhiều chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, đôi lúc việc quá tải đối với cơ quan này nhưng lại thiếu với cơ quan khác, đặc biệt là giữa cơ quan quản lý nhà nước với các Hội và Hiệp hội.

 

Khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi

 

Tác giả Đỗ Võ Anh Khoa trong một lần đi thực tế

 

Công tác bảo tồn luôn đi đôi với công tác khai thác và phát triển nguồn gen. Điều này cũng đã được thực hiện trong nhiều chương trình/đề tài/dự án ở nhiều loài vật nuôi bản địa trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc nhận diện các nguồn gen quý, cộng với việc quản lý, bảo tồn và khai thác nguồn gen các giống vật nuôi ngoại nhập chưa được quan tâm đúng mức.

 

Vì vậy sau một thời gian khai thác nhất định, các giống vật nuôi dường như bị lạc hậu/thoái hóa, và rồi chúng ta lại loay hoay với việc nhập giống/dòng mới. Điều này có thể là do (i) thời gian qua chúng ta chỉ tập trung với việc chọn tạo theo phương pháp truyền thống và tận dụng ưu điểm của ưu thế lai, (ii) công tác quản lý, khai thác chưa tốt, còn lơ là ở các cơ sở/cá nhân trực tiếp quản lý trong khi công tác giống cần sự chuyên cần, kiên trì, tỉ mỉ cũng như chuyên môn và chuyên nghiệp cao, (iii) các giải pháp về công nghệ giống gần đây có nhiều bước tiến nhanh và vượt bậc nhưng chưa được cập nhật tốt.

 

Việc chọn tạo giống/dòng vật nuôi mới giờ đây cần ít thời gian hơn, cung cấp nhanh cho thị trường các giống vật nuôi cao sản/có giá trị thương mại ngày một cao hơn. Vì thế, tính năng sản xuất của các giống/dòng vật nuôi được nhập trước đó sẽ nhanh lạc hậu, sự thoái hóa giống sau một thời gian nhập khẩu là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, hiện nay (i) các cơ sở nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen dường như chưa được đầu tư bài bản/đúng mức, (ii) các công nghệ mới trong chọn tạo giống như công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ phôi,…chưa nắm chắc, chưa sở hữu và chưa được áp dụng rộng rãi, lắm lúc còn nhiều tranh cãi/hoài nghi giữa các nhà khoa học mặc dù các quốc gia tiên tiến đã áp dụng khá lâu, và đã cung cấp cho ra thị trường những sản phẩm có giá trị thương mại cao.

 

Thực tế chúng ta cũng đã du nhập những giống vật nuôi mới có tích hợp những công nghệ này với giá đắt đỏ. Thực vậy, công nghệ giống đã nâng lên một tầm cao mới và không ngừng thay đổi, cải tiến các tính trạng kinh tế phù hợp với môi trường nuôi dưỡng, đặc điểm thị trường,… Trong cùng một giống, các dòng khác nhau sẽ gợi ý cho nhà sản xuất những tính trạng ưu việt khác nhau bởi việc tích hợp tất cả các tính trạng ưu việt trong cùng một giống/dòng là điều không thể, đặc biệt là giữa các nhóm tính trạng năng suất, chất lượng và kháng bệnh/sức khỏe.

 

Nếu như trước đây giống vật nuôi ở cấp độ cụ kỵ/ông bà có thể được khai thác qua nhiều thế hệ thì giờ đây phải dừng lại ở một thời điểm sớm hơn do những dòng vật nuôi mới liên tục được nâng cấp. Thị trường giờ đây đã phân định rõ giá trị thương mại của cấp độ giống, nhưng chúng ta vẫn còn loay hoay với công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống bản địa và vẫn chưa thấy đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu này.

 

Hiện nay, đa số các nông hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, trong đó cũng có nhiều trang trại chăn nuôi lớn phải sử dụng giống ở cấp độ bố mẹ và phải liên tục nhập giống thay đàn bởi việc giữ lại đời con sẽ không hiệu quả do sự phân ly tính trạng và sự giảm sút năng suất được thể hiện rõ nét, đặc biệt là nhóm tính trạng về hình thái.

 

PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ,

Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học & Công nghệ Tây Nam (SWUST, Tứ Xuyên, Trung Quốc).

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức

Nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền – Giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi,

Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập