Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quỹ đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên (gần 270.000ha), địa hình khá bằng phẳng, đất đai thích hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới, có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (có thể tưới tiêu chủ động cho 47.000ha đất canh tác).
Tỉnh xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một giải pháp chính trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hướng tới xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch
Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó mục tiêu trọng tâm là gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, trên nền tảng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đồng thời tập trung sắp xếp, quy hoạch lại đất nhà nước đang quản lý và định hướng hình thành một số vùng dành riêng cho nông nghiệp sạch, NNHC, xây dựng danh mục cũng như tiêu chí ưu tiên thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án nông nghiệp sạch, NNHC.
Một trang trại chăn nuôi bò sữa theo mô hình NNHC của Công ty Vinamilk ở huyện Bến Cầu
Tỉnh đã thu hút và đang xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu với công suất 500 tấn sản phẩm/ngày và triển khai phát triển một số mô hình rau quả có giá trị gia tăng cao, gắn ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt làm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu như bưởi, mãng cầu, chanh dây, xoài, dứa...
Đặc biệt, đã thực hiện được mô hình đào mương, đắp bờ bao để trồng dứa (khóm) với diện tích tương đối lớn ở vùng biên giới, vừa để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả, kết hợp với bảo vệ biên giới.
Tỉnh còn tổ chức cho nông dân học tập kinh nghiệm tại Đài Loan, Thái Lan, Brazil... từng bước hình thành chuỗi giá trị nông sản để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh quốc tế; đang xúc tiến đầu tư nhà máy giết mổ gia súc hiện đại cùng vùng nuôi bò chuyên thịt; xây dựng nhiều giải pháp đẩy nhanh việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chú trọng về số lượng sang nâng cao về chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường và đảm bảo khả năng cạnh tranh, nhất là nông sản có tiềm năng giá trị kinh tế cao mà Tây Ninh đang có lợi thế.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết: “Mục tiêu của tỉnh Tây Ninh là phải tiến tới sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), NNHC, truy xuất được nguồn gốc nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp không những đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng mà còn phải mang lại giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân”.
Có cơ chế hỗ trợ nông dân
Tuy nhiên, cũng theo ông Tân, để thúc đẩy sản xuất NNHC phát triển, Tây Ninh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khả thi.
Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó có danh mục ưu tiên nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ban hành chính sách đặc thù cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, NNHC; có cơ chế hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, học tập quá trình sản xuất, bảo quản, cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.
Về phía Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ các địa phương kêu gọi, giới thiệu tổ chức hữu cơ các nước có kinh nghiệm để giúp các địa phương đào tạo, tập huấn, tham quan trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp sạch, NNHC; tăng cường công tác tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp sạch, NNHC để người dân nhận thức áp dụng vào sản xuất, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hữu cơ, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất NNHC; hàng năm ban hành danh mục giống, vật tư nông nghiệp đủ tiêu chuẩn sử dụng sản xuất NNHC
Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển NNHC, tỉnh Tây Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chọn Tây Ninh làm thí điểm chương trình phát triển NNHC của cả nước, đồng thời sẵn sàng chào đón, mời gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực, nguồn lực đến Tây Ninh đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, NNHC và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, sát cánh cùng doanh nghiệp.
Văn Phong
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng