Đề tài nghiên cứu có hiệu quả trong thực tế phải mất 6-10 năm. Nhưng kinh phí không đủ, thời gian lại quá ngắn, làm nản lòng cũng như tâm huyết của nhà khoa học.
TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi
Phân bổ đề tài, kinh phí theo kiểu "bó chân cho vừa giày"
Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo ra các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn sinh động của cuộc sống.
Hiện nay, phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học được đề xuất từ các nhà khoa học, các viện, trường. Rất ít các đề xuất nghiên cứu khoa học công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển ngành nông nghiệp là từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi nghiên cứu khoa học phải từ thực tiễn sản xuất đòi hỏi, gắn nghiên cứu trên nền sản xuất. Do vậy, không đưa ra được những đặt hàng cho nhà khoa học, dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt, thuyết minh đề tài, kinh phí theo dạng cân đối giữa các ngành, dàn trải, manh mún theo kiểu "bó chân cho vừa giày", kết quả không đến đầu đến đũa, không như kỳ vọng.
Nghiên cứu khoa học chính là tìm tòi, khám phá, phát hiện, do vậy trong thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không thể là "dĩ bất biến", mà phải có sự mở (có điều chỉnh, bổ sung linh hoạt theo đề xuất của nhà khoa học).
Viện Chăn nuôi đã nhân bản thành công lợn Ỉ từ tế bào mô tai lợn được nhiều quốc gia khâm phục. Ảnh: Nguyên Huân.
Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thời gian từ khi bắt đầu một đề tài nghiên cứu khoa học cho đến khi có hiệu quả trong thực tế sản xuất phải mất 6-10 năm, nhanh nhất là 5 năm, đặc biệt là nghiên cứu về giống phải có thời gian khá dài mới cho ra sản phẩm cung cấp cho sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, kinh phí lại không đủ và thời gian lại quá ngắn, làm nản lòng cũng như tâm huyết của nhà khoa học, đặc biệt là nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa…
Bên cạnh nguồn đầu tư được ấn định 2% từ ngân sách, Nhà nước cần xã hội hóa đầu tư cho KH-CN bằng cách tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, tài trợ cho KH-CN.
Cơ sở vật chất nghiên cứu nghèo nàn, sập xệ
Với kinh nghiệm của các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), bên cạnh đào tạo cán bộ nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học, cần quan tâm hơn việc đào tạo cán bộ nghiên cứu cũng như đầu tư các phòng thí nghiệm ở viện nghiên cứu và các trường đại học.
Đây là nguồn nhân lực quan trọng cần phải được ươm tạo, được tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ngay từ khi còn trẻ tại các trường đại học. Với sự quan tâm này, sẽ có gần 2 triệu người đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước sẽ ra trường trong 5 năm tới. Lực lượng này sẽ góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Các cơ sở nghiên cứu nói chung và của Viện Chăn nuôi nói riêng đa phần được đầu tư xây dựng từ những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, sập xệ, xuống cấp nghiệm trọng, trang thiết bị chắp vá, từ rất lâu rồi không được đầu tư.
Nhưng với lòng đam mê nghiên cứu khoa học, Viện Chăn nuôi đã nhân bản thành công lợn Ỉ từ tế bào mô tai lợn được nhiều quốc gia khâm phục (nghiên cứu cơ bản là nghiên cứu cho tương lai). Một quốc gia không quan tâm đến nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng thì quốc gia đó sẽ tụt hậu.
Để khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất chính, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển thì thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cơ sơ vật chất, trang thiết bị cho các viện, trường để có môi trường, điều kiện nghiên cứu tốt nhất.
Đặc biệt là những nhiệm vụ công ích như bảo tồn nguồn gen vật nuôi, nuôi giữ giống gốc, nhiệm vụ môi trường; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn… Đây là những nhiệm vụ mà doanh nghiệp, người dân không thể làm được, mà chỉ các viện nghiên cứu mới làm, không phải cái gì cũng có thể xã hội hóa được.
"Tự chủ nửa vời"
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 115, Thông tư 121 và Thông tư 90 của Bộ Tài chính nhằm từng bước đưa các đơn vị sự nghiệp công lập đi vào cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng chủ yếu là tự túc bởi hàng loạt cơ chế về tài chính ràng buộc nên "tự chủ nửa vời".
Đặc biệt là cơ chế về đất đai, sử dụng tài sản công… Các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập không giải phóng được nguồn lực thì không thể tạo ra động lực phát triển. Vấn đề là có quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc bất cập cho KH-CN hay không?
Cần tiếp tục tổ chức sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm sự chồng chéo và khâu trung gian, cần cho cơ chế, không cần cho biên chế theo tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành TW.
Bên cạnh đó, phải có sự công bằng trong giới khoa học về chế độ đãi ngộ vì bên kiểm toán họ nói tại sao cũng là đơn vị nghiên cứu khoa học mà chỗ thì vẫn cấp lương, nơi thì lại thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.
Về vấn đề này, GS.TS Võ Đại Hải (Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp) cũng đã nêu ở Báo Nông nghiệp Việt Nam số 134 (ngày 7/7/2021). Theo tôi, cơ chế chỗ nào không phù hợp thì nên bãi bỏ để các nhà khoa học yên tâm vào công tác nghiên cứu.
Thời bao cấp, chúng ta có được rất nhiều nhà khoa học tâm huyết, có trình độ, kết quả nghiên cứu khoa học đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng bởi họ không phải lo cơm áo, gạo tiền. Nay chúng ta cũng cần có chế độ chính sách động viên đãi ngộ phù hợp để các nhà khoa học yên tâm công tác và cống hiến cho sự phát triển của nền KH-CN nước nhà.
TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam