Hình ảnh minh họa
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt trên 230.000 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 2010). Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng ngành tăng 3,05% so với năm 2016.
Hiện nay trong ngành chăn nuôi còn tồn tại một thực tế là nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi có hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các địa phương và các doanh nghiệp (DN). Việc đầu tư phát triển chăn nuôi thiếu đồng bộ, khu vực chăn nuôi nông hộ mức đầu tư còn rất thấp. Những bất cập này dẫn đến hậu quả rất lớn khi thị trường có biến động.
Điển hình như câu chuyện sụt giảm giá lợn trong năm 2017. Ngay đầu năm, giá lợn hơi rơi sâu xuống dưới 20.000 đồng/kg. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để “giải cứu thịt lợn” và hỗ trợ người chăn nuôi. Sau những nỗ lực của các tổ chức đoàn thể, giá đã nhích lên đôi chút. Nhưng cho đến nay, việc bỏ chuồng vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, bởi nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư quá lớn vào giai đoạn quá lỗ. Hoặc có những hộ sản xuất chấp nhận dừng sản xuất bởi họ biết một điều khi không nắm trong tay thông tin thị trường thì dù có tiếp tục sản xuất, nguy cơ thua lỗ vẫn hiện hữu.
Chính Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận: “Nguyên nhân chính của việc thua lỗ trong chăn nuôi là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường. Trước đây, khi giá lợn tăng, người người đổ đi chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi, chăn nuôi theo tâm lý đám đông. Chăn nuôi hàng hóa nhưng không biết bán cho ai, thị trường nào, phân khúc nào”.
Tuy nhiên, ông Dương cũng phân tích, giá lợn hơi của ta không thể duy trì cao mãi trên mức 40.000 đồng/kg được trong khi giá lợn quốc tế và khu vực thấp hơn hẳn. Cung cầu trong hội nhập sẽ đào thải những sản phẩm tương đương nhưng lại có giá thành cao hơn.
Có một thực thế hiện nay phần lớn các DN và người chăn nuôi chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn dễ thu lời, như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Trong khi các vấn đề như: con giống, giết mổ, chế biến, công tác thị trường còn nhiều yếu kém, chế biến và giết mổ vẫn là khâu yếu. Việc quy hoạch không được chú trọng, môi trường chăn nuôi còn ô nhiễm chưa được xử lý và còn nhiều bất cập…
Thông tin thị trường phát triển cùng chất lượng sản xuất
Năm 2018, ngành chăn nuôi đề ra nhiều mục tiêu gắn với tái cơ cấu ngành, đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,8-4% so với năm 2017. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng trứng các loại khoảng 11,58 tỷ quả tăng 8,8%; sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn tăng 14,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn tăng 7,8%…
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, để đạt được mục tiêu trên, ngành chăn nuôi sẽ rà soát, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu chăn nuôi tại 63 tỉnh/thành phố. Chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm đặc hữu của từng vùng, từng địa phương; tổ chức hợp tác, liên kết để xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Cùng với đó, phát huy lợi thế giống bản địa (như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà Mía, gà Đông Tảo, gà Hồ, bò H’mông…).
Bên cạnh đó, ngành xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bênh và chăn nuôi theo VietGAP… Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi.
Đồng thời, đẩy mạnh dự báo, thông tin thị trường; chủ động và tham mưu cho Bộ một số giải pháp khơi thông thị trường nhằm vào một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như: thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, sữa và các sản phẩm từ sữa… Chủ động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước gắn với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt nhằm hướng tới xuất, nhập khẩu giống, sản phẩm chăn nuôi…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ khuyến khích các DN đầu tư vào chế biến sâu để mở rộng thị trường xuất khẩu thịt. Riêng với thịt lợn, hiện nay Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc để mở rộng đầu ra cho sản phầm này.
“Trước đây, chúng ta có xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Nga nhưng đến những năm 2000 thì dừng lại. Cho tới năm 2015-2016, có một số DN của Nga đã sang Việt Nam để tìm nguồn nhập khẩu thịt lợn. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang xuất khẩu một sản lượng lớn thịt lợn, khoảng vài trăm nghìn tấn mỗi năm sang Hong Kong, Singapore. Chúng ta cũng có một số nhà máy giết mổ ở Hải Dương, Nam Định, Thái Bình chủ yếu xuất khẩu chính ngạch đi các nước”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các nước nhập khẩu đều yêu cầu thịt đã qua giết mổ hoặc chế biến, nhưng đây lại là một khâu yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Ở các nước châu Âu, thịt lợn giết mổ được cấp động sử dụng trong cả năm nhưng ở Việt Nam chủ yếu vẫn còn thói quen ăn thịt tươi, nóng. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT khuyến khích các DN nâng cao công nghệ chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thành các sản phẩm như xúc xích, thịt nguội… để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.
Trong năm 2017, Bộ NN&PTNT vừa có quyết định thành lập Phòng Phát triển thị trường chăn nuôi thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Trong thời gian tới, bộ phận này sẽ tập trung vào làm công tác dự báo thị trường, tham mưu cho Bộ giải pháp tháo gỡ các rào cản của các nước để điều chỉnh sản xuất. Đồng thời nghiên cứu theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi gắn với thị trường đầu ra đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thịt bò…
Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn người sản xuất, đặc biệt là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cơ cấu lại sản xuất, đảm bảo chất lượng thịt và tìm hiểu sâu về thị trường tiêu thụ, không nên chăn nuôi theo tập quán và chạy theo số lượng.
Đỗ Hương
Nguồn: cafef.vn