NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT
+ Giá thịt lợn có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh, thành.
+ Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bùng phát ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.
+ Giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
I. CẬP NHẬT TIN TỨC CHÍNH SÁCH, VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG BỘ/NGÀNH
1. Bắt đầu từ ngày 20/4/2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có hiệu lực
Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Nghị định có hiệu lực từ 20/4/2021. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi bao gồm: giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi.
Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Cùng với đó, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
2. Tổng kết chăn nuôi Quý I: Tổng số lợn tăng 11,6%; gia cầm tăng 8,3%
Ngày 29/3/2021, Tổng cục Thống kê họp báo công bố kết quả kinh tế, xã hội Quý I/2021. Theo kết quả được công bố, Chăn nuôi trâu, bò trong quý I bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết trong tháng Một và hiện nay đang xuất hiện dịch viêm da nổi cục tại một số địa phương, người chăn nuôi và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Ước tính tổng số bò tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số trâu giảm 2,3%; tổng số lợn tăng 11,6%; tổng đàn gia cầm tăng 8,3%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 513,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng sữa bò tươi đạt 270,1 nghìn tấn, tăng 5,1%.
Tính đến ngày 25/3/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 19 địa phương và dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã phát sinh tại 17 địa phương chưa qua 21 ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đối với chăn nuôi, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, tiếp tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; chăn nuôi gia cầm cần kiểm soát tốt về mặt tăng đàn, theo dõi sát nhu cầu của thị trường tránh tăng đàn ồ ạt.
3.Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp
Tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp hướng tới chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong tám ngành ưu tiên chuyển đổi số.
Trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác… Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm.
Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam. Internet, trí tuệ nhân tạo đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất...
Thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật; các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác đang được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón...
II. CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG
1. Giá một số sản phẩm chăn nuôi trong nước
Nguồn: channuoivietnam.com
2. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng
Cụ thể, mới đây, công ty Lái Thiêu điều chỉnh giá từ ngày 26/02/2021 cho các sản phẩm hỗn hợp dành cho cá có vẩy và cá da trơn tăng 800 đồng/kg; các sản phẩm hỗn hợp dành cho heo tập ăn, heo con, các sản phẩm đậm đặc, hỗn hợp công nghiệp và các sản phẩm tương đương tăng 400 đồng/kg; tất cả các sản phẩm còn lại tăng 240 đồng/kg.
Hay như Công ty Masan MEATLiffe cũng điều chỉnh tăng giá từ ngày 25/2/2021 với mức điều chỉnh như heo đậm đặc 400 (đồng/ kg); các sản phẩm heo còn lại 280 đồng/kg; gia cầm thịt tăng 240 đồng/kg; gia cầm đẻ 200 đồng/kg hay như bò sữa, bò thịt 240 đồng/kg.
Công ty TNHH Mavin Ausfeed Nghệ An cũng đưa thông báo, giá nguyên liệu đầu vào cao, nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty đã phải thông báo điều chỉnh tăng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ ngày 23/02/2021 cụ thể: tăng 300 đồng/kg đậm đặc các loại cám, cám heo con, cám cá; tăng 250 đồng/kg cho hỗn hợp cám heo khác; tăng 200 đồng/kg các sản phẩm hỗn hợp còn lại mức tăng giá chung cho các thương hiệu Austfeed, Stargro, Nutrigo…
Còn đối với Công ty Tongwei quyết định tăng giá thức ăn lợn 400 đồng/kg; thức ăn gia cầm thịt, đẻ tăng 300 đồng/kg và thức ăn cá tăng 300 đồng/kg điều chỉnh thực hiện từ ngày 5/3/2021…
3. Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, Việt Nam nhập khẩu 8,64 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 21,06 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với tháng 2/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 18,89 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 45,39 triệu USD, tăng 88,7% về lượng và tăng 107,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 với 11,22 nghìn tấn, trị giá 30,27 triệu USD, tăng tới 6.351% về lượng và tăng 5.186% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 2/2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,27 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 4,43 triệu USD, giảm 17,7% về lượng và giảm 24,9% về trị giá so với tháng 1/2021. Thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc.
4. Tình hình chăn nuôi thế giới
Hoa Kỳ: Nhu cầu thịt lợn tăng mạnh
Trong tháng 3/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh so với cuối tháng 2/2021. Ngày 29/3/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn tháng 4/2021 dao động ở mức 100,8 UScent/lb, tăng 15,3% so với cuối tháng 2/2021 và tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giá lợn tại Hoa Kỳ tăng mạnh là do nhu cầu thịt lợn tăng mạnh và nguồn cung lợn hơi thắt chặt, giá lợn xuất chuồng dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Diễn biến giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 4/2021 tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2021 đến nay (ĐVT: UScent/lb)
Nhu cầu thịt lợn tại Hoa Kỳ tăng mạnh khi chuỗi nhà hàng mở cửa trở lại sau các hạn chế do đại dịch Covid-19 và khi thời tiết ấm dần khiến có nhiều người muốn tổ chức tiệc nướng ngoài trời.
Trung Quốc: Sản xuất thịt lợn năm 2021 dự báo tăng 15%
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), quy mô chăn nuôi gia súc của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 do các nhà sản xuất mở rộng sản xuất để hưởng lợi từ giá thịt bò nội địa ở mức cao. Thương mại điện tử, logistics chuỗi lạnh và thay đổi sở thích của người tiêu dùng là các động lực quan trọng trong tăng tiêu dùng thịt lợn tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc.
Sản xuất thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2021 dự báo tăng 15%, sau khi ghi nhận mức thấp kỷ lục trong năm 2020 nhờ các công ty lớn mở rộng sản xuất trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, mặc dù mở rộng sản xuất trong năm 2021, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn so với trước khi bùng phát dịch tả lợn, dẫn đến giá thịt lợn tại Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao. Nhập khẩu thịt lợn năm 2021 của Trung Quốc dự báo đạt 4,5 triệu tấn do người tiêu dùng ngày càng chấp nhận thịt lợn mát hoặc đông lạnh.
Theo USDA, lượng lợn giết mổ tại Trung Quốc trong năm 2021 ước đạt gần 600 triệu con. Hoạt động sản xuất được thúc đẩy bởi các công ty lớn tập trung hóa sản xuất, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Tuy nhiên, dịch bệnh ở động vật và năng suất lợn nái thấp sẽ tạo ra các vấn đề cho đàn lợn của Trung Quốc với khả năng kìm hãm mở rộng sản xuất. Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, sản lượng lợn hơi của Trung Quốc đang trên đà phục hồi ổn định, đàn lợn của nước này giữ vững ở mốc hơn 400 triệu con. Từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng lợn nái sinh sản và lượng lợn hơi xuất chuồng tăng đã góp phần làm giảm giá thịt lợn tại thị trường nước này.
Số lượng lợn nái sinh sản toàn Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2021 tăng lần lượt 1,1% và 1% so với tháng trước và tăng lần lượt 35% và 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cuối tháng 2/2021, tổng đàn lợn nái sinh sản tương đương 95% tổng lượng cuối năm 2017, trong khi đàn lợn hơi vẫn ở mức trên 400 triệu con. Nếu tính đến các yếu tố như sản lượng lợn hơi sớm phục hồi, số lượng lợn con... dự kiến số lượng lợn hơi xuất chuồng trong nửa đầu năm 2021 của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với việc tháng 3 và tháng 4 là mùa thấp điểm của việc tiêu thụ thịt lợn tại nước này, giá thịt lợn trên thị trường dự kiến sẽ có khả năng còn giảm hơn nữa.
Theo thông tin từ Merco Press, xuất khẩu thịt lợn tươi và đông lạnh của Bra-xin trong tháng 2/2021 đạt 81,1 nghìn tấn, trị giá 185,7 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 19,9% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng lượng thịt lợn xuất khẩu của Bra-xin đạt 144,2 nghìn tấn, trị giá 332,2 triệu USD, tăng6,12% về lượng và tăng 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do nhu cầu của thị trường châu Á và Nam Mỹ tăng mạnh. Tháng 2/2021, Trung Quốc là thị trường lớn xuất khẩu thịt lợn của Bra-xin, với lượng xuất khẩu đạt 41,6 nghìn tấn, tăng 34% so với tháng 2/2020; xuất khẩu sang Chi-lê đạt 4,5 nghìn tấn, tăng 73,5%; Ác-hen-ti-na đạt 2 nghìn tấn, tăng 15% so với tháng 2/2020.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, Việt Nam nhập khẩu 8,64 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 21,06 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với tháng 2/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 18,89 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 45,39 triệu USD, tăng 88,7% về lượng và tăng 107,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 với 11,22 nghìn tấn, trị giá 30,27 triệu USD, tăng tới 6.351% về lượng và tăng 5.186% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
IV. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM
1. Hội Chăn nuôi Tiền Giang tổ chức hội thảo: Giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát và phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Ngày 27/3/2021, Hội Chăn nuôi Tiền Giang, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) và Công ty Innotech phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát và phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi”.
Tham dự hội thảo có đại diện Hội Chăn nuôi Tiền Giang: ông Nguyễn Minh Thuần – Chủ tịch Hội; ông Thái Quốc Hiếu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Tiền Giang kiêm Phó Chủ tịch Hội; Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) - ông Nguyễn Vân Anh – Phó Phòng; Công ty MTV Công Nghệ Cách Tân (đơn vị tài trợ) - ông Trịnh Minh Hiếu – Giám đốc công ty và các nhân viên.
Hội thảo còn có sự hiện diện của hơn 200 đại diện từ các trạm thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi, đại lý thuốc thú y của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh.
Trình bày báo cáo “Chủ trương, chính sách trong kiểm soát dịch bệnh trên heo và phát triển ngành chăn nuôi bền vững”, TS Thái Quốc Hiếu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang, ngoài mệnh danh “Vương quốc trái cây”, còn là “thủ phủ” chăn nuôi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
TS Thái Quốc Hiếu cũng cho biết, kết quả nghiên cứu tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiển Giang ở 285 hộ, trong đó có 173 hộ đã xảy ra bệnh ASF và 112 hộ không có bệnh ASF cho thấy, quy mô càng lớn (số lượng nái), gần hố chôn, gần các trại có dịch, và khu nhà ở liền kề trại nuôi là các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan hộ có bệnh ASF của khu vực khảo sát. Giải pháp khắc phục cần là tính toán rõ các vấn đề liên quan đến mật độ, tiêu hủy heo bệnh nhiễm dịch tả châu Phi kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi, kể cả người của trại…
“Vì vậy, ngoài việc thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi như kiểm soát thức ăn chăn nuôi và nước uống; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát nhập giống; kiểm soát các loại côn trùng trong trại… thì việc tăng sức kháng bệnh của heo qua chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học rất quan trọng”, TS Thái Quốc Hiếu nhấn mạnh.
Còn ông Trịnh Minh Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Cách Tân (INNOTECH) hiện đang là đơn vị phân phối chế phẩm SYNBIOTIC cho biết, SYNBIOTIC là sản phẩm kết hợp công nghệ enzyme vi sinh và vi bọc thảo dược (phytogenic nano-encapsulation) giúp vật nuôi ăn mạnh, phát triển nhanh, ít bệnh, tăng sức đề kháng. Hơn nữa, với công nghệ vi bọc thảo dược giúp gia tăng hoạt tính của thảo dược hỗ trợ điều trị các bệnh do virus, bệnh có màng biofilm, fibrin.
2. Woosung Việt Nam và Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ): Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Vừa qua, ngày 10/03/2021, tại Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ), đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH Woosung Việt Nam (Woosung Việt Nam) và Khoa Thủy Sản, trường Đại học Cần Thơ.
Đây được xem là cột mốc nhằm ghi nhận những nỗ lực trong thời gian qua và mở ra những cơ hội hợp tác mới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển và lớn mạnh của hai bên.
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, Woosung Việt Nam sẽ hợp tác với Khoa Thủy sản của Đại học Cần Thơ ở một số hoạt động như: nghiên cứu và phát triển sản phẩm; đào tạo – tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn; xây dựng các mô hình trình diễn…
V. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI NỔI BẬT CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Hải Phòng: Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục
Ảnh: VOV
Theo đó, sau khi nhận được báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiên Lãng về tình hình dịch bệnh trên đàn bò, chiều 29/3/2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Tiên Lãng tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại xã Tự Cường.
Tại cơ sở chăn nuôi của bà Vũ Thị Tứ, thôn Lâm Cao hiện nuôi 2 con (1 con bò 4 năm tuổi và 1 con bê 2 tháng tuổi), qua kiểm tra, con bê con có xuất hiện các nốt sần đường kính 1 - 2 cm tại vùng da mặt, da cổ.Trên địa bàn xã Tự Cường hiện có 3 hộ nuôi tổng số 5 con trâu, bò tại thôn Lâm Cao và thôn Cẩm La.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y thống nhất cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Tiên Lãng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Ngày 30/3/2021, Chi cục Thú y vùng II có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 1222/TYV2-CĐXN, kết quả mẫu dương tính với virus gây bệnh viêm da nổi cục.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thống nhất cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện, quận khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bắc Giang: Đàn lợn, gia cầm tăng mạnh
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, 3 tháng đầu năm nay, tổng đàn lợn và gia cầm tăng mạnh. Giá lợn hơi giữ ở mức cao, giá gia cầm mức khá, người nuôi có lãi.
Theo đó, tổng đàn lợn của Bắc Giang đạt hơn 962,1 nghìn con. Trong đó, lợn nái hơn 103,7 nghìn con, lợn đực giống hơn 1,3 nghìn con, còn lại là lợn thương phẩm, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng đàn gia cầm đạt hơn 19,5 triệu con, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đàn gà hơn 16 triệu con.
Trong quý I, giá lợn hơi dao động từ 72 - 76 nghìn đồng/kg (tùy giống lợn). Giá gà mầu thả vườn (ri lai, mía lai) dao động từ 53 - 57 nghìn đồng/kg, gà lông màu đạt bình quân 47 nghìn đồng/kg, gà lông trắng 24 nghìn đồng/kg. Giá vịt bình quân đạt 41 nghìn đồng/kg, ngan 50 nghìn đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi ở mức cao, các loại gia cầm ở mức khá, người chăn nuôi có lãi.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 3 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 58 nghìn tấn (65,5% sản lượng xuất bán ra ngoài tỉnh). Trong đó, thịt lợn 45 nghìn tấn, thịt trâu bò hơn 2 nghìn tấn, còn lại là thịt gia cầm. Với mức độ ổn định phát triển chăn nuôi hiện tại, tỉnh Bắc Giang sẽ không lo thiếu thực phẩm phục vụ trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Quảng Ngãi: Trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục lây lan
Ngày 29/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi thông tin, tình hình bệnh viêm da nổi cục trâu bò xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi với 108 con bò mắc bệnh của huyện Bình Sơn.
Có 98 hộ, 12 thôn, 6 xã, thị trấn gồm xã Bình Long, Bình Hiệp, Bình Hòa, Bình Phước, Bình Thanh, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò với số lượng 108 con bò mắc bệnh, chết 3 con (đã tiêu hủy).
Qua quá trình điều tra ổ dịch, gia súc nhiễm bệnh chủ yếu do mua bán, vận chuyển làm lây lan dịch bệnh. Số gia súc mắc bệnh do lở mồm long móng chưa được tiêm phòng vaccine, một số con đã được tiêm phòng nhưng miễn dịch yếu và hết thời gian miễn dịch.
LÂM ĐỒNG: Đơn Dương có vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn. Vùng chăn nuôi với tổng diện tích 10.639 ha, thuộc địa bàn xã Đạ Ròn và Tu Tra, huyện Đơn Dương.
Vùng chăn nuôi bò sữa 2 xã Tu Tra và Đạ Ròn hiện đạt 5 tiêu chí ứng dụng công nghệ cao về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, đầu mối là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và giá trị kinh tế cao. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghệ cao; sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường; vùng này cũng đạt quy mô tối thiểu từ 10.000 con bò sữa trở lên.
Xã Đạ Ròn có diện tích đất tự nhiên 3.240 ha, xã Tu Tra có diện tích đất tự nhiên 7.399 ha. Quy mô vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao huyện Đơn Dương có 13.850 con bò sữa với 601 hộ chăn nuôi và 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa. Đến hết năm 2020, toàn huyện Đơn Dương có trên 15.000 con bò sữa, chiếm khoảng 64% tổng đàn bò sữa Lâm Đồng. Trên toàn huyện cũng có 11 trạm thu mua sữa bò tươi với giá ổn định từ 12.000 - 14.500 đồng/kg.
Nghệ An: Xảy ra 113 ổ dịch tả lợn Châu Phi
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 113 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 17 huyện, thành phố, thị xã; tiêu hủy gần 2.300 con với tổng trọng lượng trên 150 tấn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 65 ổ dịch nhỏ lẻ xảy ra rải rác tại 17 huyện, thành, thị. Trong đó, các huyện xảy ra nhiều gồm: Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành… Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
VI. HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
1. GREENFEED và Học viện Nông nghiệp Việt Nam và liên kết đào tạo “Hạt giống tài năng”
Theo PGS TS PHạm Kim Đăng - Trưởng Khoa Chăn nuôi: Chương trình “Hạt giống tài năng” sẽ là chương trình mang lại cho sinh viên đầy đủ những kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng trở thành nhân sự chất lượng cao ngay sau khi ra trường, có thể nhanh chóng thích ứng và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức sử dụng nhân lực ngành chăn nuôi, thú y” – PGS.TS Phạm Kim Đăng khẳng định.
Theo đó, chương trình đào tạo “Hạt giống tài năng” sẽ được triển khai trong 01 năm cho 60 sinh viên đã được Công ty phối hợp hai khoa tuyển chọn. Chương trình có 70-80 giờ lý thuyết và 2-5 tháng đào tạo thực tiễn tại các hệ thống chăn nuôi tiêu chuẩn, hiện đại nhất của công ty GREENFEED. Chương trình do các chuyên gia chăn nuôi, chuyên gia kỹ năng mềm cấp cao của GREENFEED trực tiếp giảng dạy và huấn luyện.
Khi tham gia chương trình “Hạt giống tài năng”, sinh viên sẽ có các cơ hội sau: được nhận tài trợ Học bổng có giá trị từ từ 25-100% học phí của năm học cuối tại Học viện (tùy kết quả học tập tại Học viện); được đào tạo bởi các chuyên gia chăn nuôi hàng đầu; được thực tập tại các trang trại hiện đại nhất; 100% sinh viên lớp liên kết được nhận vào làm việc tại GREENFEED với 3 lựa chọn: Feed-Farm-Food và các ngành nghề phù hợp năng lực sở trường… và có cơ hội thăng tiến, tiết kiệm thời gian đào tạo khi đến làm việc tại GREENFEED và các tập đoàn chăn nuôi khác.
2.HealthyFarm – chuỗi bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam bán trứng gà nuôi không sử dụng chuồng lồng
HealthyFarm, một trong những chuỗi bán lẻ kinh doanh theo hướng bền vững ở Việt Nam, vừa mới ban hành chính sách về nâng cao phúc lợi động vật trang trại trong chuỗi cung ứng, cam kết chỉ bán trứng gà từ phương thức sản xuất không sử dụng chuồng lồng (cage-free).
Chính sách này nằm trong hợp tác với Humane Society International (HSI), một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật. HealthFarm cam kết hợp tác và hỗ trợ mạng lưới các nông hộ chăn nuôi gà đẻ trứng để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho ít nhất 10,000 gà mái trong năm nay và sẽ nhân rộng mô hình thí điểm trong những năm tiếp theo.
Thành lập năm 2016 tại Đà Nẵng, Việt Nam, HealthyFarm là một doanh nghiệp xã hội tập trung vào mảng thực phẩm bền vững, bao gồm các thực hành nông nghiệp thuận theo tự nhiên và nâng cao phúc lợi động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời đảm bảo tác động môi trường ở mức thấp nhất có thể.
3. Mavin & World Vision: Triển khai mô hình nuôi vịt siêu nạc theo chuỗi tại tỉnh Thanh Hóa
Ngày 23/03/2021, Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đã thực hiện việc trao tặng vịt giống và thức ăn chăn nuôi, kết hợp tập huấn và chuyển giao công nghệ chăn nuôi vịt Mavin cho 105 hộ dân thuộc 5 xã: Hóa Quỳ, Thanh Lâm, Bình Lương, Thượng Ninh và thị trấn Yên Cát thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Hoạt động này thuộc khuôn khổ Dự án thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) do Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đồng tài trợ, nhằm tạo thu nhập bền vững; cũng như hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn cho người chăn nuôi theo mô hình Chuỗi giá trị, đã được triển khai 3 năm liên tục từ năm 2019 đến nay.
Năm 2021, Dự án triển khai với mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc. Theo đó, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ chi phí đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc xin và thuốc thú y đồng thời được chuyển giao kỹ thuật để nuôi 12.000 con vịt Mavin trong thời gian từ 1 đến 31 ngày tuổi. Các hộ chăn nuôi cũng sẽ tự đối ứng chi phí nuôi vịt từ 32 ngày tuổi tới khi xuất bán trên cơ sở tư vấn của Mavin về cách phối trộn thức ăn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Trong điều kiện được nuôi theo đúng quy trình và sử dụng hoàn toàn thức ăn chăn nuôi của Mavin, vịt Mavin có thể đạt trọng lượng khoảng từ 3,2 – 3,7kg sau khi nuôi từ 42 – 50 ngày tuổi và có thể xuất bán.
4. DABACO đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Khu chăn nuôi
Sáng ngày 01/04/2021, Hội đồng quản trị tập đoàn DABACO họp mở rộng có sự tham dự của Ban Tổng Giám đốc và Ban kiểm soát nhằm đánh giá kết quả hoạt động SXKD Quý I/2021, triển khai nhiệm Quý II/2021 và thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, như sau:
Hoạt động SXKD đạt kết quả rất tốt và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, với Doanh thu: 4.193 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế: 407 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 44% kế hoạch năm 2021.
Nhằm đảm bảo triển khai hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2021, HĐQT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2021 như sau:
- Tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Nutreco.
- Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án Khu chăn nuôi tại Quảng Ninh, Bình Phước và Nhà máy ép dầu giai đoạn 2.
5. C.P Việt Nam - Chi nhánh 3 tại Đồng Nai đạt giải vàng Chất lượng quốc gia năm 2020.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.
C.P. Việt Nam cũng đã nhiều lần đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia tại nhiều chi nhánh và nhiều năm khác nhau. Việc tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM (AHAV)