Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng, tối thiểu từ 500-1000 đồng/kg

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng, tối thiểu từ 500-1000 đồng/kg
Ngày đăng bài - 4/28/2021 12:00:00 AM
Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng, tối thiểu từ 500-1000 đồng/kg

[Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV) ] – Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong Quý II/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1000 đồng/kg), tùy loại để đạt được mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại, khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức 11,000-11.300 đồng/kg và đây là mức giá đã được thiết lập vào năm 2014.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển Chăn nuôi và Thủy sản trong tình hình mới (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khi phát biểu tại Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26/4/2021, tại Hà Nội.

 

Doanh nghiệp cần đồng hành với người chăn nuôi gia cầm

 

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng lí giải một số nguyên nhân dẫn đến tăng giá TACN như:

 

Giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Cụ thể giá ngô hạt, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4/2021 tại CBOT (Chicago Board of Trade) tương ứng là 249-258USD/tấn, 557-565.5 USD/tấn và 465,7-469,5 USD/tấn (tương tự như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trên 20% so với mức trung bình những năm gần đây), lý do: chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyên hướng sang đầu cơ nông sản và TQ tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước…;

 

Ảnh hưởng của dịch bênh Covid 19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TACN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường);

 

 Achentina là nước cung cấp số lượng lớn ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương cho thị trường thế giới đã có biểu tình, đình công tại các cảng biển vào tháng 01-2/2021 làm cản trở việc xuất khẩu các lô hàng đã được ký kết với khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác để đảm bảo an toàn nguồn cung trong nước, Chính phủ Achentina đã quyết định tạm dừng xuất khẩu ngô hạt đến ngày 28/02/2021 (thời điểm giáp hạt);

 

Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây tại một số tỉnh của Braxin làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này.

Ông Nguyễn Xuân Dương trình bày báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi trong tình hình mới (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Song, ông Nguyễn Xuân Dương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp có gắng tiết giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi gia cầm khi giá đầu ra các sản phẩm này đang ở mức thấp. Cùng với đó, khi sản lượng thức ăn cho lợn giảm mạnh, chính người chăn nuôi gia cầm đã giúp cho sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp không bị sụt giảm nhiều.

 

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, cơ cấu sản lượng TACN theo đối tượng vật nuôi đang có sự thay đổi giữa thức ăn cho lợn và thức ăn cho gia cầm. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2017, sản lượng TACN cho lợn luôn chiếm trên 60% (63,6-67,3%), cho gia cầm ở mức trên 30% (30,6-33,5%) so với tổng sản lượng TACN các loại. Đến giai đoạn 20218-2020, cơ cấu có sự thay đổi theo hướng giảm TACN cho lợn, tăng TACN cho gia cầm, cụ thể như sau:

 

– Năm 2018: TACN cho lợn chiếm 56,6%, TACN cho gia cầm chiếm 40,7%

 

– Năm 2019: TACN cho lợn chiếm 49,7%, TACN cho gia cầm chiếm 47,2%;

 

– Năm 2020: TACN cho lợn chiếm 43,8%, TACN cho gia cầm chiếm 52,7%.

 

Đáng chú ý, năm 2020 cũng là năm đầu tiên ghi nhận sản lượng TACN cho lượng thấp hơn sản lượng TACN cho gia cầm trong cơ cấu sản lượng TACN tổng số. Như vậy, quy mô đàn lợn đang giảm tương đối trong sản xuất so với đàn gia cầm ngày càng tăng nhanh.

 

Đồng bộ biện pháp kiểm soát giá và thị trường TACN trong nước

 

Để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng,  cần khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu TACN (Mỹ, Achentina, Braxin, Ấn Độ…) có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường TACN tại Việt Nam.

 

Cùng với đó, cần có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu TACN; làm việc với các hãng vận tải biển đã ký kết với VN đảm bảo duy trì cơ số tầu, contener cho thị trường Việt Nam;

 

Ngoài ra, cần khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống Logistics, hạ tầng kho, cảng, hệ thống xà lan nổi để tăng năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa nông sản, TACN.

 

Cùng với đó, cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, ATTP nguyên liệu TACN nhập khẩu phải đơn giản tối đa các thủ tục hành chính và tiết kiệm nhất chi phí kiểm tra cho các doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí TACN nhập khẩu.

 

 Các địa phương cần chủ động dành quỹ đất và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi, sản xuất các loại nguyên liệu TACN tại chỗ và chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sử dụng nguồn nguyên liệu TACN.

 

Còn đối với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…); Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành TACN thành phẩm.

 

Người chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi (giảm thấp nhất FCR/đơn vị sản phẩm chăn nuôi).

 

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu TACN bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu TACN.

 

Cùng với đó cần tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc. Nhu cầu tăng thêm cho mục tiêu này là từ 150-200 ngàn ha vào năm 2025.

 

Áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến nâng cao giá trị và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông, công nghiệp làm nguyên liệu TACN như rơm, cỏ xanh, thân cây ngô, bã dứa, bẵ sắn, vỏ quả điều, xương và mỡ cá tra, đầu và vỏ tôm…

 

Chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn trong nước có thể sản xuất được như chế phẩm probioitic, enzim, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…)

 

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ổn định sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, C.P đã tăng cường các thiết bị để dự trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng “ăn đong”, mua thức ăn chăn nuôi giá cao ảnh hưởng đến đội giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi.  Đối với chi phí logistics, phần lớn nguyên liệu C.P  nhập hàng rời, giúp giảm chi phí và thời gian. Cùng với đó, C.P ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước, cám, gạo, bột cá, bột đậu tôm, bột lông vũ… để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Với một số loại cám cho gà con, C.P không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi mà khuyến cáo khách hàng sử dụng vắc xin để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, nhờ đó chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng giảm.

 

“Cùng với đó, nhờ việc triển khai những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả nên nhà máy thức ăn chăn nuôi của C.P nằm ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương – tâm dịch nhưng nhà máy vẫn sản xuất bình thường”, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm.

 

Hà Ngân

 

Diễn biến tăng giá TACN “chóng mặt” tại Việt Nam từ Quý III/2020 đến nay

 

Giai đoạn từ năm 2015 đến Quý III/2020 nhìn chung giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Giá các loại nguyên liệu chính của TACN bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30-35%, tuy nhiên giá TACN thành phẩm chỉ bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 12/2020 (do giai đoạn này các doanh nghiệp đang còn nguồn nguyên liệu dự trữ với giá thấp) và tăng dần đến thời điểm hiện nay. Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá TACN thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đ/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đ/kg, tùy từng loại).

 

Tổng hợp giá một số nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2015-2020 (Nguồn: Cục Chăn nuôi)

 

Giá một số nguyên liệu TACN trong Quý IV/2020 tăng so với Quý I/2020, cụ thể: ngô hạt 6.126 đ/kg (tăng 9,2%), khô dầu đậu tương 11.190 đ/kg (tăng 25,2%), DDGS 7.135 đ/kg (tăng 26,7%). Tuy nhiên giá TACN thành phẩm năm 2020 được duy trì ổn định, so với Quý I/2020, giá TACN thành phẩm trong Quý IV/2020 chỉ tăng nhẹ từ 0,2-0,8%.

 

Trong Quý I/2021 giá nguyên liệu TACN tiếp tục tăng, cụ thể: ngô hạt 7.371 đ/kg, tăng 20,3%; khô dầu đậu tương 13.533 đ/kg, tăng 12,9%; DDGS 8.700 đ/kg, tăng 21,9% so với giá bình quân Quý IV/2020… Sau khi đạt mức cao nhất vào giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay, giá nguyên liệu TACN đã giảm nhẹ vào cuối tháng 3 và duy trì đến đầu tháng 4. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây (20-23/4), giá một số nguyên liệu như ngô, DDGS, lúa mì có xu hướng tăng nhanh do những lo ngại từ việc nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng cao cũng như tình trạng hạn hán tại Braxin có thể ảnh hưởng đến sản lượng ngô của nước này.

 

Giá TACN thành phẩm trong Quý I/2021 tăng so với Quý IV/2020, cụ thể: TAHH cho lợn thịt từ 60kg trở lên 10.357 đ/kg (tăng 10,4%), TAHH cho gà thịt lông màu 10.601 đ/kg (tăng 11,0%), TAHH cho gà thịt lông trắng 10.702 đ/kg (tăng 7,5%). Trong tháng 4/2021, giá TACN thành phẩm tiếp tục tăng 2,7-3,3% so với Quý I/2021 (Chi tiết theo Bảng 6 phụ lục đính kèm).

 

Trong sản xuất TACN công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương… chiếm khoảng 10-15%. Theo mặt bằng hiện nay, chỉ tính riêng chi phí nguyên liệu cho TAHH hoàn chỉnh lợn bình quân là 8.894đ/kg; TAHH hoàn chỉnh của gà màu bình quân là 9.757đ/kg; TAHH hoàn chỉnh của gà trắng bình quân là 10.050đ/kg; Các chi phí vận hành sản xuất, kinh doanh, bao bì, lương khoảng 2.500-3.000 đồng/kg.

 

Dẫn đến giá thành thực tế bán ra TAHH hoàn chỉnh của lợn giai đoạn vỗ béo  là khoảng 11.000đ/kg, TAHH hoàn chỉnh của gà màu nuôi thịt là khoảng 12.100đ/kg,  TAHH hoàn chỉnh của gà trắng nuôi thịt là 12.500đ/kg.

 

Năm 2020, sản lượng TACN của Việt Nam đạt 20,3 triệu tấn; trong đó, sản lượng của các doanh nghiệp FDI đạt 12,1 triệu tấn (tương đương 59,8%), của các doanh nghiệp trong nước đạt 8,2 triệu tấn (tương đương 40,2%).  Quý I/2021, tổng lượng TACN nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD; tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

 

P.V

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập