Những điểm chính
+ Bệnh viêm da nổi cục vẫn có dấu hiệu lây lan mạnh ở nhiều địa phương.
+ Thị trường gia cầm sôi động trở lại.
+ Chuỗi sự kiện của Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam tại Bình Định: Họp Ban Thường vụ; thăm và làm việc với Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định; thăm và làm việc với Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư..
+ Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Đại hội lần III nhiệm kỳ 2021-2026.
I. TIN BỘ/NGÀNH
Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt đề án ngành thú y) và phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò (VDNC).
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Bà Nguyễn Thu Thuỷ đã giới thiệu đến đại biểu đại diện các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp... về những nội dung của Đề án ngành thú y với 8 khía cạnh chính. Theo đó, Đề án sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Đề án cũng chú trọng nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y; nghiên cứu thú y và quản lý các dịch vụ thú y. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, là hành lang pháp lý rất quan trọng để ngành thú y có cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên ngành thú y, trong đó theo quy định tại Điều 6 của Luật Thú y, ở Trung ương có Cục Thú y, trực thuộc Bộ NN&PTNT, ở cấp tỉnh có Chi cục quản lý chuyên ngành thú y (gọi tắt là Chi cục Thú y) trực thuộc Sở NN&PTNT, ở cấp huyện có trạm thú y trực thuộc chi cục thú y đóng trên địa bàn cấp huyện.
Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp. Cụ thể có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý.
Hiện có khoảng 6.400 người người làm trong thú y tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị cắt giảm, nghỉ việc. Những thay đổi này đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
II. CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG
1. Giá cả thị trường trong nước
Nguồn: channuoivietnam.com
2. Tình hình chăn nuôi thế giới
Đức: Giá thịt lợn vững mặc dù xuất khẩu sang châu Á giảm
Giá lợn và thịt lợn trên thị trường Đức tuần qua ổn định nhờ xuất khẩu sang Châu Âu tiếp tục duy trì, mặc dù Trung Quốc và một số nước khác từ năm ngoái cấm nhập khẩu thịt lợn Đức sau khi Đức phát hiện có trường hợp virus tả lợn Châu Phi.
iệp hội Nông dân Đức cho biết, giá lợn thịt tuần qua không thay đổi so với tuần trước đó, ở mức 1,50 euro/kg, tương tự như hồi tháng 3 và tăng so với mức 1,21 euro hồi tháng 2.
Giá lợn con tuần qua cũng vững ở 53 euro/con, so với 32,50 euro hồi đầu tháng 2 Hiện tiêu thụ lợn con ở Đức đang rất dễ dàng.
Nhu cầu thịt của Đức trong thị trường EU nhìn chung ổn định, nhưng nước này vẫn chưa hy vọng các nhà hàng sẽ sớm được mở cửa rộng rãi trở lại, do đại dịch Covid-19.
Các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức vào tháng 9/2020 sau khi Đức phát hiện có trường hợp lợn rừng ở miền Đông nước này bị nhiễm virus tả lợn châu Phi. Điều đó khiến giá thịt lợn tại Đức giảm, đồng thời làm thay đổi dòng chảy thương mại, khi các nước khác tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, còn Đức lại tăng cường bán trong nội bộ EU. Từ đó, giá thịt lợn Đức hồi phục dần.
Trung Quốc đã nhập khẩu 1,02 triệu tấn thịt trong tháng 3, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 do nước này tăng cường nhập khẩu thịt để đáp ứng tình trạng thiếu hụt trong nước.
Trung Quốc bán hàng triệu tấn gạo dự trữ làm thức ăn chăn nuôi
Giá ngô lên cao kỷ lục do nguồn dự trữ cạn kiệt khiến Chính phủ Trung Quốc phải lên kế hoạch bán ra lượng lớn gạo dự trữ để làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Oryza, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch giải phóng 2 triệu tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để làm thức ăn chăn nuôi trong nỗ lực đối phó với giá ngô đang cao kỷ lục do cạn kiệt nguồn dự trữ và sản lượng thu hoạch giảm. Trước đó, Trung Quốc đã bán khoảng 1,4 – 1,5 triệu tấn gạo để làm thức ăn chăn nuôi.
Ngày 31/3/2021, giá cơ bản cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi từ gạo là 1.500 Nhân dân tệ (khoảng 228,62 USD)/tấn, thấp hơn so với mức giá 2.700 – 3.200 Nhân dân tệ (khoảng 411 – 487USD)/tấn của ngô hiện tại.
Người đứng đầu Bộ phận Dự trữ Thực phẩm và chiến lược của Cục Dự trữ Thực phẩm quốc gia Trung Quốc, cho biết, việc bán ngũ cốc hiện tại để làm thức ăn chăn nuôi sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước này và Chính phủ được cho là có kế hoạch giải phóng thêm gạo và lúa mì dự trữ cho đến khi giá ngô được ổn định.
III.TIN ĐỊA PHƯƠNG
Hà Nội: Thị trường gia cầm sôi động trở lại
Ông Vương Văn Tư ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), cho biết: Trang trại nuôi 6.000 con vịt thương phẩm, trung bình mỗi tháng xuất bán 3.000 con ra thị trường. Giá vịt bán tại chuồng là 45.000-46.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Với giá này, người chăn nuôi đã có lãi hơn 10.000 đồng/kg.
Còn ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) nói với phóng viên Báo Hànộimới: Nhu cầu tiêu thụ gia cầm nói chung và gà ta nói riêng trên thị trường đã tăng trở lại, giá bán tại chuồng đã ở mức 90.000-100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Giá trứng gia cầm cũng bắt đầu tăng sau một thời gian giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa), hiện tại, giá trứng gà bán tại chuồng là 1.350 đồng/quả, tăng 450 đồng/quả so với thời điểm tháng 2-2021. “Do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi vẫn lỗ. Tuy nhiên, thị trường đã “khởi sắc”, giá trứng sẽ tăng ở mức hợp lý, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi… ”, ông Nguyễn Duy Toản cho biết thêm.
Xung quanh câu chuyện giá gia cầm tăng trở lại, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận định: Giá gia cầm thời gian tới sẽ tăng, song nguồn cung khá dồi dào nên không tăng “nóng”. Dù tăng nhưng với mức giá bán tại trang trại hiện nay, người nuôi vẫn chưa thể bù đắp phần thua lỗ trong thời gian dài trước đây…
Nam Định: Có trên 600.000 con lợn
Cụ thể, hết quý I-2021, toàn tỉnh ước có khoảng 642.100 con lợn, tăng 36.600 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.227 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con. Đàn gia cầm ước hiện có 8 triệu 740 nghìn con, tăng 450 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà 6 triệu 280 nghìn con, tăng 330 nghìn con. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2.980 tấn, tăng 270 tấn; trong đó, sản lượng gà hơi xuất chuồng ước đạt 2.385 tấn, tăng 195 tấn; sản lượng trứng gia cầm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ninh Thuận: Hướng tới mục tiêu đưa chăn nuôi gia súc trở thành ngành sản xuất chính
đến nay ngành chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, với tổng đàn gia súc hiện có trên 465.360 con; trong đó, đàn bò, dê, cừu chiếm 373.684 con; đàn heo 91.517 con. Giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,2%, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 28,9% trong tổng cơ cấu nông-lâm-nghiệp.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030, nâng tổng đàn dê, cừu toàn tỉnh đạt 305.000 con; trâu, bò 145.000 con; đàn heo 200.000 con và trở thành ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao trong tổng thể ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan điểm chung của sở là tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đàn, phát triển những sản phẩm vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh gắn với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu đặc thù để nâng sức cạnh tranh thị trường. Cùng với đó, tăng cường rà soát, nhận diện thực trạng chăn nuôi ở từng địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phù hợp.
Chư Prông: Liên kết chăn nuôi dê mang lại hiệu quả
Được thành lập tháng 10-2020, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) giúp thành viên chia sẻ kinh nghiệm và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Rơ Châm Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng-trao đổi: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê có 18 thành viên ở 5 thôn, làng. Mỗi tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ và liên kết tìm đầu ra sản phẩm.
Tháng 1-2021, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân 200 triệu đồng cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay trong thời gian 24 tháng. “Đến nay, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay mua dê giống, mở rộng chuồng trại. Đây là hướng đi mới giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”-ông Dung nhấn mạnh.
V. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM
1. Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam: Làm việc với Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định
Hội Chăn nuôi Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định. Văn phòng Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định nằm trong trụ sở của Chi cục.
Vừa qua, ngày 16/4/2021, Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có buổi làm việc với Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định cho biết, Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định là hội thành viên của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Bình Định, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam.
Hội có trên 200 hội viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi, và lao động làm việc trong các đơn vị hành chính thuộc lĩnh vực chăn nuôi thú y.
Những vai trò của chủ yếu của Hội đó là cổ vũ, động viên phong trào sản xuất chăn nuôi; tư vấn, tháo gỡ những vấn đề mà hội viên vướng mắc; đề xuất các kiến nghị chính đáng của Hội viên lên Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định…
Hội cũng thường xuyên tổ chức tham quan, học tập nội khối và ở những đơn vị chăn nuôi khác… Ngoài ra, Hội Chăn nuôi Thú y Bình Định cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thông tin về sản xuất chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cơ chế chính sách mới, giá cả sản phẩm chăn nuôi và nhiều thông tin về hoạt động chăn nuôi thú y một cách rộng khắp đến hội viên, người dân trong tỉnh…
Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Hổ, Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định cũng gặp những khó khăn đó là nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; cơ sở vật chất còn hạn chế…
Còn TS Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chúc mừng ông Phan Trọng Hổ – nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2020-2025. TS Trúc cũng cảm ơn sự ủng hộ sâu sắc của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, Sở NN&PTNT, cũng như UBND tỉnh Bình Định với sự phát triển của Hội Chăn nuôi Thú tỉnh Bình Định. Đồng thời, ông cũng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của tỉnh Hội Bình Định đối với Ban Thường vụ Hội CHăn nuôi Thú y Việt Nam khi đoàn đến công tác tại địa bàn tỉnh.TS TRúc cũng mong muốn có nhiều thông tin và được cập nhật thường xuyên hơn nữa về ngành chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định, để mở ra nhiều cơ hội hợp tác, gắn kết giữa tỉnh Hội và Trung ương Hội.
Ông Đào Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, ông đánh giá cao vai trò quan trọng của Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định trong phối hợp, tham mưu các chiến lược, chính sách về chăn nuôi, thú y đối với Sở NN&PTNT tỉnh, từ đó Sở tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các quyết sách đúng đắn, góp phần chăn nuôi bền vững.
Hiện nay, tỉnh Bình Định có đàn trâu bò khoảng 320 nghìn con; đàn gia cầm gần 8,8 triệu con và đàn heo 1 triệu con. Tỉ lệ ngành chăn nuôi chiếm trên 50% cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi, với tổng công suất là 2,5 triệu tấn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 74 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Trong đó, 1 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp KH&CN (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước); 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; 14 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.
2. Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên: Tổ chức thành công Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026
Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026
Vừa qua, ngày 18/4/2021, Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội chăn nuôi – Thú y, nhiệm kỳ 2021-2026 với 21 thành viên. Ông Phạm Quang Phúc được bầu làm Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên.
Nhiệm kỳ tới, Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vận động hội viên tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò của Hội tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, dự án của tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về lĩnh vực chăn nuôi, thú y; tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, hợp tác xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ; đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi… Phấn đấu kết nạp mới từ 30-50 hội viên.
Chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua từng bước phát triển. Năm 2016 Thái Nguyên có tổng đàn trâu, bò 108.733 con, đàn lợn 525.263 con, đàn gia cầm 9.036.655 con. Đến năm 2020, tổng đàn trâu, bò là 93.950 con, giảm 13,6%; nhưng đàn lợn 616.214 con, tăng 17,3% và đàn gia cầm 12.730.000 con, tăng 40,9% so với năm 2016.
Toàn tỉnh hiện có 798 trang trại, trong đó 262 trang trại lợn, tăng 125 trang trại so với năm 2016; 536 trang trại gia cầm, tăng 100 trang trại so với năm 2016; 07 Công ty chăn nuôi liên doanh, gia công với 340 trang trại, chiếm 43% tổng số trang trại. Tỉnh cũng hình thành 11 chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và trên 70% có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chiếm 35- 40% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Hàng nghìn gia trại tại các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại huyện Phú Bình, Định Hóa; vùng chăn nuôi lợn tại huyện Phổ Yên, Phú Bình; vùng chăn nuôi bò tại huyện Định Hóa, Phổ Yên, Phú Bình…
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, dịch bệnh đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, thậm chí phá sản, không thể tái đàn do dịch tả lợn Châu Phi. Giá bán sản phẩm luôn biến động, không ổn định gây nhiều khó khăn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam: Tham quan và làm việc tại Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư
Đoàn công tác của Hội Chăn nuôi Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư
Ngày 17/4/2021, Đoàn làm việc của Hội Chăn nuôi Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư.
Tiếp đoàn, về phía Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư có bà Trương Thị Sanh – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên và nhiều cán bộ chủ chốt của Công ty.
Tham gia buổi làm việc còn có ông Đào Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cảm ơn Công ty Minh Dư – một trong những thành viên của Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Định đã tổ chức đón tiếp chu đáo. TS Đoàn Xuân Trúc khẳng định công ty Minh Dư mà đứng đầu là giám đốc Lê Văn Dư là người có quyết tâm, biết lắng nghe lời khuyên của nhà khoa học, nhà quản lýđể tiến hành công tác chọn giống; nhân giống và lai tạo để cung cấp giống ra sản xuất; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó Minh Dư cũng mạnh dạn tái đầu tư thiết bị (chuồng trại, lò ấp…) hiện đại vào sản xuất giống gia cầm. Hiện nay, Minh Dư là công ty sản xuất giống gà chăn thả lớn nhất khu vực ASEAN và mang tầm quốc tế.
Tiếp đó, thay mặt Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư – ông Nguyễn Hữu Huân – Trợ lý Tổng giám đốc cho biết, trải qua hơn 30 năm đầu tư, nghiên cứu và phát triển; đến nay, Công ty đã chọn tạo thành công 03 giống gà ta mới là MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ có nhiều ưu điểm vượt trội: độ đồng đều và sức đề kháng cao, tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 98%, gà tăng trọng nhanh, ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Là các giống gà được nuôi phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.
Tổng đàn gà giống hiện có 980.000 con gà cụ kỵ, ông bà và bố mẹ; 4 trang trại nuôi gà và 3 nhà máy ấp trứng với tổng diện tích trên 130 hecta. Công ty đã áp dụng công nghệ 4.0, tự động hóa vào quản lý điều hành và ứng dụng sản xuất ở các trang trại chăn nuôi và nhà máy ấp nở. Đã đầu tư nhà máy ấp hiện đại nhất châu Á, là một trong 8 nhà máy ấp hiện đại nhất thế giới.
Năm 2020, Minh Dư đã sản xuất trên 60 triệu con gà ta 1 ngày tuổi cung ứng trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, chiếm trên 26% thị phần giống gà ta của cả nước. Công ty Minh Dư hiện là doanh nghiệp gà ta lớn nhất Việt Nam.
“Năm 2021, Công ty là sẽ cung ứng 100 triệu con gà con giống ra thị trường trong và ngoài nước, mở rộng thị phần sang các nước Bangladesh, Myanmar, Indonesia và Malaysia”, ông Nguyễn Hữu Huân cho biết thêm.
Theo ông Đào Văn Hùng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định khẳng định, Công ty TNHH Minh Dư là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ; đây cũng là đơn vị sản xuất giống gia cầm lớn nhất của tỉnh. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Chăn nuôi, sản xuất và xuất khẩu thịt, giống gia cầm công nghệ cao 4.0 Minh Dư Bình Định” ở thị xã An Nhơn, Bình Định với diện tích gần 80 hecta để xuất khẩu gà giống bố mẹ, thương phẩm và thịt gà Minh Dư sang các thị trường châu Á và châu Âu, nâng cao giá trị sản xuất và khẳng định thương hiệu gà ta chọn lọc Minh Dư trên trường Quốc tế.
VI. HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Bel Gà khánh thành nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao tại Tây Ninh
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh và đại diện các nhà đầu tư thực hiện nghi thức ấn nút khánh thành nhà máy ấp trứng Bel Gà
Sáng 17/4/2021, tại khu công nghiệp Thành Thành Công, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Công ty Cổ phần Bel Gà (Vương quốc Bỉ), đại diện Bộ NN-PTNT cùng Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus Việt Nam sẽ tổ chức lễ khánh thành nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh.
Đây là nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao thứ hai được Bel Gà xây tại Việt Nam, sau cơ sở đầu tiên ở Lâm Đồng. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, với tổng diện tích 15.000m2. Công suất thiết kế trên 19 triệu gà con mỗi năm vào giai đoạn I, và sẽ mở rộng lên 38,4 triệu gà con mỗi năm ở giai đoạn II
.
Với công suất thiết kế đạt 38 triệu gà con giống một ngày tuổi ở giai đoạn II, Bel Gà Tây Ninh không những đảm bảo nguồn cung trong nước mà còn hướng xuất khẩu.
Sản phẩm chính của nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao này là gà con giống nuôi thịt một ngày tuổi và gà con giống nuôi đẻ trứng một ngày tuổi, nhằm đáp ứng nhu cầu về giống gia cầm cho thị trường Việt Nam và Campuchia.
Nằm trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững và hướng tới xuất khẩu, toàn bộ công nghệ trong nhà máy đều được Công ty Bel Gà và đối tác quản lý dựa trên hệ thống công nghệ thông tin. Nhiều thiết bị sản xuất hiện đại được sử dụng như: máy ấp trứng gà công nghệ cao tương tác phôi, hệ thống quản lý nồng độ khí cacbonic trong buồng ấp, hệ thống điều khiển áp suất… nhằm đảm bảo sự hiệu quả và chính xác của thông tin trong quá trình sản xuất.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Ông Lê Văn Hải (áo trắng, thứ sáu từ trái sang) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Ngày 18/04/2021, trong khuôn khổ Đại hội Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên lần thứ III nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Lê Văn Hải – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được nhận bằng khen của ông Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì đã có nhiều đóng góp trong công tác Hội và hoạt động chăn nuôi, thú y tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2021.
Theo đó, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh là doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị 3F (Feed-Farm-Food) với các lĩnh vực: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản với 3 thương hiệu: COMPLEX FEED, HAITHINH FEED, GRENHOPE; kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; sản xuất dầu, mỡ động vật và thực vật; kinh doanh, hỗ trợ thuốc thú y; cung cấp các vật tư, máy móc phục vụ cho chăn nuôi công nghiệp; đào tạo quản lý kỹ thuật, công nhân kỹ thuật phục vụ cho trang trại; tư vấn lập công thức cho trại, thường xuyên trao đổi thông tin, dự báo tình hình nguyên liệu Vận tải hàng hoá đường bộ.
Song song với việc sản xuất, kinh doanh, Hải Thịnh cũng chú trọng các hoạt động thiện nguyện. Điển hình như cuối tháng 12/2020, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh phối hợp với Hội Chăn nuôi thú ý tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình chia sẻ cùng đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đoàn đã tặng trên 13 nghìn con vịt giống tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hoạt động thiết thực, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau lũ lụt của Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Nguyên và Công ty Hải Thịnh.
HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM (AHAV)