Khả năng sinh trưởng và phát triển của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 tại Trà Vinh

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Khả năng sinh trưởng và phát triển của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 tại Trà Vinh
Ngày đăng bài - 7/21/2021 12:00:00 AM
Khả năng sinh trưởng và phát triển của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 tại Trà Vinh

Phạm Văn Quyến1*, Kim Huỳnh Khiêm2 , Nguyễn Thị Thủy1, Giang Vi Sal1, Nguyễn Văn Tiến1, Bùi Ngọc Hùng1, Hoàng Thị Ngân1 và Huỳnh Văn Thảo3

1 Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ

2 Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

3 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Cú, Trà Vinh

*Tác giả liên hệ: TS. Phạm Văn Quyến, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn - Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ. Điện thoại: 0913951554; Email: phamvanquyen52018@gmail.com  

Ngày nhận bài báo: 22/03/2021 - Ngày nhận bài phản biện: 12/04/2021

Ngày bài báo được chấp nhận đăng: 24/04/2021

 

TÓM TẮT

 

Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng và khả năng lưu gốc qua mùa khô của hai giống cỏ Hamil (Panicum maximum cv. Hamil) và VA06 (Pennisetum americanum x P. Purpureum) tại Trà Vinh. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn, tại các nông hộ thuộc 3 huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020. Kết quả cho thấy, cỏ Hamil và cỏ VA06 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại Trà Vinh. Cỏ Hamil và cỏ VA06 cho năng suất chất xanh cao, tương ứng đạt 229,68 và362,93 tấn/ha/năm, năng suất chất khô tương ứng đạt 49,38 và 57,78 tấn/ha/năm, năng suất protein tương ứng đạt 5,98-5,14 tấn/ha/năm. Khả năng lưu gốc qua mùa khô không tưới của giống cỏ Hamil cao hơn giống cỏ VA06 (65,94% so với 59,86%).

 

Từ khóa: Cỏ Hamil, cỏ VA06, sinh trưởng, phát triển.

 

ABSTRACT

 

The study on growth and development of Panicum maximum cv. Hamil and Pennisetum americanum x P. Purpureum in Tra Vinh province

 

The experiment was implemented in order to assess the growth, performance and the root survival through dry season of two grasses Hamil (Panicum maximum cv. Hamil) and VA06 (Pennisetum americanum X P. Purpureum) in Tra Vinh province. The experiment was completely randomized design at farmers in 3 districts: Tra Cu, Chau Thanh, Cau Ngang, Tra Vinh province from November 2016 to October 2020. The results showed that, Hamil grass and VA06 grass well growth and development in Tra Vinh province. The fresh yield of Hamil grass and VA06 grass was 229.68 and 362.93 tons/ha/year, and dry matter yield was 49.38 and 57.78 tons/ha/year; and the crude protein yield was from 5.98 to 5.14 tons/ha/year, respectively. The root survival through dry season of Hamil grass was higher than that of VA06 grass (65.94% compared with 59.86%).

 

Keywords: Hamil grass, VA06 grass, growth, development.

Cỏ Hamil (Ảnh minh họa)

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu khí hậu nhiệt đới ôn hòa, ít chịu tác động của bão, lũ. Cùng với vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực, tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng. Theo số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh (thời điểm 01/10/2017) đàn bò của tỉnh có 208.723 con, tăng 2.558 con so cùng kỳ năm 2016 (1,24%). Phần lớn bò được nuôi nhiều tại huyện Cầu Ngang 45.138 con chiếm 21,63%, Châu Thành 40.531 con chiếm 19,42%, Trà Cú 35.487 con chiếm 17,00%.

 

Tuy tổng đàn lớn nhưng chăn nuôi bò của tỉnh vẫn còn có những hạn chế như: Hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất (NS) chưa cao, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết bò nuôi chủ yếu phân tán, nhỏ lẻ (chiếm 80% tổng đàn), chất lượng và sức cạnh tranh không cao. Ngoài ra, tác động của quá trình đô thị hóa, cơ sở chăn nuôi vùng nội thị giảm dần. Kết hợp, mùa khô kéo dài, gây tình trạng khô hạn, đồng cỏ chậm phát triển dẫn đến không đủ thức ăn cung cấp cho gia súc, ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực chăn nuôi bò ở nhiều nơi trong tỉnh.

 

Mặt khác, ngày 08/12/2016 Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh đã thông qua Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển về đàn bò đến năm 2020 là 244.500 con và đến năm 2030 là 350.000 ngàn con.

 

Để khắc phục những tồn tại và phát triển phong trào cải tạo đàn bò mà đặc biệt là chú trọng đến phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tại Trà Vinh nên việc xây dựng dự án “Ứng dng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bòthịt chất lượng cao tại tỉnh Trà Vinh” được thực hiện và ngoài việc chú trọng phát triển đàn bò chất lượng cao, đi kèm với nó là dự án còn giúp các địa phương lựa chọn được các giống cỏ phù hợp với điều kiện đất đai và đặc biệt chịu được tình trạng nắng nóng kéo dài nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn thức ăn cả năm cho gia súc.

 

Các giống cỏ sử dụng trong chăn nuôi hiện nay khá đa dạng về chủng loại và hầu hết đều đã được các nhà nghiên cứu tuyển chọn và đánh giá. Trong đó, giống cỏ Panicum maximum cv. Hamil (Hamil) và giống cỏ Pennisetum americanum x P. purpureum (VA06) đều là những giống cỏ đã được rất nhiều nghiên cứu lựa chọn và được đánh giá là giống cỏ cho NS, chất lượng tốt ở nhiều nền sinh thái khác nhau. Do vậy, từ những kết quả đạt được, trong quy mô dự án này sẽ lựa chọn 2 giống cỏ VA06 và cỏ Hamil để triển khai cho nông dân.

 

2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

2.1. Vật liệu, địa điểm và thời gian

 

Giống cỏ Hamil và cỏ VA06 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn nhân giống và sản xuất, được thí nghiệm tại 3 huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020.

 

2.2. Phương pháp

 

2.2.1. Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được thiết kế theo kiễu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD), mỗi huyện tương ứng với 1 lần nhắc lại (Bảng 1).

2.2.2. Chế độ canh tác

 

Gieo trồng: Cỏ Hamil được gieo bằng hạt. Số lượng 8-10 kg/ha, gieo theo hàng, hàng cách hàng 60cm. Cỏ VA06 được trồng bằng hom, hom được cắt dài 20-30cm, có 2-3 đốt. Hom được trồng theo hàng, hàng cách hàng 60cm, hom cách hom 25cm. Số lượng sử dụng 8-10 tấn/ha.

 

Phân bón: Lượng phân bón sử dụng giống nhau cho cả 2 giống cỏ. Lượng phân bón lót/ ha gồm 40 tấn phân chuồng, 1 tấn vôi bột, 500kg lân, bón 1 lần. Phân bón thúc 75kg ure/ lần bón, lần 1 sau gieo 30 ngày, các lần tiếp theo sau khi thu cắt 20 ngày (nền phân bón và phương pháp bón được áp dụng theo quy trình sản xuất của TT Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn).

 

Thu hoạch: Cỏ được thu hoạch lứa đầu 60 ngày, các lứa tái sinh 40 ngày, cắt cách gốc 8-15cm.

 

2.2.3. Chỉ tiêu theo dõi

 

Chiều cao cây và khả năng phân nhánh của cây: Chiều cao cây và khả năng phân nhánh của cây được xác định vào thời điểm trước khi thu hoạch (60 ngày lứa đầu). Tiến hành đo, đếm cây trong 3 điểm, mỗi điểm 1 bụi và lặp lại 3 lần. Xác định chiều cao cây (cm) bằng cách đo từ gốc đến mút lá dài nhất của cây. Khả năng phân nhánh là tổng số nhánh có trong mỗi bụi.

 

Tốc độ tái sinh trưởng (cm/ngày): Sau khi cắt lần 1, cứ 10 ngày đo để xác định độ cao của cây cho đến khi cắt lứa tiếp theo. Tốc độ tái sinh được xác định bằng cách lấy chiều cao đo được chia cho 10 được tốc độ tái sinh của cỏ trong 1 ngày đêm.

 

NS chất xanh (tấn/ha): Cỏ được xác định NS 1 lần vào 60 ngày sau gieo. Cỏ cắt lúc 9h sáng khi cây đã khô ráo, cắt cách mặt đất 8-15cm. Xác định lượng cỏ xanh của mỗi giống tại 3 điểm, mỗi điểm 1m2, lặp lại 3 lần để lấy giá trị trung bình, sau đó quy đổi ra tấn/ha/lứa.

 

Chất lượng cỏ xanh: Lấy mẫu được thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4325:2007 vào thời điểm thu hoạch cho giống cỏ. Phân tích hàm lượng vật chất khô (VCK) theo TCVN 4326-2007, protein thô theo TCVN 4328-2001, xơ thô theo TCVN 4329-2007, béo thô theo TCVN 4331-2001 và khoáng tổng số theo TCVN 10916-2015.

 

Xác định tỷ lệ lưu gốc qua mùa khô của các giống cỏ thínghiệm: Tỷ lệ lưu gốc qua mùa khô (%) = (Số gốc còn lại qua mùa khô/số cây sống cuối mùa mưa) x 100.

 

2.3. Xử lý số liệu

 

Số liệu được xử lý thống kê theo phương pháp ANOVA trên phần mềm Minitab 16.0. Phương pháp Tukey được sử dụng để so sánh sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các giá trị trung bình. Ý nghĩa thống kê được xác định khi P<0,05.

 

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

 

3.1. Khả năng sinh trưởng, phát triển của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 tại Trà Vinh

 

Chiều cao cây và số nhánh trên một đơn vị diện tích là 2 yếu tố chính cấu thành NS chất xanh của cỏ. Các giống cỏ có chiều cao khi thu hoạch càng lớn thì NS càng cao và ngược lại.

Kết quả tại Bảng 2 cho thấy, chiều cao cây của giống cỏ Hamil ở các thời điểm đo đều thấp hơn cỏ VA06 (P<0,05). Cùng thu hoạch ở thời điểm 60 ngày, chiều cao cây của cỏ Hamil đạt 120,5cm, cỏ VA06 đạt 179,4cm. Chiều cao cây của cỏ Hamil ở thí nghiệm này cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Thủy và ctv (2018), theo tác giả cỏ Hamil trồng tại Bình Dương khi thu hoạch ở thời điểm 60 ngày có chiều cao cây là 109,4cm. Nguyễn Thị Thúy Hằng và ctv (2013) cỏ Hamil trồng tại Thái Nguyên có chiều cao cây khi thu hoạch là 98,7cm (60 ngày tuổi). Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Thế Huệ (2017), chiều cao cây khi thu hoạch của cỏ VA06 trồng tại huyện Eakar, Đăk Lăk là 190cm, cỏ VA06 trồng tại Hà Nội có chiều cao cây khi thu hoạch là 135,4cm (Nguyễn Thị Hòa Bình và ctv, 2017). Như vậy, ở các vùng sinh thái khác nhau, chiều cao cây của các giống cỏ khi thu hoạch đều khác nhau, tuy nhiên, xét về chiều cao cây của hai giống cỏ thì giống cỏ VA06 ở các vùng sinh thái đều cao hơn cỏ Hamil.

 

Bảng 2

 

Số liệu bảng 3 cho thấy, số nhánh/bụi có xu hướng tỷ lệ nghịch với chiều cao cây ở giống cỏ Hamil so với cỏ VA06. Trung bình số nhánh cây/bụi ở 3 lứa cắt của giống cỏ Hamil đạt 32,37 nhánh, cao hơn cỏ VA06 đạt 11,3 nhánh (P<0,05). Như vậy, so với giống cỏ VA06, khả năng đẻ nhánh của cỏ Hamil gấp khoảng 3 lần. Điều này là do, cỏ VA06 là giống cỏ phát triển thiên về chiều cao nên khả năng đẻ nhánh sẽ bị hạn chế trong quá trình sinh trưởng. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hòa Bình và ctv (2017), cỏ VA06 có số nhánh/bụi trung bình 3 lứa là 10,8 nhánh, cỏ Hamil có 34,67 nhánh/bụi (Nguyễn Thị Thủy và ctv, 2018).

 

Số liệu bảng 4 cho thấy, tốc độ tái sinh trưởng chậm nhất ở giai đoạn 1-10 ngày ở cả hai giống cỏ. Tốc độ tái sinh trưởng của cỏ bắt đầu tăng lên ở giai đoạn 10-20 ngày, đạt ngưỡng cao nhất ở 20-30 ngày và có xu hướng giảm dần ở giai đoạn 30-40 ngày. Trung bình tốc độ tái sinh trưởng của cỏ Hamil ở tất cả các giai đoạn đạt 2,22cm, thấp hơn cỏ VA06 đạt 3,48cm (P<0,05). Nhìn chung, tốc độ tái sinh trưởng của hai giống cỏ đều tuân theo quy luật sinh trưởng chung. Theo Nguyễn Thị Thúy Hằng và ctv (2013), tốc độ sinh trưởng của cỏ Hamil ở lứa cắt tái sinh trung bình là 2,50cm và của cỏ VA06 đạt 4,14cm (Nguyễn Thị Hòa Bình và ctv, 2017).

 

Tóm lại, tốc độ tái sinh trưởng của cỏ không chỉ ảnh hưởng bởi giống mà còn ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố khác như thổ nhưỡng, nhiệt độ, độ ẩm tại thời điểm thí nghiệm.

 

3.2. Năng suất chất xanh, chất lượng của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 tại Trà Vinh

 

Số liệu ở Bảng 5 cho thấy, số lứa cắt ở giống cỏ Hamil và VA06 khi gieo trồng tại Trà Vinh trung bình đạt 9 lứa/năm. Năng suất chất xanh của giống cỏ Hamil đạt 229,68 tấn/ ha/năm, NS chất khô đạt 49,38 tấn/ha/năm và NS protein đạt 5,98 tấn/ha/năm. Tương tự, giống cỏ VA06 có NS chất xanh là 362,93 tấn/ ha/năm, NS chất khô là 57,78 tấn/ha/năm và NS protein là 5,14 tấn/ha/năm. Như vậy, cỏ Hamil tuy có NS chất khô thấp hơn so với cỏ VA06 (49,38 tấn so với 57,78 tấn) (P<0,05), NS protein lại cao hơn cỏ VA06 (5,98 tấn so với 5,14 tấn) (P<0,05). Có thể thấy, cỏ Hamil tuy NS chất xanh thấp, nhưng có thành phần dinh dưỡng cao hơn, đặc biệt là hàm lượng protein, nên khi quy về NS protein cho NS cao hơn.

 

Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với kết quả của Nguyễn Thị Thuý Hằng và ctv (2013), NS chất xanh cỏ Hamil khi trồng tại Thái Nguyên chỉ đạt 14,02 tấn/ha/lứa. Trương La và ctv (2011), khi đánh giá NS cỏ TD58 tại Đăk Lăk cho thấy, NS chất xanh cỏ đạt 13,89 tấn/ha/lứa, NS chất khô đạt 21 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi lại thấp hơn nghiên cứu của Phạm Thế Huệ (2017), khi đánh giá NS cỏ TD58 tại huyện Eakar, Đăk Lăk, cỏ cho NS chất xanh trung bình 45,00 tấn/ha/lứa, cỏ VA06 đạt 64,4 tấn. Nguyễn Thị Hòa Bình và ctv (2017), cỏ VA06 trồng tại Hà Nội cho NS chất xanh là 73,94 tấn/ ha/lứa. Theo nghiên cứu của Mai Hoàng Đạt (2009) cỏ VA06 trồng tại Thái Nguyên cho NS chất xanh 418-637,5 tấn/ha/năm với lứa cắt 50 ngày. Nguyễn Thị Mùi và ctv (2012) cho thấy giống VA06 cho NS vật chất khô 66,69-68,28 tấn/ha/năm và cỏ TD58 là 34,68-48,76 tấn/ha/ năm. Theo nghiên cứu của Cook và ctv (2005), VCK cỏ Hamil trung bình là 30 tấn/ha/năm, phụ thuộc chủ yếu vào phân bón. Trong điều kiện không được chăm sóc, NS cỏ Hamil đạt khoảng 7 tấn VCK/ha/năm, khi được chăm sóc tốt, sản lượng VCK lên đến 52 tấn/ha/năm (Hongthong, 2005).

 

Như vậy, tiềm năng cho NS của giống cỏ Hamil và cỏ VA06 là rất cao, tuy nhiên ở các vùng sinh thái cũng như chế độ canh tác khác nhau mà chúng ta có thể khai thác được NS chất xanh của hai giống cỏ ở mức độ nào là tối ưu.

 

 

Thành phần hóa học là chỉ tiêu quan trọng giúp đánh giá đúng nhất về chất lượng của cỏ. Số liệu Bảng 6 cho thấy, thành phần dinh dưỡng của cỏ Hamil cao hơn cỏ VA06 trong điều kiện trồng tại Trà Vinh. Cỏ Hamil có hàm lượng VCK đạt 21,50%, protein đạt 12,10%, xơ thô đạt 34,23%, béo thô đạt 1,92% và khoáng tổng số đạt 2,66%. Tương tự, cỏ VA06 có thành phần dinh dưỡng lần lượt là 15,92% VCK, 8,90% protein, 29,62% xơ thô, 2,24% béo thô và 2,01% khoáng tổng số.

Cò VA06 (Ảnh minh họa)

 

Kết quả về thành phần hóa học của cỏ Hamil trong nghiên cứu này cao hơn kết quả của Nguyễn Thị Thúy Hằng và ctv (2013), cỏ Hamil cho chất lượng: 21,57% VCK, 9,72% protein, 28,65% xơ thô, 0,34% béo thô và 1,91% khoáng tổng số. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thủy và ctv (2018), cỏ Hamil trồng tại Bình Dương có VCK là 20,1%, protein 10,9%, xơ thô 32,1% và khoáng tổng số 1,9%. Tại Thái Nguyên, Mai Hoàng Đạt (2009) khi trồng cỏ VA06 cho VCK 14,78%, protein 9,03%, xơ thô 32,52%. Cỏ VA06 thu hoạch ở thời điểm 45 ngày, cắt ở độ cao 10cm có protein 10,3%, VCK 15-16%, ADF 44,1%, NDF 66,8%, tro 14,5% và 36,5% carbohydrate hòa tan (Pipat và ctv, 2014).

 

Tóm lại, giống cỏ Hamil và cỏ VA06 trồng tại Trà Vinh cho chất lượng tốt, phù hợp cho gia súc sử dụng.

 

 

Tỷ lệ lưu gốc của cỏ sau mùa khô không tưới sẽ thể hiện được khả năng chịu hạn của các giống cỏ, tỷ lệ lưu gốc càng cao, khả năng chịu hạn qua mùa khô không tưới càng cao và ngược lại. Số liệu Bảng 7 cho thấy, tỷ lệ lưu gốc của cỏ Hamil và cỏ VA06 trồng tại Trà Vinh lần lượt là 65,94% và 59,86%. Điều này cho thấy, khi không tưới hoàn toàn vào mùa khô thì tỷ lệ lưu gốc của cỏ VA06 thấp hơn cỏ Hamil. Như vậy, có thể kết luận rằng, cỏ VA06 kém chịu hạn hơn so với cỏ Hamil. Tuy nhiên, với tỷ lệ lưu gốc của cỏ Hamil và cỏ VA06 trong nghiên cứu này là tương đối tốt, với mức độ gốc còn lại sau mùa khô sẽ tạo tiền đề để cỏ tiếp tục đẻ nhánh, tạo NS trong mùa mưa.

 

4. KẾT LUẬN

 

Cỏ Hamil và VA06 đều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu tại Trà Vinh.

 

Cỏ Hamil và VA06 cho NS chất xanh 229,68 và362,93 tấn/ha/năm, NS chất khô 49,38 và 57,78 tấn/ha/năm, NS protein 5,98 và 5,14 tấn/ha/năm.

 

Khả năng lưu gốc qua mùa khô không tưới của cỏ Hamil là 65,94%, cỏ VA06 là 59,86%.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Thị Hòa Bình, Ngô Thị Thùy, Bùi Huy Doanh, Đặng Thái Hải, Nguyễn Thị Hằng và Bùi Quang Tuấn (2017). Năng suất và giá trị dinh dưỡng của cỏ Taiwanese Napier nhập từ Thái Lan trồng tại Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam. Tạp chí KHNN Việt Nam, 15(4): 462-70.

2. Cook B.G., Pengelly B.C., Brown S.D., Donnelly J.L., Eagles D.A., Franco M.A., Hanson J., Mullen B.F., Partridge I.J., Peters M. and Schultze-Kraft R. (2005). CSIRO, DPI & F (Qld), CIAT và ILRI, Brisbane, Australia.

3. Mai Hoàng Đạt (2009). Đánh giá về thành phần loài, năng suất, chất lượng của tập đoàn cây thức ăn gia súc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Luận văn Thạc sĩ Sinh học, Trường Đại học Thái Nguyên.

4. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Hữu Trà và Nguyễn Thị Liên (2013). Ảnh hưởng của các mức phân đạm đến năng suất chất lượng của cỏ P. maximum cv. Hamil trồng tại Thái Nguyên. BCKH Viện Chăn nuôi, Trang: 251-60.

5. Hongthong Phimmasan (2005). Evaluation of tropical forages as feeds for growing rabbits. MSc thesis, Swedish Uni. of Agr. Sci., Dep. Ani. Nut. Man., Uppsala, Sweden.

6. Phạm Thế Huệ (2017). Sinh trưởng và phát triển của cỏ Va06 và Ghine TD8 tại huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk. Tạp chı́ KH Trường Đại học Cần Thơ, 51(B): 1-6.

7. Trương La (2011). Nghiên cứu ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm phát triển nuôi bò cho đồng bào dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

8. Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Văn Quang và Hoàng Đình Hiếu (2012). Nghiên cứu phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi (thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp) có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái Việt Nam. BCĐT-Viện Chăn nuôi.

9. Pipat Lounglawan, Wassana Lounglawan and Wisitiporn Suksomba (2014). Effect of cutting interval and cutting height on yield and chemical composition of King Napier Grass (P. Purpureum x P. Americanum). Apcbee procedia. 8: 27-31.

10. Nguyễn Thị Thủy, Phí Như Liễu và Nguyễn Văn Tiến (2018). Ảnh hưởng của khoảng cách trồng và mức phân chuồng đến năng suất, chất lượng cỏ Panicum maximum cv. Hamil. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 88(6/2018): 37-46.

Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 5.2021

 

 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • hoi thao
  • Huali
Video
Thống kê truy cập