Nhiều hộ ở Trạm Tấu chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao
Trạm Tấu xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016 - 2020. Ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện; xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tiến hành rà soát các hộ, nhóm hộ tham gia thực hiện và triển khai các nội dung hỗ trợ theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện xác định tái cơ cấu nông nghiệp trên 2 lĩnh vực chính là trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cây, con giống và giá trị sản phẩm”.
Những kết quả thực hiện Đề án trong năm 2016 và 10 tháng năm 2017, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lương thực là minh chứng rõ nhất. Năm 2017, toàn huyện gieo trồng 6.642 ha cây lương thực, tổng sản lượng lương thực dự ước đạt 22.600 tấn. Huyện đã hình thành vùng sản xuất ngô hàng hóa tại các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo các xã vận động và hướng dẫn hàng nghìn lượt hộ chăn nuôi dự trữ rơm khô cho gia súc, 83% số hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại nuôi nhốt, hạn chế tình trạng chăn nuôi gia súc thiếu kiểm soát. Duy trì và mở rộng diện tích trồng cỏ lên 282 ha bằng giống cỏ VA06 để phục vụ chăn nuôi tại các xã trong huyện.
Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện định kỳ 2 lần/năm. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành mô hình hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên (206 hộ chăn nuôi quy mô từ 10 - 19 con và 23 hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con trở lên).
Qua triển khai cho thấy, việc thực hiện Đề án trên địa bàn huyện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các sở, ngành trong tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các đồng chí lãnh đạo huyện và các ngành chuyên môn, sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của người dân địa phương. Trong chăn nuôi, huyện đã triển khai thực hiện 49 mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ 875 triệu đồng.
Trong đó, có 35 mô hình chăn nuôi 10 con trâu, bò trở lên; 8 mô hình chăn nuôi 30 con trâu, bò trở lên; 5 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên và 1 hộ chăn nuôi dê ở xã Xà Hồ quy mô 100 con trở lên. Đề án Phát triển cây sơn tra đã thực hiện trồng 858 ha, hiện đang chỉ đạo trồng tiếp 400 ha theo kế hoạch năm 2017. Đề án Phát triển chè Shan vùng cao, nhân dân trong huyện đã trồng 28 ha, diện tích còn lại nhân dân đang tiếp nhận cây giống để trồng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.
Tuy nhiên, thực hiện Đề án trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn bởi theo Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 24/1/2017 của UBND tỉnh, các mô hình chăn nuôi phải thực hiện mua mới con giống 100% trong năm 2017 nên nhiều hộ dân gặp khó khăn về kinh phí khi tham gia thực hiện mô hình. Đối với phát triển chè Shan vùng cao, Đề án không hỗ trợ phân bón, do vậy, các hộ nghèo đăng ký trồng chè không chủ động được phân bón để bón lót, chăm sóc.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Thành Hưng kiến nghị: "Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án trên địa bàn huyện những năm tiếp theo, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan điều chỉnh Đề án chăn nuôi năm 2017 cho phù hợp với tình hình của địa phương, theo đó nên quy định hỗ trợ cho các hộ có 10 con trâu, bò (hoặc nhóm hộ có 30 con trâu, bò) nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào tham gia thực hiện Đề án; hỗ trợ thêm kinh phí cho phần chăm sóc cây sơn tra từ năm 2 - 3 trở đi để thúc đẩy sinh trưởng phát triển của cây; bổ sung kế hoạch hỗ trợ phân bón cho diện tích trồng chè Shan (lồng ghép kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 30a hoặc 135) vì theo Đề án Phát triển chè Shan vùng cao hiện nay chỉ hỗ trợ cây giống, chưa được hỗ trợ phân bón”.
Nguồn: Báo Yên Bái