Hươu Sao (Cervus nippon) là một loài động vật nhai lại với 13 phân loài đã được mô tả gắn liền với các địa phương khác nhau, trong đó có hươu Sao Việt Nam (Cervus nippon pseudaxis) là phân loài nhiệt đới, có thể vóc nhỏ nhất trong số các phân loài hươu Sao. Chính nhờ có chứa các hoạt chất sinh học liên quan đến năng lực hoạt động sinh dục cao và giúp tại tạo mô bào nhanh mà nhung hươu đã được dùng như một loại thuốc quý. Ngoài ra, thịt hươu và một số sản phẩm khác từ hươu cũng rất có giá trị. Chính vì thế mà chăn nuôi hươu có thể đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Bài viết này nhằm giới thiệu tổng quan về tình hình chăn nuôi hươu trên thế giới và ở Việt Nam.
Chăn nuôi hươu Sao trên thế giới
Hươu Sao có nguồn gốc và được phận bố rộng rãi ở vùng Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên), đã được du nhập đến nhiều nơi khác trên thế giới (Nga, các nước Đông Âu, Trung Âu, Tây Âu, New Zealand, Australia, Morocco, Bắc Mỹ). Ở châu Á hươu Sao được nuôi chủ yếu để lấy nhung, còn các nơi khác thì chủ yếu nuôi lấy thịt và các mục tiêu khác như lấy nhung, săn bắn, trang trí... Số lượng của chúng thay đổi đáng kể ở các quốc gia khác nhau. Mặc dù chăn nuôi hươu đang phát triển mạnh, nhưng hươu cũng đang bị đe dọa và tuyệt chủng trong tự nhiên ở nhiều khu vực.
Các quần thể hươu Sao nuôi theo kiểu chăn thả tự do có nhiều ở châu Úc (New Zealand), Bắc Mỹ (Kentucky, Maryland, North Carolina, Texas, Virginia) và ở châu Âu (Áo, Czech, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Ba Lan, Anh). Hầu hết những quần thể này được du nhập vào cuối thế kỷ XIX (1890s) và đầu thế kỷ XX (1930s), mặc dầu gần đây cũng có du nhập thêm (FAO, 1982; Whithead, 1993).
Nhật Bản có số lượng huơu Sao bản địa lớn nhất trên thế giới, mặc dù số lượng chính xác là không chắc chắn, nó có khả năng nằm trong khoảng hàng trăm nghìn con và vẫn đang tăng lên, chủ yếu do những nỗ lực bảo tồn gần đây và sự tuyệt chủng của loài săn mồi chính của nó. Do không còn kẻ thù chính, số lượng của hươu Sao bùng nổ và hiện tại nó đã quá đông ở nhiều khu vực, gây ra mối đe dọa cho cả rừng và đất nông nghiệp. Các nỗ lực hiện đang được thực hiện để kiểm soát số lượng thay vì bảo tồn nó.
Trung Quốc đã từng có quần thể hươu Sao lớn, nhưng nạn săn bắn và mất môi trường sống đã khiến số lượng của chúng giảm xuống. Năm trong tổng số 13 loài hươu trên thế giới được tìm thấy ở Trung Quốc, nhưng hiện nay chỉ còn 3 loài, trong đó có 1 loài (Cervus nippon nopschi) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 8500 hươu hoang dã và hơn 290.000 hươu được nuôi tại các trang trại (McCullough, & cs., 2009).
Nga có một quần thể hươu Sao tương đối lớn và ổn định với khoảng 8.500-9.000 cá thể thuộc phân loài Mãn Châu, nhưng chỉ giới hạn ở một khu vực nhỏ ở vùng Viễn Đông, đặc biệt là ở Primorsky Krai (Aramilev, 2009).
Ở Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, đa phần các loài hươu đều bị tuyệt chủng, chỉ còn một số ít nằm trên các cánh rừng gần biên giới Nga và Trung Quốc. Một số lượng nhỏ hươu Sao có thể đang tồn tại ở Triều Tiên, nhưng loài này đã tuyệt chủng ở Hàn Quốc.
Tại châu Âu, hươu Sao được ghi nhận có từ cách đây khoảng 150 năm ở một số vùng. Hiện nay, loài hươu này đang được nuôi để lấy thịt và nhung với số lượng ngày một tăng. Ở Vương quốc Anh và Ireland, một số quần thể hoang dã riêng biệt hiện đang tồn tại. Một số trong số này nằm ở những khu vực biệt lập, ví dụ như trên đảo Lundy, nhưng những quần thể khác lại tiếp xúc với quần thể hươu Đỏ bản địa và có sự tạp giao giữa hai loài với nhau (Whitehead, 1993).
New Zealand hiện là nước nuôi hươu lấy thịt và nhung nhiều nhất thế giới. Hươu được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên tại New Zealand là năm 1885. Gần một thế kỷ sau (năm 1980), hơn 100.000 con hươu được nuôi tại các trang trại ở New Zealand và đến năm 1986, số lượng đã tăng lên trên 400.000 con (Banwell, 2009). Hiện nay, New Zealand có khoảng 1 triệu con hươu, hàng năm sản xuất hơn 12 triệu tấn thịt hươu và xuất khẩu nhung hươu với giá trị hơn 65 triệu đôla.
Về công tác giống và sinh sản, hiện nay trên thế giới người ta đã áp dụng phương pháp phối giống nhân tạo (PGNT) trong nhân giống hươu ở nhiều nước. Riêng New Zealand hàng năm có trên 10.000 hươu cái được PGNT. Tuy nhiên, các công nghệ sinh sản áp dụng cho hươu vẫn gặp nhiều khó khăn hơn các loài gia súc liên quan đến hoạt động sinh dục mang tính mùa vụ của hươu.
Về nuôi dưỡng, phương thức chăn nuôi hươu phổ biến là nuôi chăn thả bán hoang dã. Đã có khá nhiều nghiên cứu về sinh lý dinh dưỡng và nhu cầu dinh dưỡng của hươu (Masuko và Souma, 2009). CSIRO (1990), AFRC (1993) và NRC (2007) đã đưa ra các khuyến cáo về tiêu chuẩn ăn cho các loài hươu như hươu Đỏ (Cervus elaphus), Tuần lộc (Rangifer tarandus), hươu Sừng tấm (Cervus canadensis) và hươu Đuôi trắng (Odocoileus virginianus), nhưng lại không có tiêu chuẩn ăn cho hươu Sao. Tuy nhiên, cũng đã có các nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của hươu Sao, chủ yếu được tiến hành ở Trung Quốc và Nhật bản.
Chăn nuôi hươu Sao ở Việt Nam
Chưa có cứ liệu chắc chắn là hươu Sao được nuôi ở Việt Nam từ bao giờ. Một số tài liệu cho rằng hươu được nuôi ở nước ta từ thế kỷ XVIII. Điều đó có thể là do suy luận từ chỗ trong cuốn Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã mô tả tập tính xã hội của đàn hươu. Mặt khác, thời kỳ đó Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) cũng đã sử dụng nhung hươu và gạc hươu trong các bài thuốc khác nhau. Hương Sơn (Hà Tĩnh) được coi là nơi nuôi hươu đầu tiên ở Việt Nam. Nơi đó chính là quê mẹ và là nơi gắn liền với hầu hết cuộc đời và nghề thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Có tài liệu cho rằng chính Hải Thượng Lãn Ông là người đã thuần dưỡng những con hươu Sao từ rừng về cho người nông dân Hương Sơn nuôi.
Bảng 1. Tổng đàn hươu nai của cả nước và một số tỉnh qua các năm gần đây (con)
|
2010
|
2012
|
2014
|
2016
|
2018
|
2020
|
Cả nước
|
46.382
|
59.574
|
63.114
|
55.782
|
62.792
|
60.939
|
Hà Tĩnh
|
24.222
|
31.907
|
34.817
|
32.903
|
35.113
|
36.109
|
Nghệ An
|
17.232
|
17.707
|
18.782
|
14.890
|
15.071
|
14.892
|
Đắk Lăk
|
1.192
|
3.045
|
2.445
|
2.225
|
2.950
|
2.243
|
Ninh Bình
|
1.333
|
1.799
|
1.925
|
-
|
2.043
|
2.111
|
Đồng Nai
|
1.200
|
1.162
|
884
|
-
|
1.663
|
1.558
|
Lâm Đồng
|
121
|
143
|
255
|
463
|
397
|
433
|
Bắc Giang
|
318
|
365
|
619
|
717
|
904
|
234
|
Phú Yên
|
203
|
380
|
432
|
498
|
379
|
7
|
Thái Nguyên
|
152
|
-
|
204
|
334
|
575
|
205
|
Các tỉnh khác
|
409
|
3.066
|
2.751
|
3.752
|
3.697
|
3.147
|
Nguồn: Niên giám thống kê (TCTK, 2020)
Gần đây, chăn nuôi hươu Sao ở Việt Nam phát triển mạnh với số lượng đàn hươu khá ổn định (Bảng 1). Theo kết quả thống kê đến (TCTK, 2020), tổng số hươu nai vào năm 2020 của cả nước là 60.939 con; trong đó, các tỉnh có nuôi nhiều hươu là Hà Tĩnh (36.109 con), Nghệ An (14.892 con), Đăk Lăk (2.243 con), Ninh Bình (2.111 con) và Đồng Nai (1.558 con). Địa phương chăn nuôi hươu nhiều nhất hiện nay vẫn là huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hiện tại (2020), toàn huyện có khoảng 10.000 hộ nuôi hươu với tổng đàn hươu của huyện có trên 36.000 con, cho thu hoạch trên 15 tấn nhung với trị giá khoảng 160 tỷ đồng (mỗi kg nhung có giá khoảng 12 triệu đồng).
Nghề nuôi hươu ở nước ta cho đến nay chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức nuôi nhốt với mục đích chủ yếu là lấy nhung, mặc dù gần đây một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi hươu lấy thịt. Chăn nuôi hươu vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của nông dân truyền lại cho nhau. Hầu như không có các hoạt động khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi hươu nên người nuôi hươu vẫn chưa có được những kiến thức cập nhật cần thiết về con hươu và các kỹ thuật chăn nuôi chúng dựa trên cơ sở khoa học.
Tài liệu tham khảo
1. AFRC (1993). Energy and protein requirements of ruminants. An advisory manual prepared by the AFRC Technical Committee on Responses to Nutrients. CAB International, Wallingford, UK.
2. Aramilev V.V. (2009). The Sika in Russia. In: McCullough D.R., Takatsuki S., Kaji K. (eds) Sika Deer. Springer, Tokyo.
3. Banwell D.B. (2009). The Sika in New Zealand. In: McCullough D.R., Takatsuki S., Kaji K. (eds) Sika Deer. Springer, Tokyo.
4. FAO (1982). Deer Farming - Guidelines on Practical Aspects. Fao Animal Production and Health Paper 27.
5. Masuko & Souma (2009.) Nutritional Physiology of Wild and Domesticated Japanese Sika Deer. In: McCullough D.R., Takatsuki S., Kaji K. (eds) Sika Deer. Springer, Tokyo.
6. McCullough D.R., Zhi-Gang Jiang, and Chun-Wang Li (2009). The Sika in Mainland China. In: McCullough D.R., Takatsuki S., Kaji K. (eds) Sika Deer. Springer, Tokyo
7. NRC (2007). Nutrient Requirements of Small Ruminants: Sheep, Goats, Cervids, and New World Camelids. National Academy Press.
8. TCTK (2020). Niên giám thống kê.
9. Whitehead G. K. (1993). The Whitehead encyclopedia of deer. United Kingdom: Swan-Hill Press.
GS.TS Nguyễn Xuân Trạch - Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa - Học viện Nông nghiệp Việt Nam