Thông tin giá heo lên tới trên 50.000 đồng/kg ở Đồng Nai chưa được ghi nhận, khác với một số thông tin trước đó cho rằng giá đang tiếp tục lên. Song người chăn nuôi ở Đồng Nai đã có tâm lý găm hàng chờ giá tăng tiếp mới bán.
Trên thực tế, không phải người nuôi heo nào cũng được hưởng lợi, phần lớn đã bỏ cuộc, treo chuồng, chỉ số ít những trang trại quy mô lớn mới đủ sức duy trì đàn và hưởng thành quả. Vậy ai đang hưởng lợi nhiều nhất? Nhiều ý kiến đều cho rằng, đó là các doanh nghiệp FDI.
Hiện, nhiều hộ nuôi heo đã "treo chuồng, chỉ một số trang trại quy mô lớn mới tiếp tục duy trì đàn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, ở thời điểm hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp FDI với nhiều lợi thế mới có thể chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí là điều tiết giá: “Hiện nay, một số công ty lớn có lượng hàng lớn và có cách tiêu thụ riêng, có khả năng làm giá và điều tiết thị trường, do đó đã có tình trạng giá heo “nhảy múa” như thời gian vừa qua”.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Bộ, chủ trang trại heo ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, việc doanh nghiệp chăn nuôi lớn dẫn dắt thị trường là điều có thể hiểu được. Vấn đề là họ tham gia dẫn dắt thị trường một cách tích cực hay theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”: “Chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ sức dẫn dắt thị trường, chứ người nông dân hay trang trại nhỏ thì không thể làm được việc này. Đó là điều tích cực, nếu biết điều tiết cung cầu thì cả trang trại và người nuôi đều có lợi. Nếu tính toán theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, dùng chiến thuật, dùng thời cơ để áp đặt, xóa sổ những trang trại nhỏ thì đó là điều tai hại”.
Dĩ nhiên, chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng có sự lũng đoạn hay “làm giá” của các doanh nghiệp FDI, nhưng nếu phân tích các diễn biến thực tế thì có thể thấy, doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị phần chăn nuôi trong nước./.
Xuân Lượng
Nguồn: VOV-TP HCM