Giá thịt lợn ở mức cao và dự báo còn kéo dài….
Kể từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao hơn khoảng 30-40%, thậm chí có lúc gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Đã có giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục vấn đề này, trong đó phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn chưa chịu giảm nhiệt, thậm chí còn có xu hướng tăng trở lại ở tuần đầu tháng 5-2020. Trong một bài viết đăng tại Tạp chí Chăn nuôi Chăn nuôi Việt Nam (http://nhachannuoi.vn/gia-thit-lon-trong-nuoc-chua-the-giam-trong-ngan-han-vi-sao-vay/), tác giả bài viết này đã dự báo giá thịt lợn sẽ chỉ có thể giảm sớm nhất vào quý III năm 2020. Bởi lẽ, bản chất của vấn đề này là do mất cân đối cung cầu ngay tại thị trường trong nước đẩy giá thịt lợn tăng cao tuân theo đúng quy luật thị trường.
Mất cân đối cung cầu đẩy giá thịt lợn trong nước tăng cao tuân theo đúng quy luật thị trường.
Để giảm giá, biện pháp duy nhất đó là tăng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên cả 2 con đường tăng nguồn cung đó là tăng đàn lợn trong nước và nhập khẩu từ các nước đều gặp khó khăn.
Việc tái đàn, tăng đàn gặp khó vì sau dịch ASF số nái bị giảm mạnh dẫn tới nguồn cung lợn giống khan hiếm, giá lợn giống ở mức rất cao (2,5 – 3 triệu đồng/con) nhưng vẫn khó mua. Mặt khác nhiều trang trại còn e ngại dịch ASF tái phát nên việc tái đàn còn cầm chừng, nghe ngóng dẫn tới quy mô đàn lợn thịt cả nước hiện tại chỉ bằng khoảng 60- 65%, thậm chí nhiều tỉnh chỉ đạt 30-40% so với trước khi có dịch ASF.
Trong khi đó việc nhập khẩu thịt lợn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid 19 và do cạnh tranh với thị trường các nước khác đặc biệt là Trung Quốc. Tính đến hết ngày 27/4/2020, Việt Nam mới nhập được 54.000 tấn thịt lợn, tuy đã tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước (khoảng 100.000 tấn). Dự báo việc nhập khẩu sẽ còn gặp khó vì các nước truyền thống chiếm trên 80% sản lượng thịt lợn nhập của Việt Nam như Mỹ, Nga, Mỹ, Brazil, Canada… đều đang là trung tâm của vùng dịch Covid trên thế giới. Mặt khác do giá thịt lợn tại Trung Quốc tuần đầu tháng 5 mặc dù đã giảm so với trước đó nhưng vẫn còn rất cao (34-36 Nhân dân tệ/kg, tương đương 115 đến 120 ngàn đồng/kg) nên thị trường nhập khẩu thịt lợn càng trở nên cạnh tranh quyết liệt hơn.
Các cơ quan chức năng còn sử dụng biện pháp hành chính, yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá, tuy nhiên cũng không có kết quả, vì muốn hay không, thì cũng như các sản phẩm khác, giá cả là do thị trường tự tự điều tiết. Thịt lợn chưa thuộc danh mục bình ổn giá nên vẫn tuân theo quy luật chung. Mặt khác, mặc dù 15-20 doanh nghiệp lớn đã giảm giá thịt lợn hơi, nhưng ít tác động đến thị trường vì các doang nghiệp này chỉ chiếm khoảng 35% thị phần thịt lợn trong nước, 65% còn lại là các trang trại, nông hộ quy mô vừa và nhỏ.
Giá trứng, thịt gia cầm ở mức rất thấp
Trong khi đó giá thịt, trứng gia cầm đang ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành. Hiện tại giá gà công nghiệp khoảng 17.000 – 22.000 đồng/kg, gà Tam hoàng 27.000 – 28.000 đồng/kg, gà lông màu chăn thả khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg, giá trứng từ 15.000 – 18.000 đồng/chục nhưng sức mua rất yếu. Với giá như trên người nuôi có lãi rất thấp thậm chí gà công nghiệp bị lỗ từ 4.000 -6.000 đồng/kg.
Điều quan trọng hơn đó là sức mua rất yếu nên nếu không bán được, đàn gà càng nuôi sẽ càng lỗ. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Câu trả lời đầy đủ vẫn là mất cân đối cung cầu. Ngược lại với thịt lợn, nguồn cung sản phẩm gia cầm trong nước lại quá thừa so với nhu cầu. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, lên tới gần 500 triệu con, dự báo trong năm 2020, tổng sản lượng thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2019; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.
Nguyên nhân của vấn đề này là vẫn là tâm lý đám đông, khi khó khăn về nuôi lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi người chăn nuôi đổ xô vào nuôi gà theo trào lưu chung dẫn tới nguồn cung bị dư thừa như hiện nay. Vấn đề này đã xảy ra thường xuyên với nhiều loại nông sản dẫn tới các “chiến dịch giải cứu” dưa hấu, thanh long, thịt lợn… những năm gần đây.
Đã vậy, việc các cấp có thẩm quyền cho phép nhập khẩu thịt gà như đổ thêm dầu vào lửa, khiến giá thịt gà càng giảm sâu hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2020 nước ta đã nhập khoảng 40.000 tấn thịt gà, tăng khoảng 36% so với năm 2019 dẫn tới nguồn cung thịt gia cầm tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. Các chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra cảnh báo, việc tiêu thụ gia cầm sẽ còn rất khó khăn và người chăn nuôi cũng sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.
Lối thoát cho người chăn nuôi
Theo tôi, để giúp ổn định thị trường thực phẩm trong nước một cách bền vững, tránh lặp lại những khó khăn như những năm vừa qua cần có sự vào cuộc của nhiều phía, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước và người chăn nuôi là quan trọng nhất.
Cần khuyến khích, vận động người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng dùng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt lợn về mức hợp lý theo xu hướng chung của thế giới
Về phía các Bộ liên quan: 1) Cần xây dựng chiến lược an ninh thực phẩm song song với an ninh lương thực vì các mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng không nhỏ liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, là mặt hàng thiết yếu hàng ngày với mọi gia đình. Sớm đưa mặt hàng thịt lợn, thịt gà vào nhóm hàng được nhà nước bình ổn giá. 2) Nghiên cứu thành lập cơ quan dự báo giá cả thị trường sản phẩm nông nghiệp trực thuộc một trong các Bộ NN&PTNT hoặc Công thương hoặc Kế hoạch đầu tư vì khác với các ngành sản xuất khác nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp phần lớn là nông dân, sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trình độ thấp, nguồn thông tin hạn chế; 3) Tiến hành công tác truyền thông rộng rãi, nhằm vận động người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng dùng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt lợn về mức hợp lý theo xu hướng chung của thế giới.
Về phía người chăn nuôi: 1) Chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin dự báo thị trường, giá cả qua đó quyết định chủng loại, quy mô và thời điểm xuống đàn hợp lý, tránh tâm lý bắt trước đám đông như vẫn tồn tại bấy lâu nay; 2) Chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn đặc biệt là các doang nghiệp giết mổ, bán hàng để hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái./.
GS TS Nguyễn Duy Hoan
Đại học Thái Nguyên