Bản tin Chăn nuôi Việt Nam tuần từ 20-27/4/2021

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Bản tin Chăn nuôi Việt Nam tuần từ 20-27/4/2021
Ngày đăng bài - 5/4/2021 12:00:00 AM
Bản tin Chăn nuôi Việt Nam tuần từ 20-27/4/2021

Những điểm nổi bật

+ Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng, tối thiểu từ 500-1000 đồng/kg

+ Giống và sản lượng thức ăn giảm mạnh, dự báo giá sản phẩm gia cầm tăng cao từ tháng 5-7/2021.

+ Mật ong Việt Nam đứng trước nguy cơ điều tra chống bán phá giá

 

I. TIN BỘ/NGÀNH

 

Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”

Ngày 26/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

 

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp tác động bao trùm các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhiều nước đưa ra chính sách đóng cửa đã ảnh hưởng đến vận chuyển và hoạt động cảng biển, thiếu hụt nguồn hàng cục bộ. Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi, như viêm da nổi cục trâu, bò… gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao ngày càng gia tăng chi phí đầu vào của sản xuất ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến hoạt động chăn nuôi: các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm rét hại có thể sẽ xảy ra thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Toán cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá và cạnh tranh cả về chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam tron giai đoạn tới.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi; đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi và hướng dẫn các địa phương triển khai thi hành Luật Chăn nuôi. Ông Dương cũng đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 phù hợp với khung Chiến lược chăn nuôi toàn ngành và định hướng kinh tế - xã hội của từng địa phương, thời gian hoàn thành trong quý II/2021.

 

Đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương, khối tư nhân… các địa phương chủ động xây dựng chương trình/nhiệm vụ cụ thể dự kiến nhằm thực hiện các nội dung trong Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức tiến nhấn mạnh, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành nông nghiệp. Trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu,... đòi hỏi hai lĩnh vực này cần phân tích tình hình, triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi hiện đang ở quy mô nhỏ lẻ nhưng diễn biến rất khó lường, dịch cúm H5N6 tác động đến chăn nuôi gia cầm… nếu không có các giải pháp kịp thời chăn nuôi sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cần phải xử lý các vấn đề lớn như: dịch bệnh, tác động của thời tiết khí hậu để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng các lĩnh vực nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung./.

 

Cục Chăn nuôi: Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng, tối thiểu từ 500-1000 đồng/kg

Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong Quý II/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1000 đồng/kg), tùy loại để đạt được mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại, khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức 11,000-11.300 đồng/kg và đây là mức giá đã được thiết lập vào năm 2014.


Giai đoạn từ năm 2015 đến Quý III/2020 nhìn chung giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Giá các loại nguyên liệu chính của TACN bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30-35%, tuy nhiên giá TACN thành phẩm chỉ bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 12/2020 (do giai đoạn này các doanh nghiệp đang còn nguồn nguyên liệu dự trữ với giá thấp) và tăng dần đến thời điểm hiện nay. Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá TACN thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đ/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đ/kg, tùy từng loại).

Giá một số nguyên liệu TACN trong Quý IV/2020 tăng so với Quý I/2020, cụ thể: ngô hạt 6.126 đ/kg (tăng 9,2%), khô dầu đậu tương 11.190 đ/kg (tăng 25,2%), DDGS 7.135 đ/kg (tăng 26,7%). Tuy nhiên giá TACN thành phẩm năm 2020 được duy trì ổn định, so với Quý I/2020, giá TACN thành phẩm trong Quý IV/2020 chỉ tăng nhẹ từ 0,2-0,8%.

 

Trong Quý I/2021 giá nguyên liệu TACN tiếp tục tăng, cụ thể: ngô hạt 7.371 đ/kg, tăng 20,3%; khô dầu đậu tương 13.533 đ/kg, tăng 12,9%; DDGS 8.700 đ/kg, tăng 21,9% so với giá bình quân Quý IV/2020… Sau khi đạt mức cao nhất vào giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay, giá nguyên liệu TACN đã giảm nhẹ vào cuối tháng 3 và duy trì đến đầu tháng 4. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây (20-23/4), giá một số nguyên liệu như ngô, DDGS, lúa mì có xu hướng tăng nhanh do những lo ngại từ việc nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng cao cũng như tình trạng hạn hán tại Braxin có thể ảnh hưởng đến sản lượng ngô của nước này.

 

Giá TACN thành phẩm trong Quý I/2021 tăng so với Quý IV/2020, cụ thể: TAHH cho lợn thịt từ 60kg trở lên 10.357 đ/kg (tăng 10,4%), TAHH cho gà thịt lông màu 10.601 đ/kg (tăng 11,0%), TAHH cho gà thịt lông trắng 10.702 đ/kg (tăng 7,5%). Trong tháng 4/2021, giá TACN thành phẩm tiếp tục tăng 2,7-3,3% so với Quý I/2021 (Chi tiết theo Bảng 6 phụ lục đính kèm).

 

Trong sản xuất TACN công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương… chiếm khoảng 10-15%. Theo mặt bằng hiện nay, chỉ tính riêng chi phí nguyên liệu cho TAHH hoàn chỉnh lợn bình quân là 8.894đ/kg; TAHH hoàn chỉnh của gà màu bình quân là 9.757đ/kg; TAHH hoàn chỉnh của gà trắng bình quân là 10.050đ/kg; Các chi phí vận hành sản xuất, kinh doanh, bao bì, lương khoảng 2.500-3.000 đồng/kg.

 

Dẫn đến giá thành thực tế bán ra TAHH hoàn chỉnh của lợn giai đoạn vỗ béo  là khoảng 11.000đ/kg, TAHH hoàn chỉnh của gà màu nuôi thịt là khoảng 12.100đ/kg,  TAHH hoàn chỉnh của gà trắng nuôi thịt là 12.500đ/kg.

 

 

Mật ong Việt Nam đứng trước nguy cơ điều tra chống bán phá giá

 

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brasil, Ấn Độ, Ukraina và Việt Nam.

 

Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), nguyên đơn là Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux. Hàng hóa sẽ trong diện bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của Hoa Kỳ.

 

Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất là từ 1/10/2020 đến 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2018.

 

Theo số liệu của hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 50.700 tấn trong năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ.

 

Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp PVTM và có thể là vụ việc điều tra PVTM thứ ba trên thế giới sau vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Trung Quốc và vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mật ong Argentina năm 2001.

 

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với Bộ NN&PTNT, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra.

 

Theo quy định của Hoa Kỳ, DOC sẽ xem xét khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021). Theo thông lệ, DOC sẽ gửi bản câu hỏi lượng và giá trị (quantity and value questionnaire - Q&V) cùng ngày với thông báo khởi xướng vụ việc. Các doanh nghiệp sẽ có khoảng 14 ngày để hoàn thành bản câu hỏi Q&V. Việc trả lời bản câu hỏi Q&V là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.

 

II. CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

 


1. Giá cả thị trường trong nước

 

Giống và sản lượng thức ăn giảm mạnh, dự báo giá sản phẩm gia cầm tăng cao từ tháng 5-7/2021

 

Dự báo giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và tăng cao vào thời điểm từ tháng 5-7/2021, do nguồn cung thiếu, vì lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong Quý I/2021 của các loại gia cầm cho thịt giảm tới gần 50% so với Quý IV/2020, lượng thức ăn gia cầm giảm khoảng 40%.

 

Cũng theo Cục Chăn nuôi, ứớc tính Quý I/2021 đàn gia cầm tương đương cuối năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 420 nghìn tấn, tăng 5,2%, trứng ước đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Trong Quý I vừa qua, trong khi giá gà giống tại miền Bắc và miền Trung giảm từ 12% đến 20% (đao động 5.500đ-6.400đ/con) thì gà con giống ở miền Nam lại tăng từ 21-40% (dao động 5.500-6.400 đồng/con);

 

Nhóm gà giống siêu thịt: giá con giống miền Bắc giảm 6,3% thì tại Miền Nam, giá gà con giống tăng trung bình 20%;Giá gà thịt tăng 28,5% tại miền Bắc, 10,4% tại miền Trung và 5,5% tại phía Nam.

 

Giá các sản phẩm vịt cũng nhích dần lên dần, trong đó giá vịt Super M tăng trung bình từ 15-20%. Riêng giá các sản phẩm thuộc nhóm gia cầm cho trứng vẫn ở mức rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại (giá dao động 1.200-1.500đ/quả).

 

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, cần rà soát, điều chỉnh quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thị trường, giá sản phẩm gia cầm và thu nhập của người chăn nuôi. Tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược, với quy mô: năm 2021 tổng đàn gia cầm đạt 512,9 triệu con (trong đó đàn gà là 410,7 triệu con), sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 14,7 tỷ quả. 

 

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm trong sản xuất, nhất là việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, lý lịch con giống và điều kiện các cơ sở chăn nuôi giống, ấp nở trứng gia cầm. Cần nhân thuần, chọn lọc nâng cao, cải tiến năng suất, chất lượng giống gà, giống vịt bản địa có nguồn gen quý, hiếm làm nguyên liệu lai tạo với các giống siêu trứng, siêu thịt cao sản; nhập nội bổ sung giống gốc giống gia cầm cao sản phục vụ nhu cầu sản xuất giống và lai tạo giống;

 

 Cục cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho từng vùng sản xuất, phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường; Phổ biến rộng rãi các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm, nhất là với chăn nuôi gia cầm thả vườn, các đàn thủy cẩm thả ruộng đảm bảo bền vững về môi trường, an toàn vệ sinh thú ý, ATTP.  Chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt gia cầm theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 15-20 chuỗi sản xuất liên kết lớn về thịt và 10-15 chuỗi trứng gia cầm. Cùng với đó, cần thiết phải xây dựng mặt hàng thịt và trứng gia cầm là sản phẩm quốc gia.

 

 

2. Tình hình chăn nuôi thế giới

 

Hàn Quốc sẽ nhập thêm trứng trong tháng 4 để bình ổn giá

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, nước này có kế hoạch nhập khẩu 40 triệu quả trứng trong tháng 4, tăng so với mức nhập khẩu dự kiến ​​ban đầu là 25 triệu quả.

 

Bộ cho biết sẽ thúc đẩy nhập khẩu trứng vào cả tháng tới và thực hiện các biện pháp sẵn có để hạn chế giá trứng tăng mạnh trong bối cảnh áp lực lạm phát chung đang gia tăng.

 

Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 64 triệu quả trứng kể từ cuối tháng 1 với nỗ lực giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

 

Giá trứng tăng trong những tháng gần đây do dịch cúm gia cầm đã hoành hành trong các trang trại chăn nuôi gà trên toàn quốc kể từ tháng 11 năm ngoái.

 

Theo cơ quan thống kê, Quý I ghi nhận số lượng gà đẻ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua do việc tiêu hủy gia cầm diện rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm gia cầm.

 

Giá trứng đã phần nào chững lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2 do nhập khẩu trứng tăng, nhưng vẫn cao hơn 38% so với mức trung bình của một năm.

 

Nước này đã tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trứng nhập khẩu vào ngày 28 tháng 1 nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung do dịch cúm gia cầm bùng phát.

 

Các công ty địa phương được phép nhập khẩu tổng cộng 50.000 tấn trứng tươi và bảy loại sản phẩm trứng khác mà không phải chịu thuế cho đến ngày 30/6.

 

Giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong 14 tháng, do giá nông sản và dầu cao hơn. Mức giá này đang chịu áp lực tăng do nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi.

 

Trung Quốc: Bắt đầu từ tháng 5, phân chia thành 5 khu vực để hạn chế ASF

Trung Quốc được chia thành 5 khu vực nhằm  kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác. Ảnh Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc 

 

 

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết từ tháng 5, đất nước sẽ được chia thành 5 khu vực và nghiêm cấm việc vận chuyển lợn sống qua biên giới giữa các khu vực được phân khu này. Động thái này sẽ đẩy giá thịt lợn xuống tại các khu vực sản xuất chính ở miền Bắc và làm tăng giá thịt lợn tại các vùng có nhu cầu cao ở miền Nam. Nếu các biện pháp kiểm soát được duy trì trong thời gian dài, các công ty sẽ buộc phải mở thêm các trang trại chăn nuôi lợn tại vùng có nhu cầu tiêu thụ cao.

 

Năm 2018, ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề bởi Dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù quy mô đàn đã dần hồi phục, nhưng gần đây do dịch tái bùng phát đã đẩy việc nhập khẩu thịt lợn lên mức kỷ lục vào tháng trước. Tuy nhiên, do tăng nguồn cung trong nước nên giá đã được hạ nhiệt. Theo số liệu của Sở giao dịch hàng hóa Dalian, lợn là nguồn cung cấp protein rất quan trọng ở Trung Quốc. Thị trường thịt lợn đạt doanh thu khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (308 tỷ USD) mỗi năm.

 

Theo ông Lin: “Một số khu vực từng được gọi là vùng không có lợn hoặc thành phố không có lợn sẽ phải xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, việc vận chuyển thịt đông lạnh thay vì thịt lợn sống sẽ được khuyến khích, điều này sẽ dẫn đến việc mở rộng chuỗi cung cấp thịt đông lạnh”

 

Đông Bắc Trung Quốc là khu vực sản xuất lợn hàng đầu do có nguồn cung ngô dồi dào và khả năng tiếp cận đất đai tương đối dễ dàng. Ngoài ra, khu vực Tây Bắc Tân Cương cũng được xác định là khu vực có thể mở rộng sản xuất thịt lợn.

 

 

Theo Wang Zhong, cố vấn trưởng của Công ty tư vấn hệ thống, chiến lược & kỹ năng mềm cho biết, các biện pháp kiểm soát trong thời gian ngắn sẽ làm giảm giá thịt lợn ở miền Bắc và đẩy giá thịt lợn lên ở miền Nam. Các biện pháp này cũng được kì vọng sẽ thúc đẩy các công ty chăn nuôi lớn như New Hope Liuhe Co. và Wens Foodstuff Group Co. xây dựng thêm các trang trại lợn ở phía nam và mở rộng cơ sở giết mổ ở phía đông bắc và tây bắc.

 

Bộ Nông nghiệp cho biết,các quy định mới này cũng tương tự như các hệ thống được phát triển và áp dụng thành công trong việc kiểm soát và loại bỏ dịch tả lợn châu Phi ở Brazil và Tây Ban Nha. Theo cơ quan này, vi rút dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đang hoành hành rộng rãi và khó bị tiêu diệt trong thời gian ngắn, do đó các biện pháp kiểm soát khu vực là một lựa chọn không thể tránh khỏi.

 

 

III.TIN ĐỊA PHƯƠNG

 

Lào Cai: Tiêu hủy 375 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến hết ngày 28/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 82 hộ thuộc 21 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn trên địa bàn 4 huyện, thành phố.

Cụ thể, từ ngày 25/2 – 28/4, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã xảy tại các xã, thị trấn: Tả Phời (thành phố Lào Cai); thị trấn Khánh Yên, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Nậm Xây (Văn Bàn); xã Việt Tiến, Bảo Hà, Xuân Thượng (Bảo Yên); xã Tung Chung Phố (Mường Khương). Bệnh dịch làm 375 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy (61 con lợn nái, lợn đực; 314 con lợn thịt, lợn con) với khối lượng 12.812 kg.

 

Nguyên nhân dịch bệnh tái phát là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly, an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình.

 

Để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, không để lây nhiễm trên diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; tiến hành chôn huỷ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh, tổ chức khử trùng tiêu độc môi trường, xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; các hộ chăn nuôi cần áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng theo quy định.

 

 

Đắk Nông: Cư Jút phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững

 

Huyện Cư Jút hiện có đàn gia súc, gia cầm trên 528.800 con. Giá trị chăn nuôi chiếm 22% trong tổng giá trị toàn ngành Nông nghiệp địa phương. Huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, bền vững.

 

Để bảo đảm an toàn đối với đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp huyện luôn coi trọng biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên động vật. Trong đó, huyện lấy phòng bệnh làm chính và chống dịch theo phương châm "nhanh chóng, triệt để".

 

Cụ thể, huyện đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin thông thường cho đàn gia súc, gia cầm; thường xuyên tiêu độc khử trùng, lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Chỉ riêng năm 2020, lực lượng chuyên môn của huyện đã tiêm 7.800 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 3.000 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; gần 4.600 liều vắc xin phòng dịch tả và tụ huyết trùng cho đàn heo…

 

Ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ và vận động người dân chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung. Địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi các mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn với hệ thống phòng chống dịch bệnh an toàn tương đối tốt. Những năm gần đây, các hình thức chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống, chăm sóc, phòng bệnh ngày càng được bà con nhân rộng.

 

Toàn huyện hiện có 25 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bao gồm 18 trang trại chăn nuôi heo và 7 trang trại nuôi gà. Tổng đàn gia súc, gia cầm của các trang trại đạt khoảng 160.000 con, chiếm 30,3% số lượng đàn vật nuôi toàn huyện.

 

 

Hải Dương: Người chăn nuôi tăng cường bán hàng trực tuyến

Nhờ có điện thoại thông minh kết nối internet, trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Thuân được nhiều người  biết đến    

 

Từ khi sản phẩm trứng gà của gia đình lên sàn thương mại điện tử, ông Đào Hữu Thuân ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) mới nhận ra được nhiều lợi ích của ĐTTM có kết nối internet. Hằng ngày, ông đều sử dụng ĐTTM phát trực tiếp trên ứng dụng Voso của Viettel Post để khách hàng ở khắp mọi miền đất nước có thể thấy được quy trình sản xuất trứng gà VietGAP tại trang trại nhà ông. Là cơ sở nuôi gà đẻ trứng lớn, mỗi ngày xuất bán hơn 4 vạn quả nhưng trước kia ông chỉ mải lo sản xuất, còn việc tiêu thụ vẫn theo nếp cũ vì gia đình có nhiều mối quen đổ buôn ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, sau khi tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và nhất là sau biến cố từ dịch Covid-19 làm trứng gà khó bán theo cách truyền thống, ông Thuân mới bắt đầu tìm hiểu về bán hàng trực tuyến. Với sự giúp đỡ của nhân viên Viettel Post, chỉ sau vài ngày ông đã sử dụng thành thạo các tính năng trên ứng dụng Voso. Ông Thuân chia sẻ: "ĐTTM đã dùng từ lâu nhưng bây giờ tôi mới thấy được tầm quan trọng của nó. Các ứng dụng mua bán hàng trực tuyến được tích hợp trên ĐTTM mới đầu tôi cứ nghĩ rắc rối, phức tạp, song càng dùng càng thấy tiện lợi, hữu ích. Khách hàng của tôi không còn bó hẹp trong tỉnh và các địa phương lân cận mà đã mở rộng ra cả nước".

 

Bình Định: Phê duyệt dự án thức ăn chăn nuôi 200.000 tấn/năm

 

Ngày 23/4/2021, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư là Công ty LANKING NANO PTE. LTD (Singapore) đầu tư Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định; địa điểm tại lô C2, Khu công nghiệp Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát.

 


Nhà máy được xây dựng trên diện tích 62.000m2, với vốn đầu tư 15 triệu USD. Mục tiêu đầu tư dự án là sản xuất thức săn gia súc, gia cầm và thủy sản. Công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm, được chia làm 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 thức ăn cho gia súc (lợn…) 80.000 tấn sản phẩm, thức ăn cho gia cầm (gà, vịt… ) 20.000 tấn sản phẩm, thức ăn thủy sản 20.000 tấn sản phẩm; giai đoạn 2 thức ăn cho gia súc 50.000 tấn sản phẩm, thức ăn cho gia cầm 15.000 tấn sản phẩm, thức ăn thủy sản 15.000 tấn sản phẩm.

 

Tiến độ đăng ký thực hiện dự án từ quý II/2021 đến quý II/2024 đưa vào hoạt động sản xuất toàn bộ dự án.

 

V. HỌAT ĐỘNG HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai ông Nguyễn Kim Đoán: Giá thành heo hơi tăng thêm từ 7-8 ngàn đồng/kg

 

Phát biểu trên báo Đồng Nai, Phó chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán so sánh, hiện trang trại nuôi theo hệ thống chuồng lạnh, mọi khâu ăn, uống của vật nuôi đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh bằng cảm biến. Chính vì vậy, trước đây, 1 trại nuôi có quy mô hơn 1 ngàn con heo thường cần 3 lao động thì nay chỉ cần 1 người quản lý mà vẫn nhàn rỗi. Với hệ thống ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi này, trang trại không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà quan trọng nhất là có ít người ra vào khu chăn nuôi, kiểm soát tốt hơn rủi ro dịch bệnh. “Đây là xu hướng đầu tư chăn nuôi heo hiện nay vì nuôi bằng trại hở gặp rủi ro rất lớn về dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi. Chính vì vậy, những chủ trại muốn gắn bó lâu dài với nghề nuôi heo đều huy động vốn đầu tư lại hệ thống chuồng trại bài bản, theo quy trình khép kín” - ông Đoán nói.

 

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán  cho biết thêm, giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng khoảng 30% so với vài tháng trước đó, đội giá thành sản xuất lên từ 7-8 ngàn đồng/kg heo hơi. Chăn nuôi nhỏ lẻ chi phí đầu vào cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, nuôi trại hở rủi ro xảy ra các loại dịch bệnh rất lớn, trong đó có dịch tả heo châu Phi.

 

V. HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

 

Japfa Việt Nam: Khánh thành trại heo gần 200 tỷ đồng

Bên trong trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam

 

Sáng 26/4/2021, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động dự án trại heo quy mô 10.000 nái tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng. Đây là trại heo được thiết kế và xây dựng theo mô hình hoàn toàn mới, với 100% thiết bị ngoại nhập.

Trại heo có diện tích 22 ha với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nhằm cung ứng con giống với chất lượng được kiểm soát tốt nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu. Mục tiêu đến năm 2022 sẽ sản xuất 130.000 nái cho hoạt động của công ty. Trại được xây dựng theo công nghệ hiện đại cùng các thiết bị chăn nuôi tiên tiến. Tất cả quy trình đều được vận hành và giám sát bằng hệ thống tự động. Đặc biệt, trại được đầu tư hệ thống màng lọc khí hiện đại giúp loại bỏ các virus, từ đó nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.

 

Theo ông Arif Widjaja, Tổng giám đốc Công ty Japfa Việt Nam, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng với Japfa Việt Nam bởi đánh dấu hướng đi hoàn toàn khác biệt và thể hiện chiến lược rõ ràng của công ty trong việc đầu tư, ứng dụng và phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại. Dự án hoạt động sẽ góp phần tích cực vào bình ổn giá heo, cũng như làm thay đổi về quan điểm chăn nuôi, quy cách chuồng trại, nâng cao tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, việc đưa vào vận hành dự án trang trại heo theo công nghệ hiện đại tại xã Đắk Nhau sẽ góp phần thay đổi quan niệm và mô hình chăn nuôi, đồng thời kích thích hoạt động theo hướng hiện đại của ngành chăn nuôi tại Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu và vận hành hệ thống trang trại hoàn toàn tự động theo chuỗi khép kín là mô hình mới, thể hiện tính đột phá trong chiến lược và định hướng dài hạn của Japfa Việt Nam. Điều này hoàn toàn trùng khớp với chủ trương thu hút đầu tư và hiện đại hóa nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Bình Phước.

 

 

Dabaco: Chú trọng công tác chọn tạo giống lợn

 

Theo thông tin từ tập đoàn DABACO, trong lĩnh vực sản xuất giống lợn và lợn thương phẩm quy mô hiện tại 40.000 nái sinh sản, trong đó có 5.000 lợn cụ kị ông bà, 35.00 lợn giống bố mẹ, 250.000 lợn thịt. Một năm sản xuất và cung ứng ra thị trường 60.000 hậu bị, 55.000 tấn thịt lợn. Tiến tới hoàn thành một số dự án mới sẽ đưa quy mô lên 60.000 lợn nái sinh sản, 370.000 lợn thịt.

 

Về giống lợn: 4 giống lợn năng suất và chất lượng cao của thế giới là Landrace, Yorkshire, Duroc, Pieatrain đã được nhập từ các nước Đan Mạch, Canada, Mỹ, Đài Loan được nhân thuần và chọn lọc thành giống ông bà, cụ kỵ. Từ giống ông bà được lai tạo thành giống bố mẹ (Landrace ×Yorkshire) từ giống bố mẹ được lai tạo với đực giống có tỉ lệ nạc cao như Duroc, Dupi tạo đàn lợn thịt ba máu và 4 máu ngoại có thông số kinh tế kĩ thuật tốt.

 

Công tác giống lợn được Trung tâm Công nghệ sinh học nghiên cứu và chọn lọc giống. Trung tâm được trang bị phòng thí nghiệm với các máy móc hiện đại như: Realtime – PCR, máy PCR, hệ thống máy li tâm, box vô trùng, máy điện di… phục vụ công tác chọn lọc giống theo hướng chọn lọc gen nâng cao khả năng sinh sản, chọn lọc gen nâng cao khả năng sinh trưởng, chọn lọc gen nâng cao khả năng sinh trưởng, chọn lọc gen cải tiến chất lượng thịt, chọn lọc kiểu gen kháng stress và kháng bệnh.

 

Công tác chọn lọc giống được kết hợp giữa kiểu gen và giá trị giống ước tính bằng phương pháp Blup giúp chọn lọc chính xác, cải tiến nhanh chóng được năng suất và chất lượng của đàn giống.

 

Một số thông số kinh tế kĩ thuật đã đạt được trong chăn nuôi lợn: Lợn thịt (thời gian nuôi thịt 145 ngày; tỷ lệ thịt nạc 62%; tăng khối lượng/ngày (ADG): 900 g/ngày; FCR (từ 7kg nhập nuôi đến xuất chuồng 105 kg): 2,3. Đối với lợn nái đạt năng suất 28,5-29 con/nái/năm.

 

Mavin nhận giải thưởng Rồng Vàng năm thứ 7 liên tiếp

Ngày 26/04/2021, tại Gala kỷ niệm 20 năm chương trình Rồng Vàng, Tập đoàn Mavin tiếp tục được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp Rồng Vàng tiêu biểu năm 2021.


Giải thưởng Rồng Vàng là giải thưởng uy tín, được tổ chức từ năm 2000 với sự kết hợp của Vietnam Economic Times (Thời báo Kinh tế Việt Nam), Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cống hiến xuất sắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Các tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp Rồng Vàng tiêu biểu gồm: có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng. Đặc biệt, năm 2021, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tiêu chí xét giải Rồng Vàng còn căn cứ trên tính vượt trội, bứt phá thành công của doanh nghiệp trong tình hình mới.

 

Đây là năm thứ 7 liên tiếp Mavin đứng trong Bảng xếp hạng Rồng Vàng, tiếp tục được vinh danh trong số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất sắc nhất tại Việt Nam.

 

Là doanh nghiệp có vốn đầu từ đến từ Australia với hơn 16 năm hoạt động trên thị trường, Tập đoàn Mavin được biết đến là doanh nghiệp lớn trong ngành tích cực ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa. Mavin cũng là doanh nghiệp coi trọng yếu tố phát triển bền vững với nhiều sáng kiến về sản xuất thân thiện môi trường, an toàn sinh học, chăm lo cho cộng đồng.

 

HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM - AHAV

 

Lưu ý: Thông tin sử dụng trong bản tin được thu thập từ những nguồn mà chúng tôi cho là đáng tin cậy. Thông tin trong bản tin chỉ mang tính tham khảo, các ước tính, dự báo có giá trị đến ngày ra báo cáo và có thể thay đổi bởi những biến động thị trường. Rất mong nhận được sự phản hồi, trao đổi thông tin và đóng góp ý kiến của độc giả để Bản tin ngày càng chất lượng hơn.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập