Khác biệt quan trọng giữa TPP và CPTPP
Do không có sự tham dự của Mỹ, CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement For Trans-Pacific Partnership) tất yếu có những nội dung khác biệt so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement – TPP). Cụ thể, có 20 điều khoản của TPP đã bị đình chỉ trong các lĩnh vực gồm đầu tư và sở hữu trí tuệ…, chủ yếu là những cam kết có liên quan tới thị trường Mỹ, cũng như các áp lực cải cách từ các thỏa thuận với Mỹ.
Tại thời điểm CPTTP có hiệu lực, các bên sẽ tạm đình chỉ thực hiện các điều khoản quy định tại Phụ lục của Hiệp định, cho đến khi các bên đồng ý kết thúc việc tạm đình chỉ thực hiện một hay nhiều hơn các điều khoản đó.
CPTPP tạo cơ hội mới để doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các nước thành viên.
Theo Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước lúc này để có thể tiếp tục triển khai.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, TPP sẽ làm vô hiệu hóa một số luật và thông lệ của các nước thành viên trong việc bảo vệ các dược phẩm mới không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc (generic drug). Trong khuôn khổ của CPTPP, không có yêu cầu nào cho các nước thành viên thay đổi các luật và thông lệ đối với các dược phẩm mới gồm cả chế phẩm sinh học. Các nước thành viên cũng đồng ý đình chỉ nghĩa vụ gia hạn thời hạn bản quyền trong những trường hợp có những trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bản quyền, cũng như cấp phép nhập khẩu một loại thuốc nào đó vào các nước thành viên.
Ngoài ra, một số quy định về sở hữu trí tuệ có trong TPP cũng bị đình chỉ trong CPTPP. Chẳng hạn, các nước không còn phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền lên 70 năm (từ 50 năm) và điều này giúp làm giảm chi phí hữu hình cho các nước thành viên của CPTPP so với TPP. Có tổng cộng 11 quy định về sở hữu trí tuệ của TPP đã bị đình chỉ trong CPTPP.
Về Cơ chế Giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS), CPTPP vẫn bảo lưu ISDS, nhưng giảm bớt phạm vi cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng cơ chế này để kiện chính phủ nước thành viên sở tại. Theo đó, trong khuôn khổ CPTPP, các công ty tư nhân có hợp đồng đầu tư với chính phủ sẽ không được phép sử dụng cơ chế ISDS để kiện chính phủ nước sở tại nếu đó là tranh chấp về hợp đồng.
Cần lưu ý rằng, công ty sở tại không được sử dụng ISDS để khởi kiện chính phủ nước sở tại, nhưng có thể sử dụng ISDS để khởi kiện chính phủ của một nước thành viên khác. ISDS chỉ liên quan đến các tranh chấp về các điều khoản đầu tư của CPTPP.
Công ty không có quyền quyết định lập ban trọng tài của ISDS. CPTPP có điều khoản quy định ban trọng tài có ba thành viên, một do chính phủ cử ra, một do nguyên đơn lựa chọn và một trọng tài chủ tọa do chính phủ và nguyên đơn cùng lựa chọn.
Theo TPP, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước ký, thì Hiệp định mới có hiệu lực. Trong khi đó, CPTPP quy định chỉ cần 6 nước thành viên thông qua là Hiệp định có hiệu lực.
CPTPP là thế hệ FTA mới chất lượng cao hơn FTA thế hệ cũ. Khi đàm phán mà Mỹ là nước chủ chốt, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phải nhượng bộ một số quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn. Do đó, việc “đóng băng” 20 điều khoản có lợi cho Việt Nam. Hơn nữa, trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông…
Các thị trường mới
Mỹ là trụ cột chính trong TPP, nếu có Mỹ thì TPP có 12 nước có GDP chiếm 40% GDP toàn cầu, với thị trường hơn 800 triệu người; không có Mỹ thì GDP của 11 nước chỉ chiếm 13,5% GDP toàn cầu, với 489 triệu dân. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều nhắm vào thị trường Mỹ khi tham gia thỏa thuận này. Việc thiếu Mỹ đương nhiên khiến cho tính toán của mỗi quốc gia trong CPTPP thay đổi.
Khi TPP có Mỹ, theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo quốc gia, Việt Nam được hưởng lợi như GDP tăng thêm 6,7%, tăng trưởng xuất khẩu 15- 17%; khi CPTPP không có Mỹ, GDP tăng thêm 1,32%, tăng trưởng xuất khẩu 4%. Đó là tính trên lý thuyết, còn thực tế tùy thuộc vào diễn biến tình hình thế giới và trong nước.
Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với một số quốc gia thành viên CPTPP, nên CPTPP tạo cơ hội để thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước đó trở nên thuận lợi hơn, đồng thời tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương – những thị trường có nhiều tiềm năng mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại gồm Canada, Mexico và Pê-ru.
Thách thức về thương mại
Nhìn lại 23 năm từ khi Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới từ tháng 7/1995 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều và mạnh hơn, do đó cách tiếp cận khoa học là “hội nhập để phát triển”, phải coi trọng đổi mới thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, đầu tư vào khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Tham gia CPTPP cũng vậy. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện về điều hành kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thì việc mở cửa thị trường có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, một số sản phẩm của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, đặc biệt là thực phẩm. Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất thịt lợn (Asprocer), ông Juan Carlos Domínguez kỳ vọng, năm 2017, Chi-lê xuất khẩu thịt lợn tới các nước của CPTPP đạt 141 triệu USD, nhưng khi Hiệp định có hiệu lực, các đơn hàng có thể tăng 10 – 15%.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi bò Canada, ông Heinz Reimer, khi CPTPP có hiệu lực, đường đi của các loại thịt bò Canada sang Việt Nam rộng mở hơn, giúp nông dân và các nhà chế biến thực phẩm nước này có thể thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ tăng tổng giá trị xuất khẩu nông sản hàng năm lên ít nhất 75 tỷ CAD (tương đương 60,7 tỷ USD).
Những thông tin trên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP trên thị trường trong nước; đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội mới để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các nước tham gia Hiệp định.
Về đầu tư
Trong CPTPP có một chương quy định khá toàn diện về đầu tư qua biên giới, trong đó có những nguyên tắc như tối huệ quốc, đối xử quốc gia, minh bạch và công khai thông tin, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp…
Hiện luật pháp Việt Nam đã có các quy định khá phù hợp về đầu tư. Tuy vậy, cần lưu ý đến các vấn đề mà CPTPP đòi hỏi cao hơn về đầu tư: 1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật, đó là một nhược điểm của luật pháp Việt Nam; 2) đòi hỏi cao về quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù đã “đóng băng” một số điều khoản liên quan như đối với dược phẩm; 3) lao động và quyền của người lao động, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập. Do vậy, cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong luật pháp có liên quan đến đầu tư.
CPTTP tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, nên tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mehico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.
Cần lưu ý rằng, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên; chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, ưu đãi quá mức cần thiết làm giảm thiểu lợi ích quốc gia.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, cần tiếp cận quy định của chương đầu tư trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng; tinh giản biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện “Chính phủ kiến tạo, hành động” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.
Về sở hữu trí tuệ
Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người tham gia hầu hết các vòng đàm phán TPP về sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang tồn tại “ba điểm yếu lớn”, gồm: pháp luật chỉ xử phạt hành chính, chưa có quy định xử lý hình sự, hình sự hóa các vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ như quy định của CTTPP; bảo hộ với dược phẩm, trong đó vấn đề gay cấn nhất là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm; nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Tham gia CPTPP, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho thích hợp với quy định của Hiệp định. Đồng thời, coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhất là tệ nạn hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền, thương hiệu…
CPTPP đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp là chủ thể thực hiện các FTA, trong đó có CPTPP, do vậy:
Một là, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.
Hai là, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.
Ba là, doanh nghiệp cần chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bốn là, doanh nghiệp chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia CPTPP.
GS-TSKH. Nguyễn Mại
Nguồn: Báo Đầu tư