Hội Chăn nuôi Việt Nam – FAO: Tìm giải pháp cho phát triển chăn nuôi lợn tại Việt Nam

 
Thứ Sáu, 25/11/2016
Báo giá
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Quảng cáo
    1156
Hội Chăn nuôi Việt Nam – FAO: Tìm giải pháp cho phát triển chăn nuôi lợn tại Việt Nam
Ngày đăng bài - 5/20/2022 12:00:00 AM
Hội Chăn nuôi Việt Nam – FAO:  Tìm giải pháp cho phát triển chăn nuôi lợn tại Việt Nam

[Hội Chăn nuôi Việt Nam] - Sáng ngày 19/05/2022, tại Hà Nội, Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội) đã có buổi tiếp và làm việc với các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Mục đích của buổi làm việc nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển chính sách chăn nuôi trong thời gian sắp tới.

 

Đoàn làm việc của FAO chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam

 

Tại buổi làm việc, ông Alejandro Acosta, Chuyên gia kinh tế, chính sách, Phòng Chăn nuôi và Sức khỏe Động vật (NSA), Trưởng đoàn của FAO chia sẻ: “FAO đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam về những vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề nghiên cứu chính sách phục vụ cho việc phát triển ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam, nhất là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ.

 

Để hỗ trợ cho việc phát triển chính sách, cần có những nghiên cứu cụ thể về kinh tế. Trong chuyến công tác lần này, FAO muốn tìm kiếm những dữ liệu phục vụ việc xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi, nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển chính sách chăn nuôi trong thời gian sắp tới”, ông Alejandro Acosta cho biết.

 

Cụ thể, đại diện FAO cho biết, nhóm nghiên cứu của họ muốn tìm hiểu, thu thập thông tin về giá cả, chi phí đầu vào trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ tại Việt Nam, từ đó giúp tối ưu hóa lợi nhuận trong chăn nuôi trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, FAO muốn tìm hiểu về khả năng cung cấp cho thị trường nội địa cũng như tiềm năng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam.

 

Dựa trên những nghiên cứu đã được thực hiện, ông Alejandro Acosta nhận định, sẽ có 2 viễn cảnh có thể xảy ra trong thời gian sắp tới, đó là các trang trại quy mô rất lớn sẽ ít xuất hiện hơn hoặc sẽ có nhiều hơn nữa những trang trại quy mô vừa. Do vậy, cần có những can thiệp kịp thời về mặt chính sách thì để sớm ổn định thị trường. Vậy nên, việc giảm chi phí cho những hộ chăn nuôi vừa và nhỏ sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm của những đối tượng này.

 

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá cao mục đích nghiên cứu của FAO. “Hội rất hoan nghênh đề tài nghiên cứu của FAO.Bên cạnh đó, Hội muốn đề xuất phối hợp với FAO nghiên cứu về những nguy cơ, rủi ro cho người chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi quy mô nhỏ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những nghiên cứu này sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra những chính sách hỗ trợ để khu vực chăn nuôi nông hộ có thể tồn tại và phát triển đồng hành cùng những doanh nghiệp lớn, giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho người nông dânvà tránh việc độc quyền thị trường của những “ông lớn” ngành chăn nuôi”, TS. Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

 

Chăn nuôi nông hộ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường

 

Hiện nay, giá trị của ngành chăn nuôi lợn đang chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu ngành chăn nuôi, khoảng 60-65% (trung bình 62%). Trong đó, chăn nuôi nông hộ đang chiếm khoảng 60% cơ cấu chăn nuôi, tập trung chủ yếu tại những vùng sâu vùng xa như các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh Bắc Trung bộ…Số hộ tham gia vào chăn nuôi lợn tương đối lớn, khoảng 2,5 triệu hộ. Phần lớn các gia đình nông thôn đều trang bị chuồng trại chăn nuôi lợn.

 

Đối mặt với tình hình giá cả thị trường, dịch bệnh bùng phát như hiện nay, rõ ràng chăn nuôi nông hộ đang là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Không khó để nhận ra rằng, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó để tồn tại trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn, cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp và áp lực từ nhập khẩu thịt lợn ngày càng gia tăng khi Việt Nam chính thức tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA...

 

Giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất chăn nuôi. Hiện, chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc khoảng 70% lượng thức ăn nhập khẩu, tính riêng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 90% và chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Argentina, Brazil, Ukraine, Ấn Độ…

 

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.

 

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, hiện naycó 4 vấn đề mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết, cụ thể: Giảm chi phí nhập khẩu của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ví dụ, tăng năng lực logistic sẽ giúp giảm từ 10-15% giá nhập khẩu; giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; tăng cường sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, thức ăn bổ sung. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương cũng như nguồn phế phụ phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.

 

Dựa trên những thông tin trong buổi làm việc, các chuyên gia từ FAO hy vọng các nghiên cứu của họ sẽ sớm có kết quả và sẽ hỗ trợ phát triển những chính sách về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước đó, FAO đã có những nghiên cứu tại Trung Quốc về ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi đối với giá lợn sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu này tại Việt Nam. Đồng thời, đại diện FAO, ông Alejandro Acosta gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội đã dành thời gian tiếp đón đoàn và những thông tin mà Hội đã chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Alejandro Acosta cũng sẽ xem xét đề xuất trong việc hợp tác nghiên cứu mà Hội đã đưa ra và hy vọng thời gian tới FAO và Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp, bền chặt.

 

Phạm Huệ

Ông Alejandro Acosta - Chuyên gia kinh tế, chính sách, Phòng Chăn nuôi và Sức khỏe Động vật (NSA), Trưởng đoàn của FAO: “Sẽ có 2 viễn cảnh có thể xảy ra trong thời gian sắp tới, đó là các trang trại quy mô rất lớn sẽ ít xuất hiện hơn hoặc sẽ có nhiều hơn nữa những trang trại quy mô vừa. Do vậy, cần có những can thiệp kịp thời về mặt chính sách thì để sớm ổn định thị trường. Vậy nên, việc giảm chi phí cho những hộ chăn nuôi vừa và nhỏ sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm của những đối tượng này”.

 

Để lại comment của bạn

Họ tên:
Email:
Bình luận:
Quảng cáo
  • qc3
  • Huali
Video
Thống kê truy cập