Hội Chăn nuôi Việt Nam: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi thú y

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Hội Chăn nuôi Việt Nam: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi thú y
Ngày đăng bài - 4/12/2022 12:00:00 AM
Hội Chăn nuôi Việt Nam: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi thú y

[Hội Chăn nuôi Việt Nam} - Ngày 11/3/2022, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có Công văn số 08/CV-HCN gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiến nghị sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi thú y.

 

Chăn nuôi Việt Nam xin trích toàn công văn số 08/CV-HCN của Hội Chăn nuôi Việt Nam như sau:

 

Trước hết, thay mặt cho các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và người chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương và Đại biểu Quốc hội thời gian qua đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để hỗ trợ cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi đã vượt qua đại dịch và ngày càng có môi trường kinh doanh thuận lợi, thu được những kết quả khả quan, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

 

Tuy vậy, thực tế sản xuất chăn nuôi trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, hầu hết các hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều không có lời, đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, thời gian tới những khó khăn đối với người chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn, bởi các lý do sau đây:

 

(1) Giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng cao do dịch bệnh, xung đột vũ trang ở Ucraina làm đứt gãy toàn cầu các chuỗi cung ứng, nhất là đối với mặt hàng ngũ cốc sẽ thiết lập ở mặt bằng giá cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước; (2) Giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi trong nước khó tăng cao tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào; (3) Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò…(4) Biến đổi khí hậu và áp lực của việc kiểm soát môi trường ngày càng gia tăng theo cam kết của các nước tại Cop 26 mà chăn nuôi cũng là những tác nhân gây ô nhiễm không nhỏ tới môi trường và hiệu ứng nhà kính; (5) Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gây áp lực không nhỏ về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Trang trại chăn nuôi gà của hộ nông dân Nguyễn Xuân Hiên ở thôn Ngoại, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ảnh Vũ Sinh

 

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những khó khăn nêu trên có phần tác động không nhỏ từ hệ thống tổ chức quản lý ngành chăn nuôi, thú y của nước ta không còn phù hợp với thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế. Khác với hoạt động kiểm lâm và kiểm ngư, thú y và bảo vệ thực vật là những biện pháp kỹ thuật không thể tách rời quy trình chăm sóc vật nuôi và canh tác cây trồng; không thể xem thú y, bảo vệ thực vật như một ngành độc lập với chăn nuôi, trồng trọt như hiện nay.

 

Trong khi tất cả các nước trên thế giới và 63 tỉnh, TP thuộc Trung ương đều chỉ có một cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y và trồng trọt, bảo vệ thực vật (ở các địa phương hiện nay đều là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật. Đây cũng chính là mô hình tổ chức mà Thủ tướng đã thí điểm rất hiệu quả khi còn là Bí thư tỉnh Quảng Ninh), nhưng ở trên Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn tồn tại 04 đơn vị độc lập nhau. Hoạt động của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y rất chồng chéo, có việc thì cả hai Cục cùng làm, có việc thì bỏ ngỏ không Cục nào chịu trách nhiệm.

 

Hơn nữa, trước yêu cầu tinh giản đầu mối và biên chế hành chính, hiện nay hầu hết các phòng chức năng của các Cục này đều không đáp ứng được yêu cầu về số lượng cán bộ công chức tối thiểu là 7 người/phòng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP. Cụ thể ở Cục Chăn nuôi: Phòng Thanh tra Pháp chế chỉ có 03 người (01 Trưởng 02 nhân viên), Phòng Môi trường và Công nghệ chăn nuôi có 04 người (01 Trưởng 02 Phó và 01 nhân viên), phòng Giống vật nuôi có 04 người (01 Trưởng 01 Phó và 02 nhân viên)...tương tự ở Cục Thú y: Phòng Thanh tra Pháp chế chỉ có 04 người, Phòng Quản lý thuốc thú y có 05 người, Phòng Dịch tễ thú y có 05 người ....Cơ cấu này không những không phù hợp với Nghị định số 101/2020/NĐ-CP mà còn không giải quyết được vấn đề gì trong quản lý nếu không được tổ chức sắp xếp lại.

 

Về vấn đề này Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội trong lĩnh vực chăn nuôi đã có 02 lần kính gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan: lần thứ nhất là Văn bản số 56/HCN-CV ngày 01/10/2021 và lần thứ 2 là Văn bản của 4 Hiệp hội trong lĩnh vực chăn nuôi ngày 26/12/2021 (kính xin được đính kèm). Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7682/VPCP-NN ngày 22/10/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tới các Bộ liên quan, nhưng đến nay vẫn không thấy Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ liên quan tiếp thu, trả lời. Vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành chăn nuôi, nên kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương nghiên cứu vận dụng để ngành chăn nuôi, thú y sớm có được tổ chức bộ máy quản lý nhất thể hóa từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khoa học quản lý, yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Một lần nữa, Hội chăn nuôi Việt Nam khẩn thiết kính mong nhận được sự quan tâm vào chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai, tạo điều kiện cho người chăn nuôi, doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, vượt qua khó khăn và phát triển, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam vào tốp 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất vào năm 2030.

 

Trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và các Đ/c lãnh đạo Quý Cơ quan liên quan./. 

 

 

HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM

PGS TS Nguyễn Đăng Vang

 

 

 Quý độc giả có thể xem toàn Công văn 08 có đóng dấu đỏ TẠI ĐÂY.

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • Huali
Video
Thống kê truy cập